Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật TP Thanh Hóa: Nơi lan tỏa những việc làm thiện nguyện

Địa phương
10:01 PM 20/04/2023

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật (TTCTTE TT) thành phố Thanh Hóa, tiền thân là "Phòng khám nhân đạo Hội CCB Đông Hương". Trải qua 27 năm thành lập và phát triển (19/5/1996-19/5/2023), Trung tâm đã tổ chức tư vấn, khám bệnh miễn phí cho trên 20.000 lượt trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo ở địa phương.

Hiện tại, trung tâm có 52 hội viên. Hầu hết cán bộ hội viên là người cao tuổi, trong đó có nhiều người là cựu chiến binh, thương binh, công chức đã nghỉ hưu, làm việc không hưởng lương, nhưng tất cả đều có chung một bầu nhiệt huyết, xây dựng Trung tâm cứu trợ TETT thành phố Thanh Hóa ngày một ổn định và phát triển. 

Cán bộ, hội viên trung tâm sẵn sàng hy sinh công việc gia đình, hiến công, hiến của để chia sẻ, gánh vác công việc chung. Những con người tiêu biểu được Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Hương nhắc đến với tấm lòng biết ơn sâu nặng, đó là: Bác sỹ Nguyễn Thế Dân - nguyên Giám đốc Trung tâm; Ông Trịnh Phương Do, nguyên Phó Giám đốc, ông Đỗ Quốc Biên - cố vấn Trung tâm; Sư thầy Thích Đàm Hương (chủ trì chùa Tăng Phúc - TP. Thanh Hoa). Họ luôn dành cho Trung tâm những tình cảm đặc biệt, cả tinh thần và vật chất chia sẻ động viên, giúp đỡ những con người tàn tật, nghèo khó…

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật: Nhịp cầu nhân ái – Nơi lan tỏa những việc làm thiện nguyện - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm nhận quà hỗ trợ trẻ em khuyết tật của Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh nhân kỷ niệm 25 năm ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật (18/4/1998-18/4/2023)

Nhắc đến Trung tâm CTTETT thành phố Thanh Hóa, là nhắc đến một đơn vị điển hình đã có nhiều đóng góp cho công tác thiện nguyện, họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, dạy nghề kết hợp tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật…

Trong hơn 20 năm qua, nhiều hoạt động xã hội của trung tâm đã đạt được những thành quả rất tự hào. Luôn là địa chỉ đỏ, là nhịp cầu nhân ái, lan tỏa nhiều hơn những việc làm thiện nguyện trong xã hội, được dư luận xã hội, các cấp, các ngành, lãnh đạo thành phố đánh giá cao. Từ những cố gắng của mỗi thành viên, đặc biệt là vai trò của Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Hương; đồng hành với bà còn có Phó Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh, nên mọi việc rất thuận lợi, trung tâm ngày càng phát triển và xây dựng được "cơ đồ" như ngày hôm nay - một không gian làm việc, sáng, xanh, sạch, đẹp.

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật: Nhịp cầu nhân ái – Nơi lan tỏa những việc làm thiện nguyện - Ảnh 2.

Các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh phối hợp cùng Trung tâm khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em khuyết tật

Để hoạt động của trung tâm đi vào chiều sâu, công tác tuyên truyền, sinh hoạt vào sáng thứ 7 hàng tuần được duy trì đều đặn, như: Nói chuyện thời sự, phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến cán bộ hội viên...

Nổi bật hơn cả, trung tâm luôn duy trì thực hiện, gắn kết với quá trình thực hiện các nhiệm vụ như: hoạt động vận động tài trợ, thăm hỏi, tặng quà, khám, tư vấn và chữa bệnh tật, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề, khuyến học, khuyến tài đối với trẻ khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật: Nhịp cầu nhân ái – Nơi lan tỏa những việc làm thiện nguyện - Ảnh 3.

Công tác khám chữa bệnh cho trẻ em khuyết tật của trung tâm nhân ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật

Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã tổ chức tư vấn, khám bệnh miễn phí cho trên 20.000 lượt trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo ở địa phương. Tổ chức thăm khám sàng lọc đưa 135 trẻ em đi phẫu thuật dị tật sứt môi, hở hàm ếch, phẫu thuật về cơ Delta, phẫu thuật tim cho trẻ em khuyết tật tại bệnh viện tỉnh và Trung ương. Khám bệnh về mắt cho 2002 trẻ em ở phường Hàm Rồng, phường Đông Cương, phường Đông Thọ và cấp 192 chiếc kính miễn phí cho 192 cháu bị cận thị, viễn thị. Hỗ trợ 180 chiếc xe lăn cho trẻ khuyết tật và người khuyết tật. Tặng 2.580 suất quà vào dịp lễ, tết hàng năm (mức 200.000 đồng đến 400.000 đồng/1 suất quà), cho trẻ em tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Dạy nghề, sửa chữa máy thu thanh, thu hình cho 50 trẻ khuyết tật…

Mặt khác trung tâm thường xuyên tham gia đầy đủ các hoạt động: Hội thảo, hội diễn, hội thi do Trung ương hội tổ chức và đã đạt được nhiều giải cao Nhất, Nhì…cho toàn đoàn.

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật: Nhịp cầu nhân ái – Nơi lan tỏa những việc làm thiện nguyện - Ảnh 4.

Công tác khám bệnh miễn phí cho trẻ em khuyết tật

Mới đây, tiến tới kỷ niệm 25 năm ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật (18/4/1998-18/4/2023), 30 năm ngày thành lập Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (04/12/1993- 04/12/2023), và 27 năm thành lập Trung tâm cứu trợ TETT thành phố Thanh Hóa (19/5/1996-19/5/2023), Trung tâm cứu trợ TETT thành phố Thanh Hóa đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh tổ chức khám sức khoẻ miễn phí cho các cháu và tặng hơn 30 suất quà cho các cháu khuyết tật. Đây là sự quan tâm, động viên vô cùng quý giá, giúp các em có tinh thần lạc quan, vươn lên vượt qua khó khăn, tật nguyền hòa nhập cuộc sống.

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật: Nhịp cầu nhân ái – Nơi lan tỏa những việc làm thiện nguyện - Ảnh 5.

Công tác khám bệnh miễn phí cho trẻ em khuyết tật của các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh

Một chặng đường hơn 20 năm qua, nhiều cán bộ, hội viên trung tâm, đã được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, giấy khen. Trong đó, tập thể trung tâm được UBND tỉnh Thanh Hóa tặng 1 Bằng khen; Hội cứu trợ trẻ em Việt Nam tặng 5 Bằng khen. Riêng Bác sỹ Nguyễn Thế Dân, nguyên Giám đốc Trung tâm đã được nhận 2 Bằng khen từ Hội cứu trợ TETT Việt Nam và UBMTTQ Việt Nam vì có những thành tích đóng góp cho công tác từ thiện nhân đạo. 22 cán bộ hội viên Trung tâm được Hội cứu trợ TETT Việt Nam tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp trẻ em khuyết tật Việt Nam".

Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, bà Nguyễn Thị Hương Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù trung tâm còn gặp nhiều khó khăn do là một tổ chức xã hội chưa được thành phố đưa vào diện "tổ chức đặc thù", mọi thành viên từ Giám đốc đến cán bộ dạy nghề không được hưởng lương… Nhưng Ban lãnh đạo trung tâm vẫn luôn nỗ lực tiếp tục hỗ trợ các em  khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trên tinh thần phối hợp với các tổ chức hướng nghiệp dạy nghề cho các em; tìm các nguồn tài trợ giúp đỡ cho các em có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định.

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật: Nhịp cầu nhân ái – Nơi lan tỏa những việc làm thiện nguyện - Ảnh 6.

Trung tâm cứu trợ TETT thành phố Thanh Hóa đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh tổ chức khám sức khoẻ miễn phí cho các cháu và tặng hơn 30 suất quà cho các cháu khuyết tật

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh: "Tôi rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo thành phố tiếp tục sát cánh cùng chúng tôi chung tay tạo lập cho các em một môi trường sống thực sự hạnh phúc. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với với tổ chức thành viên trong việc chăm lo các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là những người yếu thế, người khuyết tật, người tàn tật để không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, các thành viên của trung tâm tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Đặc biệt, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, tiếp tục là nhịp cầu nhân ái để chăm lo cho người khuyết tật; huy động công của, sức lực, trí tuệ trong xã hội cho hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng, góp phần giúp trẻ em khuyết tật sống hòa nhập, bình đẳng với cộng động. Đó là điều mà Trung tâm cứu trợ TETT thành phố Thanh Hóa chúng tôi hy vọng và mong muốn nhất./.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn