Trường ĐH Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Ngày 30/7, Trường Đại học Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - đột phá chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng”.
Hội thảo có sự góp mặt của GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình đến dự và chủ trì Hội thảo cùng nhiều giáo sư, tiến sỹ với các báo cáo thực tiễn.
Ban Tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - Đột phá chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng" đã nhận được gần 40 bản báo cáo, tham luận.
Các ý kiến tham luận tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
Hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận về phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguồn nhân lực, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương, đường lối về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển toàn diện nguồn nhân lực với nội dung trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục - đào tạo gắn với tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các bài tham luận tại Hội thảo đã làm rõ đặc điểm, yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay.
Đồng bằng sông Hồng được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế khác. Trong bối cảnh chuyển đổi số, toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, đồng bằng sông Hồng cần nhận diện rõ các yêu cầu đối với nguồn nhân lực để có thể nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế để đáp ứng với yêu cầu phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn mới theo tinh thần của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đó là các yêu cầu về cơ cấu lao động, trình độ, kỹ năng, năng suất lao động, tác phong lao động chuyên nghiệp… Đặc biệt là yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong các trường chính trị và nguồn nhân lực khoa học - công nghệ tại các trường đại học cho các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo...
Các tham luận tại Hội thảo cũng phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng.
Đồng bằng sông Hồng là vùng có quy mô lao động lớn nhất và trình độ chuyên môn kĩ thuật cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Cơ cấu lao động, việc làm của vùng chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ. Đây cũng là khu vực được đánh giá là có tiềm lực lớn về phát triển khoa học và công nghệ với việc tập trung các cơ sở đào tạo hàng đầu, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp uy tín, nguồn lực nghiên cứu phát triển lớn bậc nhất cả nước.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế chủ lực, như kinh tế số. Có tới gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng/chứng chỉ kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và tác phong công nghiệp, khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chương trình đào tạo nghề nghiệp còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành, và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động. Sự phân bố nguồn nhân lực chưa đồng đều gây lãng phí nguồn lực và tạo ra sự bất ổn định về lao động. Ngoài ra, chất lượng của một số cơ sở đào tạo cũng chưa đồng đều, thiếu sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp…
Những hạn chế này đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá, tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.
Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng là một quá trình bền bỉ, mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của các bên, bao gồm chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào hoàn thiện các cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, đào tạo.
Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; trên cơ sở giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc đồng thời tiếp thu, kế thừa có chọn lọc tính hoa văn hóa nhân loại.
Hội thảo khoa học "Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - Đột phá chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng" được tổ chức nhằm hoạt động thiết thực để các địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các trường chính trị, trường đại học, trao đổi, thảo luận, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và từng tỉnh trong vùng nói riêng.
Thành Trung - Đức ThạnhTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.