Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế - Sở Y tế Hải Phòng: Thấu hiểu nỗi gian lao của những người chiến sĩ áo trắng

Địa phương
09:27 AM 11/11/2021

“Từ khi triển khai làm test nhanh sàng lọc COVID-19 tại khu vực đón trả hoa tiêu Hòn Dáu, nhân viên kiểm dịch chúng em luôn phải làm việc kéo dài thông trưa. Lên ca nô tầm 8h sáng có khi 18 giờ hoặc 24 giờ mới được về bờ. Cơm trưa không kịp ăn, chỉ bỏm bẻm bánh lương khô với nước lọc. Có những khi cán bộ trực ca trước còn phải lấn sang ca sau. Hôm nắng nóng 39, 40 độ; hôm mưa dài sóng, gió…”. Đó là lời tâm sự về những vất vả của những chiến sĩ áo trắng tại Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế - Sở Y tế Hải Phòng.

Kiểm dịch tại các cảng nội địa và quốc tế

"Kinh tế thành phố còn nghèo nên ngành chúng em chưa có tàu riêng để hoạt động. Để không ảnh hưởng đến công việc kiểm dịch, nhiều khi em phải đại diện cho 10 bác sĩ của Trung tâm làm việc tại khu vực đón trả hoa tiêu Hòn Dáu trao đổi với anh Cường (Trạm trưởng trạm Hoa tiêu, Đồ Sơn) đề nghị bên hoa tiêu tạo điều kiện giúp đỡ đảm bảo giờ ăn và giờ giao ca để ổn định sức khỏe và sự an toàn cho kiểm dịch viên khi làm việc trên biển; không gây ảnh hưởng đến công việc chung của Trung tâm kiểm dịch.

Có thời điểm như ngày 3/11, có đến 7 tàu cập cảnh tại phao số 0 chúng e làm việc liên tục suốt nhiều giờ đồng hồ. Mệt thì tựa lưng vào ghế, đói thì ăn tạm lương khô và bánh mì. Trên ca nô hoa tiêu chòng chành nên việc nấu ăn rất khó khăn, gần như không dùng được những đồ nước, vì sóng đánh ca nô lúc nhao lên, lúc đâm xuống, độ cao đến gần 1m hất tung tất cả".

Tâm sự với PV về nhiệm vụ kiểm dịch y tế tại cảng, các kiểm dịch viên chia sẻ: "Từ khi có dịch COVID, triển khai làm test nhanh sàng lọc COVID-19 tại khu vực đón trả hoa tiêu Hòn Dáu, cuộc sống của nhân viên kiểm dịch chúng em đảo lộn, công việc thì phụ thuộc vào con nước (nhật triều) và những chuyến tàu cập cảnh ngoài biển - Phao số 0. Tàu vào ngày thì làm ngày, tàu vào đêm phải làm đêm. 

Có những đêm lọ mọ làm thông cho đến sáng, cứ theo con nước mà làm. Để làm tốt công việc, chúng em phải hoàn thành các chứng chỉ liên quan đến an toàn hàng hải, rèn luyện chịu sóng, kĩ năng leo thang dây… Thang dây thường cao khoảng 9m, đung đưa theo nhịp tàu và theo gió lớn... 

Từ ca nô chúng em phải lựa theo nhịp lên xuống, khi ca nô có nhịp lên mới vội bám vào đầu thang và khẩn trương leo nhanh qua 3 nấc thang đầu rồi mới từ từ leo tiếp được. Đã có lần 1 kiểm dịch viên mới leo lần đầu không may trượt chân, rơi cả người xuống biển".

Đang tâm sự thì tiếng còi hú và tiếng nổ ca nô tới gần. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn và anh em kiểm dịch viên kiểm tra lại tư trang, đồ chuyên dụng cùng anh em hoa tiêu lên ca nô chuẩn bị cho ca làm việc tiếp theo. 

Với chặng biển phải qua khoảng 7 đến 10 hải lý (khoảng 20km); tốc độ khoảng 50-60 km/giờ thì 30-35 phút sau mọi người sẽ có mặt (Phao số 0) tại nơi có những con tàu WANHAI 175, SM TOKYO, YMHEIGHT… đến từ các nước trên thế giới đang chờ kiểm dịch để nhập cảnh...

Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế - Sở Y tế Hải Phòng:  Thấu hiểu nỗi gian lao của những người chiến sĩ áo trắng   - Ảnh 1.

Xe tiêm chủng di động đang tiêm vaccine COVID-19 cho các thuyền viên tại Cầu cảng Hải Phòng.

Trái với biển Đồ Sơn, thời tiết Cảng Hải An hanh khô, oi bức… Trên tàu HAI AN MIDN từ Sài Gòn vừa cập cảng, bác sĩ Trung và bác sĩ Tùng mồ hôi nhễ nhại vì khoác trên mình bộ đồ phòng hộ dịch và đôi găng tay cao su… sau khi kiểm tra hành chính cá nhân, các thủ tục giấy tờ như: tên, tuổi, địa chỉ; lộ trình từ Hải Phòng đi Sài Gòn, từ Sài Gòn cập cảng có biểu hiện dịch bệnh gì không… với thao tác thành thạo, thuần thục dùng máy đo thân nhiệt để đo và lấy mẫu dịch tễ lần lượt cho các thành viên trên tàu.

Bác sĩ Trung cho biết: Sau khi có kết quả, nếu tất cả bộ test nhanh đều báo đồng bộ 1 vạch C nghĩa là cả đoàn an toàn và cấp giấy chứng nhận an toàn cho đoàn. Còn nếu có bộ test nhanh báo cả 2 vạch là C và T thì có nghĩa là đã có trường hợp dương tính. 

Khi đó các bác sĩ sẽ có các biện pháp tức thì như cách ly bệnh nhân, ngay lập tức báo về Trung tâm kiểm dịch để đưa bệnh nhân đến điểm cách ly và điều trị. Sau đó sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho những thành viên còn lại và phun khử khuẩn toàn bộ con tàu và vùng xung quanh.

Kết thúc kiểm tra y tế về người các kiểm dịch viên kiểm tra vệ sinh, sinh hoạt tại các khoang tàu như: khoang sinh hoạt, khoang lái, khoang nấu, khoang lạnh chứa thực phẩm: rau, củ quả, khoang đông lạnh như: thịt, cá… Khi đáp ứng tất cả các chỉ tiêu an toàn cả về người và sinh hoạt trên tàu thì tàu đó mới được cấp giấy chứng nhận an toàn… và được nhập cảng.

Kiểm dịch tại Cảng hàng không sân bay Cát Bi

Có vẻ chuẩn giờ hơn nhiều chuyến bay khác, đúng 14 giờ 45 phút, tại Cảng hàng không sân bay Cát Bi, chuyến bay VJ272 chở 184 hành khách hạ cánh. Lần lượt từng người được lực lượng kiểm dịch y tế - Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế phối hợp với các thành viên thuộc chốt kiểm dịch tại sân bay (cả chốt có 17 người, 2 công an, 2 bộ đội, 3 an ninh sân bay, 5 hỗ trợ từ thành đoàn) kiểm tra hành chính y tế như giấy tờ chứng nhận tiêm phòng dịch; kiểm dịch viên ngồi tại bộ phận có máy đo thân nhiệt theo dõi tình trạng sức khỏe của hành khách khi hành khách đi qua máy quét thân nhiệt. 

Tiếp theo lực lượng kiểm dịch y tế kiểm tra về test âm tính, có thể thực hiện PCR hoặc test nhanh. Nếu thấy có triệu chứng sốt, máy quét báo đỏ sẽ giữ lại làm các thủ tục… nếu thấy không đủ điều kiện thì nhân viên an ninh kiên quyết không cho lên máy bay và phối hợp đưa đi cách ly tập trung ngay. 

Nặng hơn có các yếu tố liên quan đến dịch tế sẽ phối hợp đưa đi cách ly tập trung. Khi máy bay về, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh (vùng đỏ) ra, lực lượng kiểm dịch y tế hết sức cẩn thận, kỹ càng hơn như: Phải tiêm đủ 1 hay 2 mũi (nay nới lỏng hơn có thể 1 mũi… đối với các tỉnh khác).

Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế - Sở Y tế Hải Phòng:  Thấu hiểu nỗi gian lao của những người chiến sĩ áo trắng   - Ảnh 2.

Các kiểm dịch viên leo thang dây để thực hiện công tác xét nghiệm trên tàu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương - Trưởng khoa Quản lý sức khỏe Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế - Sở Y tế Hải Phòng - phụ trách kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cho biết: Thời gian trước, hành khách muốn được thông quan thì bắt buộc phải xuất trình được giấy đã tiêm phòng 2 mũi, có thẻ xanh và có tờ khai y tế. Nếu là F0 đã được điều trị khỏi bệnh thì phải có giấy ra viện. Khi khách đi hãng hàng không phải kiểm tra khách đã tiêm đủ 2 mũi và có test âm tính trong vòng 72h mới được lên máy bay.

Mỗi chuyến bay đi và đến có hàng trăm hành khách, lực lượng kiểm dịch y tế phải theo dõi hết tất cả các hành khách khi đi qua máy soi thân nhiệt. Khi đi qua máy soi thân nhiệt xong khách chia làm 2 luồng, luồng đi bên trái là khách về Hải Phòng, luồng đi bên phải là về các tỉnh. Mỗi luồng đều có lực lượng kiểm dịch kết hợp với lực lượng Thanh niên Thành đoàn giám sát, hướng dẫn và kiểm tra y tế cùng… Khi thấy an toàn mới cho thông quan, ra ngoài để bộ phận an ninh, công an sắp xếp xe đưa khách ở tỉnh nào về tỉnh ấy.

Hiện ngày có đến 7 chuyến đi về, nhiều chuyến trễ giờ bay đến cả tiếng, lực lượng cũng phải nán lại ngồi chờ. Cuộc sống, công việc phụ thuộc các chuyến bay, ca trực hết sức mệt mỏi. Áp lực về dịch bệnh khi hàng ngày tiếp xúc với nhiều thành phần hành khách. Nguy cơ lây nhiễm cho mình rồi lây sang gia đình rất lớn. 

Nhiều hành khách ở phía Nam bị mất việc, bị cách ly lâu ngày, kinh tế cạn kiệt, khi được về đến sân bay phải khai báo thủ tục nhiều trở nên cáu kỉnh, lực lượng kiểm dịch y tế lại phải nhã nhặn, mềm mại giải thích sao cho hành khách tự nguyện hợp tác…

Dịch bệnh nên không còn đi làm theo ca, theo kíp như trước, mà phải làm theo chuyến. Có những đợt phải trực những chuyến bay 11, 12 giờ đêm, có những hôm đến 1 giờ sáng. Mì tôm với lương khô là món ăn thường xuyên đối với lực lượng kiểm dịch trong thời gian này.

Được hỏi về tính chất đặc thù công việc, gian nan, vất vả, ăn uống thất thường, giờ giấc, sinh hoạt cá nhân cũng như gia đình bị đảo lộn suốt từ đầu mùa dịch đến giờ mọi người có cảm thấy tâm trạng chán nản hay không được thoải mái… thật ngạc nhiên khi tất cả các bác sĩ - kiểm dịch viên đều tươi cười cho rằng công việc khó khăn vất vả… nhưng họ cảm thấy hạnh phúc vì được đứng trong hàng ngũ phòng chống dịch tuyến đầu, góp sức mang lại bình yên trên mặt trận chống dịch cho bản thân, gia đình, thành phố nói riêng và toàn quốc nói chung được an toàn, đó là niềm vui lớn nhất khiến mọi người vượt qua tất cả…

Không chỉ ở công tác kiểm dịch hành khách, thuyền viên, ngay từ khi được thành phố kịp thời cấp cho 1 xe tiêm chủng di động… Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế đã triển khai tiêm cho rất nhiều thuyền viên của rất nhiều tàu khi cập cảng Hải Phòng. Đây quả là một bước đi hết sức nhanh nhạy, thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID của thành phố Hải phòng nói chung và sự chăm chỉ cần mẫn của đội ngũ y bác sĩ Sở Y tế, Trung tâm kiểm dịch nói riêng.

Ông Đỗ Việt Hà - Phó Giám đốc Công ty vận tải biển VIMC - doanh nghịệp thuộc Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (công ty quản lý 14 tàu, trong đó có 2 tàu dầu, 10 tàu rời và 2 container, có gần 400 thuyền viên. Các tàu chủ yếu hoạt động viễn dương, khắp các nước trên thế giới) xúc động nói: Khi doanh nghịệp chúng tôi có tàu cập cảng Hải Phòng, ngoài công việc phải kiểm tra, xét nghịệm… theo đúng thủ tục, thuyền viên của chúng tôi còn được mời xuống ngay gần cầu cảng để xe tiêm chủng di động tiêm vaccine phòng chống COVID cho mọi người. 

Là doanh nghịệp có tàu cập cảng nhiều nước trên thế giới và nội địa nhưng ít thấy có cảng nào quan tâm chu đáo, nhiệt tình và sớm có xe tiêm chủng di động phục vụ tại cầu cảng như ở Hải Phòng. Thực sự đây quả là một điều tuyệt vời! Chúng tôi bày tỏ sự biết ơn đối với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế và đội ngũ lãnh đạo của thành phố Hải Phòng. 

Chúng tôi rất mong mô hình phòng chống dịch ở cảng Hải Phòng được nhân rộng trên khắp các cảng trong cả nước để 100/100 các thuyền viên đều được tiêm phòng đầy đủ. Điều này góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 của nước ta, đồng thời đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Phan Thương
Ý kiến của bạn
Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.