Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi: Ứng dụng khoa học kỹ thuật để bảo tồn nguồn gien

Địa phương
04:25 PM 13/07/2021

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (trụ sở ở xã Bình Sơn, Tp. Sông Công, Thái Nguyên) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), được giao nhiệm vụ nghiên cứu, chọn lọc, nhân thuần, lai tạo, giữ giống gốc các giống vật nuôi phù hợp với địa bàn, vùng sinh thái khí hậu và điều kiện phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi bền vững ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Với bề dày truyền thống trong lĩnh vực nghiên cứu nhân giống các loại gia súc và gia cầm, trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo cho các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Từ năm 1998, ngoài nhân thuần giống ngựa, Trung tâm được giao nhiệm vụ mở rộng đối tượng nghiên cứu các loại gia súc, gia cầm như trâu, gà, vịt và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các chương trình chuyển giao công nghệ và đào tạo của Trung tâm cho các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Giang…đều cho kết quả tốt, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. 

Trên thực tế đến nay, các sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc, từng bước xóa đói giảm nghèo, tiến tới xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng chương trình nông thôn mới tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Là đơn vị nghiên cứu chuyên sâu bảo tồn các loại gien gia súc và gia cầm, tuy nhiên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi gặp không ít những khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học. Tiến sỹ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm, cho biết: "Kinh phí hàng năm dành cho công tác nghiên cứu rất eo hẹp, cơ sở vật chất của đơn vị đã xuống cấp, trang thiết bị đã lạc hậu không còn phù hợp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn của chúng tôi"

Ứng dụng khoa học kỹ thuật để bảo tồn nguồn gien - Ảnh 1.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, đứng bên con trâu "ngố" mới được Trung tâm thuần chủng

Nỗ lực khắc phục những khó khăn từ năm 2005 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã thực hiện thành công các chương trình chuyển giao công nghệ đào tạo cho các tỉnh. Cụ thể như: Chương trình khuyến nông trâu ″Đảo trâu đực giống″ ở 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên, thời gian thực hiện: 2005-2010. Chương trình khuyến nông trâu với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại 2 tỉnh Thái Nguyên và Yên Bái, thuộc dự án "Cải tiến và phát triển giống trâu giai đoạn 2006-2010", và chương trình thực hiện ở các tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa...giai đoạn 2011-2015.

 Chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền núi, trong đó con trâu được xác định là đối tượng để phát triển kinh tế. Xuất phát từ điều kiện thực tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, từ năm 1995 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao thêm nhiệm vụ nghiên cứu nhân thuần các giống trâu. Với vai trò là đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực chăn nuôi gia súc và gia cầm, những năm qua Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều đề tài khoa học về các giống trâu và triển khai các mô hình chăn nuôi trâu thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã thực hiện dự án nghiên cứu phục tráng đàn trâu tại huyện Định Hóa, xây dựng mô hình luân chuyển trâu đực giống và cải tạo đàn trâu tại huyện Đại Từ, nghiên cứu lai tạo trâu địa phương với trâu Murrah tại hai huyện Đại Từ và T.P Sông Công... Qua triển khai thực hiện các dự án đã chọn lọc và nhân thuần nhiều giống trâu cho chất lượng cao.

Đặc biệt năm 2010, thông qua đề tài cấp Bộ về nghiên cứu sản xuất tinh đông lạnh trâu và ngựa dạng cọng rạ, Trung tâm đã sản xuất tại chỗ thành công tinh cọng rạ và ứng dụng hàng nghìn liều tinh trâu Murrah được chuyển giao sản xuất thử nghiệm tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nghệ Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang... Đến nay đã có trên 10.000 liều tinh cong rạ trâu Murrah chuyển giao, sản xuất và tạo ra hàng nghìn trâu lai. Và theo đó, thành công từ việc sản xuất và thụ tinh nhân tạo cho trâu là bước tiến lớn trong công tác cải tiến, nâng cao năng suất giống trâu theo hướng thương phẩm hàng hóa trong thời gian tới của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn