Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên: Tổ chức đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 232
Trường Đại học Nông Lâm là đơn vị thứ 3 của Đại học Thái Nguyên thực hiện đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN – QA trong năm 2021. Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, đợt đánh giá ngoài chương trình đào tạo lần thứ 232 tại trường được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các đánh giá viên quốc tế trong mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á.
Nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, trải qua 52 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên có 8 khoa đào tạo, 7 phòng chức năng phục vụ công tác đào tạo và 01 Văn phòng Quản lý các chương trình đào tạo tiên tiến (CTTT), 2 Viện nghiên cứu và 11 Trung tâm.
Năm 2021, Trường Đại học Nông Lâm tổ chức triển khai 24 chương trình đào tạo (CTĐT) bậc Đại học, có 10 CTĐT Thạc sĩ và 8 CTĐT Tiến sĩ. Cho đến nay đã có 48 khóa sinh viên với hơn 50.000 kỹ sư, cử nhân và gần 4000 Thạc sĩ và Tiến sĩ tốt nghiệp ra trường. Trong những năm qua, trường luôn được đánh giá là trung tâm đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ hàng đầu về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn cho các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Sinh viên của trường có khoảng 40% là con em các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của khu vực miền núi phía Bắc.
Với khát vọng phấn đấu trở thành một cơ sở giáo dục có thứ hạng cao trong khu vực, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên luôn đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng trong nước từng bước tiếp cận chuẩn mực kiểm định chất lượng của khu vực và thế giới.
Đợt đánh giá cấp chương trình lần thứ 232 được thực hiện từ xa (trực tuyến) từ ngày 13 đến ngày 17/9/2021 đối với 3 chương trình đào tạo trình độ Đại học của trường gồm: 1) chương trình đào tạo Kỹ sư Chăn nuôi Thú y, 2) chương trình đào tạo Bác sĩ Thú y, 3) chương trình đào tạo Kỹ sư Công nghệ thực phẩm.
Theo kế hoạch, các đánh giá viên AUN-QA sẽ thực hiện việc kiểm tra minh chứng của Báo cáo tự đánh giá, làm việc với lãnh đạo các khoa: Chăn nuôi thú y và CNSH&CNTP; Lãnh đạo chương trình, tổ viết báo cáo, đại diện các bên liên quan của 3 chương trình gồm: đại diện sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, chuyên viên và nhà tuyển dụng để có căn cứ đánh giá chất lượng của chương trình theo chuẩn mực chất lượng của AUN-QA, từ các kết quả đánh giá sẽ giúp nhà trường nghiên cứu cải tiến, xây dựng kế hoạch hành động để nâng cao hơn nữa chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trong các ngày làm việc chính thức của đợt đánh giá, các đánh giá viên đã tiến hành làm việc và trao đổi với Ban chủ nhiệm khoa, bộ môn, các thành viên của Hội đồng tự đánh giá; Phỏng vấn cán bộ giảng viên, cán bộ hỗ trợ cấp trường và khoa, sinh viên, cựu sinh viên và nhà tuyển dụng; Tham quan bằng hình thức livestream cơ sở vật chất cấp trường và cấp khoa. Với trình độ tiếng Anh chuẩn quốc tế và kiến thức chuyên sâu, các giảng viên Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên đã trả lời xuất sắc các câu hỏi của các đánh gia viên AUN – QA.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiểu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cho biết: "Sau hơn một năm chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chi tiết về mọi mặt, đợt đánh giá ngoài chương trình đào tạo lần này là sự tâm huyết của tập thể lãnh đạo, giáo viên và sinh viên trong toàn trường nói chung và các khoa Chăn nuôi thú y và CNSH&CNTP nói riêng. Thành công của việc đánh giá các chương trình đào tạo đã khẳng định tính chuyên nghiệp của đội ngũ giảng viên nhà trường được nâng lên một tầm cao mới".
Với quy trình đánh giá chất lượng chặt chẽ, minh bạch, bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện chất lượng chương trình đào tạo AUN-QA được công nhận bởi hệ thống giáo dục của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việc tham gia đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA là hoạt động thiết thực để đẩy mạnh và từng bước nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng, khẳng định sự cam kết của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên đối với xã hội, với nhà tuyển dụng về chất lượng đào tạo của nhà trường.
Quang HưngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.