Trường Mầm non Đồng Hợp: Đồng tâm vượt khó vì tương lai trẻ thơ
Từng bước khắc phục những khó khăn, Trường Mầm non Đồng Hợp (huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An) luôn nỗ lực phát huy những kết quả đạt được. Đồng thời tích cực nâng cao chất lượng, không ngừng sáng tạo trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ, xây dựng một môi trường lành mạnh, thân thiện, để mỗi ngày cô và trò đến trường đều là một ngày vui.
- Trường Tiểu học Châu Thành: Nỗ lực hết mình vì sự nghiệp "trồng người"
- Trường PTDTBT THCS Châu Thành: Nỗ lực vượt khó 'chắp cánh' những ước mơ nơi vùng núi cao xứ Nghệ
- Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản
- Nghệ An: Phản hồi của Sở TNMT “Quản lý khoáng sản có thất thoát?”
- Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch
Năm 1991, nhằm đảm bảo tất cả trẻ em lứa tuổi mầm non trên địa bàn được đến trường, Trường Mầm non Đồng Hợp được thành lập, thuộc xã Đồng Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An). Hiện trường có hai cụm học, gồm cụm Hợp Liên có 4 lớp học và cụm Trung tâm có 12 lớp học. Nói về điều này, cô giáo Lương Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Hiện tại số lượng trẻ đến trường nhiều hơn cơ sở hạ tầng nhà trường hiện có vì thế nên mới có tình trạng nhà trường thiếu lớp học. Để đảm bảo trẻ đến tuổi đều được đến trường, nhà trường đành phải thực hiện giải pháp là tổ chức thành hai cụm trường, mặc dù khoảng cách giữa hai cụm cách nhau chỉ vài ba cây số. Thực tế, dàn trải 2 cụm trường học như hiện nay, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên, cơ cở vật chất cũng như chất lượng ở cả hai nơi. Nhà trường cũng rất thiết tha mong muốn có thể mở thêm lớp ở cụm trường chính, để tập trung tổ chức dạy và học tại một cụm, như vậy vừa thuận tiện trong chăm sóc và nuôi dạy trẻ, vừa có thể quản lý tập trung. Nhà trường cũng như phụ huynh sẽ yên tâm hơn và thuận lợi hơn trong mọi công tác".
Năm 2008, từ nguồn xã hội hóa, vận động được sự đóng góp của nhân dân xã nhà, Trường Mầm non Đồng Hợp xây dựng thêm một số lớp học, cải thiện cơ sở vật chất. Đây cũng là năm mà Trường Mầm non Đồng Hợp đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia, và tiếp tục được công nhận lại vào năm 2018.
Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn cơ cở vật chất nhà trường đã xuống cấp nhiều. Hầu hết các lớp học đều bị nấm mốc, hư hỏng và nguy cơ mất an toàn rất cao. Nguồn kinh phí vốn đã hạn hẹp, lại phải phân bổ cho hai cụm trường, nên khó lại càng thêm khó.
"Là người đứng đầu nhà trường, thật sự cũng rất trăn trở và lo lắng trước hiện trạng xuống cấp hiện nay của các lớp học. Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp cô trò có môi trường dạy và học an toàn hơn, yên tâm tập trung vào chuyên môn. Thực tế, đời sống của nhân dân địa phương không cao, thế nên để tiếp tục vận động đóng góp từ các phụ huynh, cũng là một điều rất khó khăn", cô giáo Lương Thị Liên bày tỏ nỗi niềm với nhiều trăn trở.
Năm 2018, được sự ủng hộ của nhân dân xã nhà, nhà trường xây dựng được hai lớp học mới khang trang. Hiện nay, số lượng trẻ đến trường ngày thêm nhiều, nhưng nhà trường lại không đủ lớp để tiếp nhận, đây cũng là một nan giải và trăn trở của cán bộ địa phương và giáo viên nhà trường khi mà trường thuộc xã Nông thôn mới, nên không thuộc diện được hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học.
Trong nhiều năm nay, tập thể giáo viên và cán bộ nhân viên nhà trường vừa dạy, vừa từng bước khắc phục những khó khăn. Có kinh phí đến đâu, thì xây dựng, bổ sung đến đó nên trên diện tích gần 4000m2 tại cụm Trung tâm, quy hoạch Trường Mầm non Đồng Hợp đã xuất hiện sự manh mún, chắp vá. Khu vui chơi bố trí tản mác, khu lớp học cũng không được quy hoạch tập trung vì vậy để có thể kiểm soát, giám sát lúc các cháu hoạt động vui chơi ngoài lớp học cũng nhiều bất cập. Khắc phục tình trạng đó nhà trường phải lắp camera theo dõi nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Khó khăn chồng chất khó khăn trong khi năng lực kêu gọi hỗ trợ từ xã hội của nhà trường có hạn nên đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường luôn mong ước xây dựng một điểm trường tập trung, đủ lớp học cho trẻ đến trường.
Khó khăn nhiều là như vậy, nhưng trong những năm qua tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Đồng Hợp vẫn luôn kiên trì bám trường bám lớp, đoàn kết và quyết tâm thi đua nuôi tốt - chăm sóc tốt - dạy tốt. Với đặc thù nhà trường có cán bộ, giáo viên, nhân viên 95% là nữ, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng các cô đều có chung niềm say mê nghề nghiệp. Ban giám hiệu nhà trường luôn gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm, chính vì thế đã khơi dậy được mọi tiềm năng, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Nhà trường thường xuyên tổ chức khám, cân, đo, theo dõi sức khoẻ vào biểu đồ tăng trưởng cho trẻ để có chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc hợp lý. Chế độ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ được nhà trường đặc biệt quan tâm. Lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhà trường đều rõ nguồn gốc, được niêm yết công khai. Bếp ăn của nhà trường luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các cô giáo luôn tạo bầu không khí vui vẻ trong lúc học, lúc chơi; hướng dẫn các cháu biết vệ sinh cá nhân đúng cách, động viên các cháu ăn hết suất, chăm sóc giấc ngủ cho các cháu. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cuối năm giảm so với đầu năm, tỷ lệ bé ngoan, bé chuyên cần đạt cao. Nhà trường cũng thường tổ chức các hoạt động vui chơi, tham quan, trải nghiệm, để các trẻ được gần gũi với thiên nhiên, được khám phá nhiều điều mới mẻ hơn, thú vị hơn.
Để góp phần tạo cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, từ đôi bàn tay khéo léo, các cô giáo đã tự học và sáng tạo ra những đồ dùng, đồ chơi dạy học đẹp, phong phú và có tính hiệu quả cao cho việc dạy và học của trẻ. Ngay cả công việc như quét sơn lại các lớp học cũng là tập thể giáo viên nhà trường trực tiếp thực hiện, những bức họa tiết được vẽ trên tường với nhiều màu sắc, sinh động, tươi vui cũng là đều từ đôi bàn tay khéo léo của các cô. Tận tụy và tận tâm, các cô giáo luôn yêu thương và mong muốn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho các em nhỏ.
Với tất cả những nỗ lực, trách nhiệm mà tập thể giáo viên, cán bộ Trường Mầm non Đồng Hợp đang cống hiến từng ngày cho sự nghiệp giáo dục, hi vọng một ngày không xa, ước mong có một ngôi trường khang trang, đủ lớp học sẽ thành hiện thực. Để cô và trò nơi miền núi xa xôi có thêm nhiều nghị lực, vững niềm tin, yên tâm dạy và học để "ươm những mầm xanh" tiếp nối tương lai.
Lê Dung - Văn QuyềnKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.