Trước Alibaba, những ông lớn ngoại nào từng đặt niềm tin vào Masan?
Theo tiết lộ từ Tập đoàn Masan, thì nhóm nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) vừa rót 400 triệu đầu tư vào The CrownX. Tuy nhiên, ‘bộ đôi’ này không phải là 2 nhà đầu tư duy nhất đặt niềm tin vào Masan, mà trước đó còn có SK Group, nhóm quỹ GIC, Mitsubishi Materials…
Theo tin mới nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan và nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.
BPEA thành lập năm 1997 tại Hong Kong, chuyên đầu tư vào khu vực châu Á và đang quản lý số vốn khoảng 23 tỷ USD. Danh mục đầu tư của họ có Shinhan Financial Group, Vietnam – USA Society English Centers, Pioneer...
The CrownX ra mắt năm 2020 bao gồm VinCommerce – hệ thống VinMart/VinMart và Masan Consumer Holding – công ty sản xuất – phân phối các thương hiệu hàng tiêu dùng như Chinsu Foods, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi…
Trong ĐHCĐ 2021 của Masan, The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 9 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, Masan Consumer (MCH) đóng góp 3 tỷ USD và VinCommerce (VCM) đóng góp 5 tỷ USD. The CrownX hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ 30 – 50 triệu khách hàng thân thiết và 10% doanh thu đến từ kênh online. The CrownX cũng sở hữu 83,74% cổ phần của VCM cùng 85,71% phần vốn góp tại MCH.
Thông qua giao dịch đầu bài, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (2,15 triệu đồng). Sau đợt phát hành này, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.
Theo CEO Masan Consumer - Trương Công Thắng, trong thời gian tới, họ sẽ chi mạnh cho hoạt động quảng cáo và sẽ là đơn vị chi ngân sách quảng cáo nhiều tiền nhất Việt Nam. Công ty tung ra hàng chục sản phẩm đột phá hàng năm và các sản phẩm đột phá này có tốc độ tăng trưởng doanh thu 30-50%/năm.
Tuy nhiên, thương vụ này không chỉ đơn thuần là nhóm đầu tư trên rót tiền vào The CrownX mà còn là hợp tác chiến lược dài hạn giữa Masan – công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam và Alibaba – công ty TMĐT hàng đầu Trung Quốc và thế giới. Theo đó, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online ("O2O") tại Việt Nam.
Trước khi nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia "để mắt" đến Masan, đã có SK Grup, GIC và Mitsubishi Materials nhanh chân đến trước.
Được mệnh danh là bậc thầy về M&A cũng như tài chính ở Việt Nam, Masan không bao giờ tự đi một mình mà luôn tìm nhà đồng hành xịn xò. Nhìn vào cơ cấu hiệu tại của Masan, hầu hết mảng miếng của họ đều có nhà đầu tư chiến lược lớn, chỉ mỗi em út Masan MEATLife là chưa – nhưng theo đồn đoán gần đây, thì nó cũng sẽ sớm có.
SK Group – Hàn Quốc
Nhà đầu tư lớn và sớm nhất của Masan có thể kể đến SK Group. Cho đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đến từ Hàn Quốc này đã có 2 lần đầu tư lớn vào Masan và VinCommerce.
Năm 2018, SK Group đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ 109.899.932 cổ phiếu quỹ, để sở hữu 9,5% cổ phần của Masan Group. Theo đó, hai bên sẽ cùng tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam và tận dụng nguồn lực của hai bên cùng hỗ trợ nhau phát triển hoạt động kinh doanh.
SK Group là một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, linh kiện công nghệ cao, logistics và dịch vụ.
Ông Woncheol Park - Giám đốc đại diện của SK tại Đông Nam Á đã chia sẻ về deal đầu tư này như sau: "Việt Nam là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn tại khu vực Đông Nam Á của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng mô hình hợp tác chiến lược sẽ mang lại thành công tại đây, và Masan Group là đối tác lý tưởng nhất cho kế hoạch phát triển đó.
Chúng tôi đánh giá rất cao đội ngũ quản lý cũng như các thành tựu mà Masan đạt được trong những năm qua. Chúng tôi cùng có chung khát vọng và tầm nhìn - tạo ra các giá trị lâu dài đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng.
Tôi cho rằng những kết quả của Masan mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu trong việc khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn và chúng tôi sẽ đồng hành cùng Masan đạt mục tiêu mức chi tiêu của mỗi người tiêu dùng cho các sản phẩm của Masan tăng lên 5 lần đạt mức 100 USD một năm. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ làm việc cùng nhau để tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn khác tại Việt Nam".
Niềm tin của SK Group vào Masan ngày càng được củng cố theo thời gian. Vào tháng 4/2021, họ rót thêm 410 triệu USD nữa vào VinCommerce, khi mua lại 16,5% cổ phần của Masan tại đây.
Lần này, ông Woncheol Park tiếp tục dành những lời có cánh cho đối tác: "Chúng tôi vô cùng tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp online - offline (O2O) tại Việt Nam và kỳ vọng VinCommerce sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ. Thật tự hào khi Masan Group đã xuất sắc cải thiện vận hành và lợi nhuận chuỗi bán lẻ này trong thời gian ngắn ngủi.
Chúng tôi tin rằng, VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ tích hợp O2O hàng đầu Việt Nam trong tương lai. Thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của chúng tôi vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Một lần nữa, đây là giao dịch mang tính bước ngoặt đối với SK, tái khẳng định cam kết của chúng tôi với Masan Group và Việt Nam".
GIC – Singapore
Tiếp theo, trong năm 2018 và năm 2020, GIC – với 2 tổ chức liên quan là Ardolis Investment Pte Ltd và Government of Singapore cũng đã từng bỏ ra khoảng 200 triệu USD để mua cổ phiếu của Masan (MSN).
Tháng 5/2020, Ardolis Investment Pte Ltd thỏa thuận mua gần 39 triệu cổ phiếu MSN với số tiền đã chi ra ước tính là 2.300 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trước đó vào năm 2018, GIC cũng từng chi số tiền tương đương để mua vào 24,5 triệu cổ phiếu MSN.
Đến tháng 2/2021, Ardolis Investment Pte Ltd và Government of Singapore đã bán lần lượt hơn 19,4 triệu và 340.800 cổ phiếu MSN trong phiên 15/1. Qua đó, GIC giảm tổng sở hữu tại Masan xuống còn hơn 126,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10,74%. Chiếu theo mức giá giao dịch thỏa thuận cổ phiếu MSN của nhà đầu tư nước ngoài phiên 15/1, ước tính GIC đã thu về khoảng 1.700 tỷ đồng từ việc thoái bớt vốn tại Masan.
Mitsubishi Materials – Nhật Bản
Vào tháng 11/2020, Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials hoàn tất thỏa thuận thiết lập liên minh chiến lược, trong đó Masan High-Tech Materials nhận đầu tư 90 triệu USD từ tập đoàn Nhật Bản, tương ứng 10% tổng số cổ phần.
Cụ thể, Mitsubishi Materials Corporation đã mua 109,9 triệu cổ phần phổ thông phát hành mới theo phương thức chào bán riêng lẻ với tổng giá trị tiền mặt là 90 triệu USD. Mitsubishi Materials Corporation nắm giữ 10,0% vốn cổ phần pha loãng hoàn toàn của công ty và là cổ đông lớn thứ hai của Masan High-Tech Materials.
Hai bên sẽ thảo luận về việc phát triển một đơn vị kinh doanh độc lập để phát huy và tăng cường sức mạnh hiệp lực cho nền tảng vonfram chế biến cận sâu của mỗi bên.
Trước đó, Masan High-Tech Materials đã có thương vụ mua lại mảng kinh doanh vonfram từ H.C. Starck (HCS) – doanh nghiệp vonfram cận sâu hàng đầu thế giới vào tháng 6/2020. Sự hợp tác với đối tác đến từ Nhật Bản nhằm củng cố bước chuyển đổi của Masan High-Tech Materials, có thể trở thành nền tảng vonfram công nghệ cao tích hợp theo chiều dọc.
Với sự xuất hiện của Alibaba, Masan xem như đã thành công thu hút nhà đầu tư của những cường quốc mạnh nhất châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.
Quỳnh NhưKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.