Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định: Hết lòng phục vụ người có công

Địa phương
07:08 PM 08/12/2022

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định luôn phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm để hết lòng phục vụ tận tình, chu đáo người có công trong và ngoài tỉnh đến điều dưỡng tại đây, góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người đã có nhiều đóng góp, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định được thành lập tháng 5/2019, trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị là Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh và Trung tâm Điều dưỡng Người có công Nam Phong.

Trung tâm có 3 phòng chuyên môn với 57 cán bộ công chức, viên chức, lao động thực hiện nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, quản lý chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng người có công với cách mạng và thực hiện chế độ, chính sách, tiêu chuẩn đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công thuộc phạm vi quản lý; tổ chức nuôi dưỡng, điều trị; phục hồi chức năng cho con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật không có khả năng tự sinh hoạt và thực hiện các dịch vụ công khác theo quy định của pháp luật.

Ông Đỗ Hòa Trung, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định cho biết: Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch và tình hình thực tiễn của đơn vị, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch điều dưỡng hằng năm, thống nhất số lượng đối tượng đi điều dưỡng từng đợt.

Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định: Hết lòng phục vụ người có công - Ảnh 1.

Nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định chăm sóc tận tình, chu đáo người có công đến điều dưỡng

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Giám đốc Trung tâm luôn luôn bám sát các quy định của pháp luật, quy chế, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để triển khai nhiệm vụ công tác; chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, ổn định tổ chức bộ máy; xác định nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể ngay từ đầu năm để từ đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn, từng cá nhân phụ trách. Do đội ngũ viên chức mới được tuyển dụng vào ngành còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, Trung tâm đã cử nhiều cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các Trung tâm tỉnh bạn, sau đó trở về áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học tập vào thực tiễn hoạt động của đơn vị mình, thực hiện điều dưỡng cho hàng nghìn lượt người có công.

Cùng với đó, Trung tâm đã xây dựng, không ngừng hoàn thiện, bổ sung quy trình điều dưỡng với nhiều đổi mới tích cực, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và nhu cầu của người có công đến điều dưỡng. Tất cả mọi hoạt động của đơn vị đều hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người có công. Công tác tổ chức đón tiếp các đoàn đại biểu người có công đến điều dưỡng được thực hiện chu đáo, tận tình. Cán bộ, nhân viên luôn có thái độ tôn trọng, ân cần, niềm nở khi tiếp đón, tạo không khí gần gũi, thân tình giữa cán bộ, nhân viên Trung tâm với người có công đến điều dưỡng.

Công tác chăm sóc sức khỏe người có công rất được coi trọng, 100% người có công đến điều dưỡng đều được khám sức khỏe ban đầu, tổ chức cấp phát thuốc, tư vấn chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn rèn luyện thể chất, thực hiện các bài tập nâng cao sức khỏe kết hợp với các máy móc thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng hiện đại, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, cấp thuốc bổ...

Bộ phận nấu ăn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các chế độ dinh dưỡng cho người có công đến điều dưỡng nhằm đảm bảo đủ chất, đủ lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thường xuyên thay đổi thực đơn, cơ cấu các món ăn nhằm đảm bảo hợp khẩu vị với từng đoàn, từng địa phương, vùng miền. Điều đáng ghi nhận trong công tác tổ chức điều dưỡng của đơn vị những năm qua là chưa xảy ra trường hợp nào về ngộ độc thức ăn hay các bệnh lý liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh việc quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc sức khỏe, thì công tác chăm sóc đời sống tinh thần đối với người có công luôn được Trung tâm quan tâm thực hiện hiệu quả, tích cực qua các hoạt động như: Đưa các đại biểu người có công đi tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh như: Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần; Khu du lịch Thịnh Long (Hải Hậu), Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Tam Chúc (Hà Nam)…; Tổ chức vui chơi thể thao: bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng; tổ chức các buổi nói chuyện thời sự, phổ biến, giải đáp về các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và các chính sách khác có liên quan; tổ chức chiếu phim tài liệu, các chương trình giao lưu văn nghệ… tạo không khí đoàn kết, thân thiện giữa các đại biểu với nhau và với đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm.

Như vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định đã đoàn kết, tận tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác quản lý, tổ chức nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, góp phần thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách Đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước. Trung tâm đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu tiếp đón, điều dưỡng cho 800 người có công trong năm 2022, đạt 100% kế hoạch Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao.

Ông Đỗ Hòa Trung, Giám đốc Trung tâm xúc động nói: Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang không ngừng phát triển nhưng chúng ta mãi mãi không quên những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha, anh. Tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm xin hứa sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác để nơi đây trở thành một chốn tri ấn, một điểm đến nghĩa tình của các bác, các anh, các chị người có công với cách mạng ở trong và ngoài tỉnh Nam Định./.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.