Trước khi thay “áo mới”, Big C làm ăn ra sao?
Việc đổi tên thương hiệu bán lẻ Big C là một hoạt động nằm trong chiến lược tái định vị và mở rộng của Central Retail.
Gần đây, nhiều người nhận ra một vài siêu thị của hệ thống Big C đã gỡ bỏ biển hiệu có chữ "Big C" để thay bằng tên gọi mới "GO! Việt Nam". Được biết, đây là một hoạt động nằm trong kế hoạch tái định vị thương hiệu, đồng thời tạo bước đệm cho chiến lược mở rộng sự hiện diện của Central Retail (đơn vị chủ quản của Big C) tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, 5 Đại siêu thị đầu tiên sẽ được thay “áo mới” bao gồm: Đại siêu thị GO! Dĩ An, Đại siêu thị GO! Nha Trang, Đại siêu thị GO! Cần Thơ, Đại siêu thị GO! Vĩnh Phúc, Đại siêu thị GO! Hạ Long. Sau đó, các chi nhánh còn lại cũng sẽ dần thay đổi theo.
Central Retail (thuộc Central Group) là một trong những “ôm trùm” bán lẻ đến từ Thái Lan. Năm 2016, Tập đoàn này chi 920 triệu euro, tương đương 1,05 tỷ USD để thâu tóm Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp). Thời điểm đó, hệ thống siêu thị Big C Việt Nam có 43 siêu thị và 30 trung tâm mua sắm.
Đại siêu thị GO! Dĩ An
Tuy nhiên, trong năm đầu tiên tiếp quản Big C, đại gia Thái Lan có phần hụt hơi khi các doanh nghiệp chủ chốt trong hệ thống như Big C Thăng Long (gồm các siêu thị ở Hà Nội), Big C An Lạc (gồm một số siêu thị ở TP.HCM), Big C Hải Phòng (gồm Big C Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), Big C Bình Dương và Big C Đồng Nai đều ghi nhận doanh thu tụt giảm hoặc đi ngang.
Ví dụ, Big C An Lạc chứng kiến doanh thu sụt giảm từ mức 2.600 tỷ đồng vào năm 2012 xuống còn 1.300 tỷ đồng sau 5 năm. Hay như Big C Thăng Long, doanh thu từ “đỉnh” 3.500 tỷ đồng vào năm 2012 cũng “tụt dốc không phanh” về ngưỡng 2.700 tỷ đồng vào 2016, 2017.
Đến năm 2018, các kết quả kinh doanh của nhà bán lẻ này có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Báo cáo tài chính năm 2019 của Central Retail cho thấy chuỗi này mang về doanh số 27.650 triệu baht, tương đương gần 20.454 tỷ đồng cho công ty mẹ.
Đi kèm theo đó là tăng trưởng về thị phần. Đến Quý I/2020, thị phần của Big C đạt khoảng 3,8% chỉ đứng sau Co.op Mart (5,4%).
Cũng trong năm 2020, nhà bán lẻ này ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng người mua sắm và mức chi tiêu trong mỗi lần mua. Trong thời gian giãn cách xã hội, Big C ghi nhận trung bình 70.000-90.000 lượt khách mỗi ngày, sau đó tăng lên 140.000-150.000 lượt.
Ngoài Big C, Central Retail cũng đã mạnh tay thâu tóm thêm các thương hiệu bán lẻ khác như Nguyễn Kim, Lanchi Mart. Tính đến tháng 6/2020, Central Retail Việt Nam đang sở hữu 35 khu mua sắm, 230 cửa hàng tại 39 tỉnh thành cả nước với diện tích mặt sàn bán lẻ hơn 1 triệu m2, bao gồm 32 đại siêu thị (Hyper Go!), 7 siêu thị ở các thành phố lớn (Super Go!) và 25 địa điểm Lanchi Mart ở các tỉnh. Các chi nhánh Nguyễn Kim được mở độc lập và định dạng shop trong shop, nằm trong các chi nhánh của Big C.
Chia sẻ trên tờ Nikkei Asian Review, CEO Yol Phokasub chia sẻ Việt Nam sẽ là thị trường trọng điểm trong thời gian tới, đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp doanh thu của Việt Nam từ 17% lên 25% sau 5 năm nữa.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.