Trường Khiếm thính Hải Phòng: Ngôi trường đặc biệt đầy lòng nhân ái
Trường Khiếm thính Hải Phòng là ngôi trường đặc biệt, chứa đầy nhân ái đối với học sinh khuyết tật và chính từ nơi đây, những ước mơ được nảy mầm và phát triển.
Trường Khiếm thính Hải Phòng được thành lập từ năm 1976 với tên gọi Trường Câm Điếc nội thành tại Nhà thờ Phố Dinh, Hải Phòng với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong những năm đầu thành lập, trường chỉ có 18 em câm điếc và 2 giáo viên giảng dạy. Vì vậy, để các em khuyết tật được đi học, các giáo viên phải đến từng gia đình để vận động phụ huynh cho con đến trường.
Với sự quyết tâm phấn đấu của tập thể cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường nên trường từng bước ổn định. Đến nay, trường có 245 HS là trẻ khiếm thính, trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ đa tật.
Do cần thêm diện tích để phục vụ công tác dạy và học được thuận lợi, đến năm 2002, Trường được chuyển địa điểm về cơ sở mới tại 32 Nguyễn Thị Thuận - Cát Bi, Hải An TP. Hải Phòng với diện tích 5.300m2, từ đó tới nay, trường luôn nỗ lực vượt khó, bám sát mục tiêu của ngành, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: Dạy văn hóa - Dạy nghề - Can thiệp sớm - Giáo dục hòa nhập - Phục hồi chức năng và nuôi dưỡng học sinh khuyết tật tại Hải Phòng.
Trong những năm học gần đây, Nhà trường liên tục thông báo tuyển sinh, quảng bá rộng rãi để thực hiện mục tiêu chiến lược là giáo dục trẻ giai đoạn 2020 - 2025 là hầu hết trẻ khuyết tật được đến trường học tập, ngoài ra, nhà trường còn tuyển thêm các đối tượng chậm phát triển ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ và đa tật.
Nhà trường đã đa dạng hoá các loại hình giáo dục như: Giáo dục can thiệp sớm để giúp đỡ trẻ học nghe, học nói ngay từ khi trẻ được chẩn đoán bị điếc đến khi đi học; hỗ trợ giáo dục hoà nhập; giáo dục hướng nghiệp học nghề: nghề May, Mộc, Điện, Dệt len, Thêu móc, Tin học…; Công tác phục hồi chức năng và nuôi dưỡng...
Với việc áp dụng các loại hình giáo dục phù hợp, Nhà trường đã hỗ trợ tích cực cho học sinh học hoà nhập từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông. Trẻ khuyết tật được học trong môi trường giáo dục đầy đủ, giúp trẻ phát triển tối đa khả năng của mình. Các em khuyết tật sẽ đạt kết quả từ trung bình trở lên, có nhiều em còn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến; giúp các em ra trường có một nghề phù hợp ổn định cuộc sống hoà nhập cộng đồng.
Nhà trường đã phân loại các độ tật, xác định độ điếc, kết hợp với Trung tâm Y tế Quận Lê Chân, Hội cứu trợ Trẻ em Tàn tật Việt Nam tiến hành phương pháp châm cứu bấm huyệt để phục hồi chức năng cho các em. Nhà trường tổ chức cho 75 em ở nội trú, là những em vùng sâu, vùng xa và 165 em học bán trú.
Học sinh Trường Khiếm thính Hải Phòng trong ngày khai giảng.
Với đội ngũ cán bộ, giáo viên đều tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm khoa giáo dục đặc biệt, Trường Khiếm thính Hải Phòng luôn thực hiện tốt quy chế chuyên môn như soạn giảng, chấm, chữa bài cho học sinh, đổi mới phương pháp soạn giảng theo phương châm "Lấy học sinh làm trung tâm, nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng các môn đặc trưng như phát âm, luyện nghe, luyện nói và ngôn ngữ ký hiệu"; giúp học sinh biết vận dụng kiến thức vào bài học và thực hành đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, trường luôn "nói không với tiêu cực, bệnh thành tích và lối dạy học đọc chép trong giáo dục".
Nhờ sự tận tình dạy dỗ, sự sáng tạo không ngừng của các thầy cô, các em học sinh đã vượt qua sự khiếm khuyết, thiếu hụt về thể chất, kiên trì, bền bỉ chắt chiu từng chút kiến thức với quyết tâm học tập để có tương lai tươi sáng hơn.
Sự tận tâm của các giáo viên đã góp phần vun đắp tương lai cho những em nhỏ đặc biệt
Bước sang năm học 2023 - 2024, Trường Khiếm Thính Hải Phòng đã đón 250 em học sinh khuyết tật có độ tuổi từ 6 đến 20 đến trường học tập. Nhà trường tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục nhằm thu hút ngày càng nhiều trẻ khuyết tật được đến trường học tập. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tổ chức tốt công tác nuôi dạy nội trú, bán trú cho học sinh khuyết tật. Tiếp tục cải tạo, bổ sung cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị dạy học. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… khi trường được lựa chọn tham dự cuộc giao lưu "Con đường học trò" do kênh VTV2 thực hiện và được Đại sứ quán Anh hỗ trợ 20 máy vi tính và 30 máy trợ thính.
Buổi học cho những học sinh Trường Khiếm thính Hải Phòng
Hệ thống phòng học vi tính hiện đại của Trường Khiếm thính Hải Phòng
Được các thầy cô tận tình giúp đỡ trong học tập, các em học sinh đã đạt kết quả rất đáng tự hào: Chất lượng văn hóa đạt 80% khá giỏi, học nghề 70% khá giỏi và đạo đức 98% khá tốt. Trường đã được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc và được UBND TP. Hải Phòng khen thưởng.
Sự dạy dỗ tận tình cho học sinh khiếm thính
Nhà trường còn tổ chức CLB người điếc sinh hoạt tại trường để tư vấn về kiến thức văn hóa, kiến thức gia đình và kiến thức pháp luật cho các thành viên của CLB. Mở lớp học ngôn ngữ ký hiệu Quốc tế để tạo điều kiện cho người điếc có công việc ổn định, có cuộc sống dễ hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, khi trường kiên kết, phối hợp với Công ty dịch vụ du lịch Hải Phòng (Tourserco) để mở ra các lớp Hướng dẫn viên du lịch, huấn luyện cho người khuyết tật Việt Nam trở thành hướng dẫn viên du lịch cho người khuyết tật quốc tế tới thăm Việt Nam.
Lớp học Hướng dẫn viên du lịch cho người người khuyết tật của Trường Khiếm thính Hải Phòng
Với sự nỗ lực hết mình của các thầy, cô cùng quyết tâm cao đã đưa Trường Khiếm thính Hải Phòng trở thành là điểm sáng về giáo dục và dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại khu vực phía Bắc.
Hoàng Vân
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.