Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế, tính lương hưu thế nào?

Đầu tư và Tiếp thị
08:38 AM 03/09/2021

Trong nhiều trường hợp, cán bộ, công chức, viên chức được cho nghỉ hưu sớm theo diện tinh giản biên chế bởi sắp xếp nhân sự của cơ quan. Như vậy, những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế sẽ được tính lương hưu ra sao?

Điều kiện để được nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế

Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn Công văn số 4126/BNV-TCBC, để được nhận lương hưu hằng tháng ngay sau khi nghỉ việc, cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế phải thuộc một trong hai nhóm đối tượng sau:

Nhóm 1: Người có đủ các điều kiện sau:

- Có tuổi thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động (tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường).

Năm 2021: Để được về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế:

Cán bộ, công chức, viên chức nữ: Phải từ đủ 50 tuổi 4 tháng.

Cán bộ, công chức, viên chức nam: Phải từ đủ 55 tuổi 3 tháng.

- Đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm trở lên.

Nhóm 2: Người có đủ các điều kiện sau:

- Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động (trường hợp được nghỉ hưu trước không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường).

Năm 2021: Để được về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế:

Cán bộ, công chức, viên chức nữ: Phải từ đủ 45 tuổi 4 tháng.

Cán bộ, công chức, viên chức nam: Phải từ đủ 50 tuổi 3 tháng.

- Đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có thêm một trong hai điều kiện sau:

Có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên.

Mức hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, cán bộ, công chức, viên chức được xác định thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, mức hưởng lương hưu của những người này sẽ được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP. Cụ thể:

Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Trong đó:

* Tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:

Đối với lao động nữ:

- Đóng đủ 15 năm BHXH: Được hưởng tỷ lệ bằng 45%.

- Sau đó: Cứ thêm mỗi năm, tỷ lệ hưởng được tính thêm 2%.

- Tỷ lệ hưởng tối đa là 75%.

Đối với lao động nam:

- Nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH sẽ được tính tỷ lệ hưởng là 45%.

(Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi: Đóng đủ 20 năm BHXH thì được tính tỷ lệ hưởng là 45%)

- Sau đó: Cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%.

- Tỷ lệ hưởng tối đa là 75%.

Đáng chú ý, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm do tinh giản biên chế sẽ không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Trong khi các trường hợp thông thường thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng.

Lưu ý: Nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì được làm tròn như sau:

Lẻ từ 1 - 6 tháng: Tính là nửa năm.

Lẻ từ 7 - 11 tháng: Tính là 01 năm.

* Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định nên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (MBQTL) sẽ được áp dụng theo công thức tại Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH :

- Có toàn thời gian tham gia BHXH theo chế độ tiền lương nhà nước quy định:

Bắt đầu tham gia BHXH trước năm 1995:

MBQTL = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 60 tháng

Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 1995 - 2000:

MBQTL = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 72 tháng

Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2001 - 2006:

MBQTL = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 96 tháng

Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2007 - 2015:

MBQTL = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 120 tháng

Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 - 2019:

MBQTL = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm (180 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 180 tháng

Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2020 - 2024:

MBQTL = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm (240 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 240 tháng

Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2025 trở đi:

MBQTL = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của toàn thời gian đóng / Tổng số tháng đóng BHXH

Trong đó:

- Nếu tham gia BHXH trước năm 2016: Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu.

- Nếu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi: Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo từng thời kỳ.

Trước đó có thời gian tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định:

MBQTL = (Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo tiền lương do Nhà nước quy định Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo tiền lương cho doanh nghiệp quyết định) / Tổng số tháng đóng BHXH

Hà Trần
Ý kiến của bạn
GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ

Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.