Trước khi bị đề nghị giám sát tài chính, Tập đoàn Bảo Việt kinh doanh ra sao?
Bảo Việt hướng đến tầm nhìn 2025 là "Giữ vững vị thế Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tiềm lực tài chính mạnh, tăng trưởng hiệu quả và bền vững".
Mới đây, Bộ Tài chính đã lên dự thảo kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu. Danh sách các doanh nghiệp vào diện bị giám sát tài chính có Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott); Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX); Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC); Tập đoàn Bảo Việt (BVH).
Đối với Tập đoàn Bảo Việt, Bộ Tài chính thực hiện giám sát gián tiếp các nội dung sau: Việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm: Hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động; tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp; hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và giám sát việc cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết.
Bảo Việt là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, Bảo Việt – thông qua các đơn vị thành viên - đang cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện bao gồm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, quản lý quỹ và đầu tư với mạng lưới rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước, phục vụ hàng chục triệu khách hàng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 (trước soát xét), tổng doanh thu hợp nhất của bảo Việt đạt 14.070 tỷ đồng, tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 657 tỷ đồng và 546 tỷ đồng, tăng trưởng 3,4% và 6,9%. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 31/3/2023 là hơn 9 tỷ USD, đạt 220.461 tỷ đồng, tăng 9,3% so với thời điểm 31/12/2022.
Tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 386 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 280 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 1,1% và 3,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản Công ty mẹ đạt 17.778 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 17.583 tỷ đồng tại ngày 31/3/2023, tăng nhẹ so với thời điểm 31/12/2022.
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 2.973 tỷ đồng tổng doanh thu, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 69 tỷ đồng, bám sát tiến độ kế hoạch dự kiến năm 2023.
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ tăng trưởng tổng doanh thu khả quan 11,8%, đạt 10.805 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 298 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Quý 1, tổng tài sản quản lý ròng của Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đạt gần 113.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với thời điểm 31/12/2022; tổng doanh thu đạt 37,3 tỷ đồng tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 17,4 tỷ đồng.
Trong năm 2022 và quý 1/2023, các quỹ do BVF quản lý đều tăng trưởng dương và vượt mức tăng trưởng kỳ vọng. So với mặt bằng thị trường quỹ mở, quỹ BVFED là quỹ đứng đầu về hiệu quả hoạt động với mức tăng trưởng tại ngày 31/3/2023 là 10,2% (tăng trưởng cao hơn chỉ số VN30 3,4%).
BVF cũng đã thực hiện ký kết với một số đại lý phân phối uy tín như Công ty Chứng khoán Mirae Asset, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank và sắp tới vẫn tiếp tục hợp tác ký kết để mở rộng danh sách đại lý phân phối của BVF.
Quý 1/2023, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đạt 138 tỷ đồng doanh thu và đạt 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Báo cáo ghi nhận đến 31/3/2023 Bảo Việt còn đầu tư 2.500 tỷ đồng vào kinh doanh chứng khoán, là các cổ phiếu niêm yết (2.418 tỷ đồng) và cổ phiếu chưa niêm yết (78 tỷ đồng). Danh mục cổ phiếu đầu tư của Bảo Việt gồm các mã như VNM, CTG, VNR và các cổ phiếu niêm yết khác; ngoài ra còn số cổ phiếu chưa niêm yết của Bảo Việt còn có MBLand, Thủy sản Cà Mau....
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, đến hết quý 1/2023 Bảo Việt còn ôm khoảng 11.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, 1.224 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và hơn 9.900 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Ngoại trừ 50 tỷ đồng trái phiếu của Vietinbank trong danh mục đầu tư, Bảo Việt không thông tin cụ thể các khoản trái phiếu của công ty đang nắm giữ.
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.