Trước quy định khấu trừ thuế trên doanh thu với người bán online từ 1/8, Hiệp hội TMĐT Việt Nam nêu ý kiến: Các sàn đang rất bối rối!
Liên quan đến Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhận định, thông tư này sẽ có tác động rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên môi trường thương mại điện tử. Điển hình có thể đề cập tới là một số quy định về việc các sàn TMĐT phải khai và nộp thuế thay các cá nhân kinh doanh trên sàn cũng như cung cấp nhiều thông tin tới cơ quan quản lý thuế.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức buổi họp online đầu tiên trao đổi về các quy định của Thông tư 40/2021/TT-BTC, cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của đối tượng doanh nghiệp chịu tác động của Thông tư này.
Chia sẻ với báo giới sau cuộc họp trên, đại diện VECOM cho biết: "Chúng tôi muốn nhấn mạnh việc Thông tư 40/2021/TT-BTC ban hành ngày 01/06/2021, nhưng đây là lần đầu tiên Hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới Thông tư này".
"Mong muốn của VECOM là đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, vừa tuân thủ Luật quản lý thuế, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử và đặc biệt là vì tính khả thi của các quy định pháp luật mới", đại diện VECOM cho hay.
2 điểm có thể khiến các sàn gặp khó trong kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh
Góp ý về một số điểm chưa phù hợp hoặc sẽ gặp khó khăn khi thực hiện yêu cầu các sàn kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn, VECOM cho biết:
Thứ nhất, như một số đại diện các sàn TMĐT đã nêu tại cuộc họp trực tuyến ngày 15/06/2021 do Tổng cục Thuế chủ trì, sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị "trả thu nhập" mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trong các trách nhiệm của sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, sàn TMĐT không có trách nhiệm phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Nghị định 52 cũng nêu rõ người bán trên sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm "thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật". Một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 52 coi các mạng xã hội cung cấp dịch vụ bán hàng là sàn TMĐT. Như vậy nếu theo Thông tư 40/2021/TT-BTC các mạng xã hội kể cả của các nhà cung cấp nước ngoài cũng sẽ phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Áp dụng vào thực tiễn liệu điều này có khả thi?
Thứ hai, trong một số trường hợp các sàn TMĐT không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán, ví dụ: Chotot.vn, Batdongsan.com.vn... mà chỉ đóng vai trò là nơi để người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Khi đó, các sàn này không thể kiểm soát cũng như không có thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán.
Các sàn TMĐT cũng sẽ gặp khó khăn khi kê khai thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn bởi họ có thể là cá nhân ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc khi tham gia kinh doanh trên sàn. Theo Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh (thường là Hà Nội và TPHCM) khác so với địa điểm kinh doanh của cá nhân kinh doanh trên sàn.
Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương.
Việc yêu cầu các sàn kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân sẽ làm giảm gánh nặng cho cơ quan thuế và cho người nộp thuế, nhưng lại chuyển toàn bộ gánh nặng đó cho các sàn - vốn chỉ là một bên trung gian thương mại. Điều này đòi hỏi các sàn sẽ phải đầu tư rất lớn cả về nhân lực, công nghệ, tài chính và thời gian để có thể thực hiện. Chưa kể những chi phí nhân lực để thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan thuế, giải đáp thắc mắc từ người bán hàng về số thuế nộp thay, giải quyết khiếu nại liên quan…
Các sàn TMĐT hiện đang rất bối rối
Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định: "Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật…".
Phản hồi quy định này, VECOM cho biết, theo ý kiến của đại diện một số sàn tại cuộc họp với Tổng Cục Thuế, hiện nay các sàn đôi khi vẫn nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan thuế địa phương và các yêu cầu cụ thể bằng văn bản là phù hợp với pháp luật hiện hành.
"Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho biết đang xây dựng hệ thống để "kết nối thông tin theo chuẩn định dạng" với các sàn. Điều này đang khiến các sàn TMĐT rất bối rối vì chưa rõ hình thức kết nối thông tin và những yêu cầu của Tổng cục Thuế về việc "nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng" sẽ diễn ra như thế nào?", đại diện VECOM cho hay.
"Mỗi sàn quản lý và vận hành có đặc thù riêng, nên trong một khoảng thời gian ngắn yêu cầu chuẩn hóa với tất cả các sàn theo Tổng cục Thuế có khả thi hay không? Đây là vấn đề mà đại diện các sàn TMĐT cũng đã có ý kiến mong muốn được giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn từ Tổng cục Thuế để tránh rủi ro thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định khác liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin".
Phía VECOM cũng cho rằng từ nay đến thời điểm Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực (ngày 01/08/2021) không còn nhiều, các sàn khó có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế. Do vậy đại diện Tổng cục Thuế có đưa ra một số thông tin như:
- Từ 01/08/2021 đến 01/10/2021: Cơ quan thuế và Sàn giao dịch TMĐT triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc khai thay, nộp thay cho cá nhân kinh doanh theo hình thức điện tử. HOẶC: Cơ quan thuế và Sàn giao dịch TMĐT triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng
- Từ 01/10/2021 hoặc từ 01/7/2022: Toàn bộ các sàn thực hiện việc khai thay, nộp thay cho cá nhân kinh doanh theo hình thức điện tử.
"Đây chỉ là thông tin trao đổi tại cuộc họp và chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan thuế. Do vậy, các sàn hiện đang rất bối rối với quy định này. Hiệp hội và các sàn mong muốn thông tin cần cụ thể và nhất quán về lộ trình áp dụng, cách thức thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi của quy định", đại diện VECOM nói.
Bình AnDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.