Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ: 50 năm xây dựng và phát triển
Trải qua chặng đường 50 năm “trồng người”, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ không ngừng đổi mới về quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ được thành lập ngày 15/11/1973, tiền thân là Trường đào tạo công nhân kỹ thuật cạnh nhà máy chè Phú Thọ, được thành lập theo Quyết định số 532/LTTP-TCLĐ ngày 31/7/1973 của Bộ trưởng Bộ Lương thực - Thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, nhà trường đã có 4 lần đổi tên và nâng cấp, đến nay đã lớn mạnh và khẳng định được vị thế vững vàng trong khối các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đó là một chặng đường đi lên rất đáng tự hào vì sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của ngành Nông nghiệp & PTNT và đất nước, là thành quả quá trình lao động gian khổ, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh sinh viên đã chung tay, góp sức, vượt qua bao khó khăn, thử thách, phấn đấu không ngừng để nhà trường ngày càng phát triển.
Là 1 cơ sở đào tạo được tách ra từ nhà máy chè Phú Thọ, ban đầu nhà trường chỉ có 7 cán bộ công nhân viên, trong đó có 02 giáo viên, 30 học sinh và một số gian nhà tranh tre tại xóm Tư Xuân (xã Đồng xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), xưởng thực tập tạm bợ, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, được huy động, tận dụng từ các cơ sở sản xuất trong khu vực.
Nhiệm vụ chính của nhà trường khi đó là đào tạo công nhân kỹ thuật bậc 2/7, cung cấp nguồn thợ sửa chữa cho các nhà máy và nông trường chè trong khu vực. Quy mô đào tạo khoảng 150 học sinh/1 năm vào thời điểm những năm 1974 - 1976, với 7 nghề: Tiện, Nguội, Gò, Hàn, Rèn, Sửa chữa điện xí nghiệp, Sửa chữa ô tô. Ngay từ những ngày đầu sơ khai ấy, thầy và trò vừa xây dựng nhà trường vừa giảng dạy, học tập, vừa lao động tăng gia sản xuất để đào tạo ra đội ngũ công nhân kỹ thuật đầu tiên. Học sinh của nhà trường đã có mặt trong hầu hết các nhà máy chè trên cả nước, cơ bản đáp ứng được lực lượng công nhân thuộc các nghề điện, cơ khí sửa chữa cho các nhà máy thuộc ngành công nghiệp thực phẩm lúc bấy giờ. Năm 1977, sau khi kiểm tra xem xét năng lực của nhà trường, Bộ chủ quản, Tổng cục Dạy nghề cho phép nâng quy mô đào tạo lên 300 học sinh/năm nâng bậc thợ đào tạo từ 2/7 lên bậc 3/7.
Trong những năm tháng của thời kỳ bao cấp nhà trường gặp rất nhiều khó khăn có những lúc tưởng không thể vượt qua, nguyên vật liệu phục vụ đào tạo khan hiếm, đời sống cán bộ, giáo viên vô cùng khó khăn, học sinh thiếu lương thực thường xuyên. Có thời gian cán bộ, giáo viên và học sinh phải nghỉ giảng dạy và học tập để đi tăng gia, trồng trọt lấy lương thực nhưng với tinh thần đoàn kết tập thể, ý chí tự lực, tự cường nhà trường đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giữ vững sự ổn định, tiếp tục vươn lên và phát triển vững mạnh.
Từ năm 1985-1992, nhà trường là một trong những đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm được chọn để tiếp nhận viện trợ thiết bị của Liên Xô (cũ). Trong giai đoạn này trường được đổi tên thành trường Công nhân Cơ điện 1. Với mục tiêu đào tạo nghề phục vụ cho ngành chế biến và phát triển các ngành cơ điện phục vụ cho ngành, cùng với nguồn viện trợ, nhà trường đã tập trung đầu tư xây dựng lại toàn bộ nhà xưởng, phòng học, cơ sở vật chất theo mô hình đào tạo mới nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn viện trợ của nước bạn. Nâng quy mô đào tạo lên 600 học sinh/năm.
Trong những năm tháng của thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế thị trường, nhà trường cũng gặp không ít những khó khăn, khi về công tác tuyển sinh, lúc thì về vốn đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng nhưng với sự cố gắng nỗ lực phi thường, ý chí quyết tâm, sự đoàn kết gắn bó, cán bộ viên chức nhà trường đã chứng tỏ được bản lĩnh, sức sáng tạo vươn lên của mình, tự tin vượt qua mọi trở ngại xây dựng nhà trường ngày càng phát triển và lớn mạnh.
Giai đoạn 1996 - 2005, cùng với những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước, với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng trong lĩnh vực phát triển Giáo dục và Đào tạo - Khoa học và Công nghệ, nhà trường đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề. Nhà trường chủ trương đa dạng hoá các loại hình và ngành nghề đào tạo, mở rộng liên kết đào tạo với các trường Đại học và Cao đẳng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tăng nhanh số lượng học sinh, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Từ năm 2006 đến nay, là giai đoạn đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nhà trường về mọi mặt. Sau khi luật dạy nghề được ban hành và có hiệu lực, theo Quyết định số 73/QĐ-LĐTBXH ngày 12/01/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Công nhân Cơ điện 1 sau đó đổi tên thành Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Phú Thọ năm 2009.
Với sự điều chỉnh vĩ mô về quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN, để phù hợp với tình hình mới, ngày 20/06/2017 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 906/QĐ-LĐTBXH về việc đổi tên Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Phú Thọ thành Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ và duy trì tên gọi Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ như bây giờ.
Với sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên và HSSV trong 50 năm qua, sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Nông nghiệp & PTNT, các bộ ngành, địa phương, trường đã có cơ sở vật chất khang trang; hệ thống trang thiết bị, đồ dùng dạy học đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên dạy nghề vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ đã đào tạo cho ngành Nông nghiệp & PTNT và các thành phần kinh tế xã hội khác được trên 25 nghìn công nhân, nhân viên kỹ thuật.
Hầu hết số lao động đó đã và đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài đều phát huy tốt trình độ tay nghề đã được đào tạo, nhiều người đã trở thành lao động trụ cột trong các dây chuyền sản xuất. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên uy tín và thương hiệu của trường. Ba huân chương Lao động (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Độc lập hạng Ba, 01 thầy giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 06 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo uư tú và nhiều bằng khen, cờ thưởng trên các mặt công tác là những phần thưởng cao quý, những thành tích đáng tự hào, điều đó đã minh chứng cho sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những công lao, cống hiến của các thế hệ nhà giáo của trường.
Trường là một trong các đơn vị đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, đầu tư phát triển thành trường nghề chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ với 02 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 01 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và 03 nghề cấp độ quốc gia. Đây là một thuận lợi lớn, song cũng là một thách thức không nhỏ, nhưng với truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó, năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên đã được rèn luyện trong nhiều năm qua sẽ được thực hiện thắng lợi để nhà trường có những bước tiến vượt bậc mới.
Theo chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt nhà trường có sứ mệnh là cơ sở GDNN công lập, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực cơ điện, tự động hóa, chế biến nông sản kết hợp với NCKH, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến các ngành, nghề kỹ thuật, công nghệ. Góp phần nâng cao chất lượng nhân lực phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, thúc đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH đất nước.
Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 trở thành trường cao đẳng chất lượng cao; tiếp cận trình độ các nước Asean-4 trước năm 2030 và các nước G-20 trước năm 2045; là cơ sở giáo dục có uy tín trong hệ thống GDNN, có hệ thống quản trị thông minh, có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng nhân lực phát triển ngành NN & PTNT, kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, thúc đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH đất nước.
Nhà trường thực hiện kiểm định ngoài và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2021, đạt tiêu chuẩn kiểm định 03 nghề Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp và nghề Công nghệ ô tô. Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng nhà trường đặt ra mục tiêu phát triển là đổi mới căn bản toàn diện, đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhằm phát huy cao độ trí tuệ, năng lực của đội ngũ cán bộ giảng viên, phát triển toàn diện người học.
Cùng với quá trình nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà trường thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, trọng tâm là khâu cải tiến hoạt động sinh hoạt chuyên môn của các Khoa với hướng tập trung là viết tài liệu giảng dạy và đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học.
Tính đến thời điểm năm 2023, chương trình và tài liệu giảng dạy 13 nghề được giảng viên biên soạn chi tiết và vận dụng vào thực tiễn dạy học; bảo đảm giảng dạy theo module và tính liên thông dọc, liên thông ngang; thời gian đào tạo thực hành lên 70% tổng số thời gian đào tạo. Chương trình, giáo trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn và được cập nhật phù hợp thực tiễn sản xuất, bám sát hơn nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; áp dụng 3 phương thức gồm: đào tạo tại trường; thực tập tại các doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Các phương pháp dạy học hiện đại được đa số giảng viên sử dụng đã tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu và hoạt động nhóm của học sinh, sinh viên. Các nghề đào tạo của trường đều được xác định chuẩn đầu ra (chuẩn về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, thái độ nghề nghiệp) theo tiêu chí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hiệu quả đào tạo của nhà trường được thể hiện và gắn liền với lợi ích của người học. Với phương châm: chất lượng đào tạo là lựa chọn hàng đầu, giải quyết việc làm là ưu tiên số một, những năm gần đây, việc đào tạo của nhà trường luôn gắn với quyền lợi người học, gắn với giải bài toán về việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Từ nhiều năm trở lại đây, nhà trường đã làm tốt vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong việc xúc tiến tìm kiếm việc làm và đào tạo, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, nhà trường cũng đã liên kết với các trường đại học ở nước ngoài để vừa hợp tác, vừa cung ứng lao động cho các thị trường nước ngoài và được đánh giá là tiềm năng với kinh phí thấp nhưng thu nhập và cơ hội việc làm khá cao. Nhà trường luôn bảo đảm 100% sinh viên trong quá trình đào tạo được gửi đi thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp, nhiều sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhận lương thực tập ngay từ khi còn đang là sinh viên của trường.
Nhà trường thường xuyên chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các khoa trong công tác quản lý, đào tạo các ứng viên đi làm việc cho các công ty. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để tổ chức cho học viên học tập và được tuyển dụng sau tốt nghiệp; thẩm định, ký kết các hợp đồng bảo đảm nội dung chặt chẽ, đúng pháp luật, phòng tránh mọi rủi ro, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người học và người lao động; không để xảy ra sai phạm, tiêu cực nảy sinh, v.v. Nhờ đó, trên 85% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, phát triển trưởng thành, trong đó có nhiều doanh nhân, nhà quản lý thành đạt.
Hiện nhà trường đào tạo 13 ngành nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; 16 nghề sơ cấp; các nhóm nghề đào tạo gồm: điện, điện tử, điện lạnh, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, tin học, sửa chữa máy tính, kế toán, công nghệ chế biến chè ...; với 07 nghề trọng điểm bao gồm: 03 nghề cấp độ quốc tế (nghề Điện công nghiệp, nghề Điện tử công nghiệp, nghề Công nghệ ô tô); 01 nghề cấp độ khu vực ASEAN (nghề Hàn); 03 nghề trọng điểm quốc gia (nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghệ chế biến chè, nghề Cơ điện nông thôn).
Thi đua lập thành tích kỷ niệm 50 năm thành lập trường, ngay từ đầu năm thầy và trò nhà trường đã không ngừng phấn đấu thực hiện trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển gia công nghệ và hợp tác với doanh nghiệp. Với truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, theo từng giai đoạn phát triển, với phương châm: Đoàn kết - Năng động - Sáng tạo - Chất lượng và những nỗ lực trong hiệu quả đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ đã không ngừng lớn mạnh về quy mô đào tạo; tạo ra được nhiều lao động có chuyên môn trình độ cao đáp ứng tốt cho nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước.
Trên đà thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước và những bước phát triển không ngừng của nhà trường, với tuổi 50 vững vàng và tự tin, phát huy những truyền thống tốt đẹp, thế hệ hiện tại nhất định sẽ kế tục xứng đáng những truyền thống vẻ vang, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi "Chiến lược phát triển nhà trường" là xây dựng nhà trường trở thành trường chất lượng cao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghĩa ĐồngKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.