Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc: 65 năm một chặng đường

Địa phương
11:03 AM 31/10/2022

Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được thành lập (năm 1957), với tên gọi ban đầu là Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã không ngừng đổi mới, vượt qua bao khó khăn, thử thách cùng với những chặng đường lịch sử vẻ vang của đất nước, của dân tộc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

 Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc:  65 năm một chặng đường. - Ảnh 1.

65 năm qua, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc vẫn luôn là niềm tự hào, mái ấm thân thương mà đồng bào Việt Bắc tin tưởng gửi gắm con em mình. Nơi đây chính là vườn ươm nhiều thế hệ cán bộ các dân tộc, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển các tỉnh miền núi. 

Từ những lớp học đơn sơ, bên những ngọn đèn dầu nơi núi rừng Việt Bắc, Nhà trường đã không ngừng vươn lên để trở thành một mái trường không chỉ của vùng Việt Bắc, mà trở thành địa chỉ tin cậy đào tạo con em của đồng bào các dân tộc thuộc 20 tỉnh tính từ Nghệ An trở ra. Qua từng thời kỳ, với từng bước đi vững chắc, mục tiêu đào tạo của Nhà trường ngày càng mở rộng và phát triển đa dạng với 3 hệ đào tạo: Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Dự bị Đại học Dân tộc.

Với tính chất đặc thù là giáo dục, bồi dưỡng và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số, việc xây dựng một môi trường nội trú, vùng cao luôn được Đảng, Nhà nước và ngành đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng, phát triển, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Đó là những kỷ niệm đẹp, thiêng liêng trong trang sử vàng truyền thống của Nhà trường. 

Thấm nhuần những lời căn dặn và quan tâm của  Bác Hồ về văn hóa, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số và giáo dục nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa đối với đồng bào các dân tộc miền núi, các thế hệ cán bộ, giáo viên của Nhà trường luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của ngành giao cho, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng thời kỳ phát triển của đất nước. Do đó, Trường Phổ thoog Vùng cao Việt Bắc đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng giáo dục, quy mô đào tạo của Trường đạt trên 2.200 học sinh, số cán bộ, giáo viên và nhân viên của Trường là 225 người, trong đó gần 100 giáo viên đạt trình độ thạc sĩ, 2 tiến sĩ. 

Cho đến nay, Nhà trường đã đào tạo được có hơn 40.000 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số được đào tạo trưởng thành, trong đó có nhiều em học sinh thuộc dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y… đặc biệt Trường đã có hơn 300 học sinh đạt học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có nhiều em đoạt giải cao: Nhất, Nhì, Ba trong các cuộc thi. 

Với những thành tích đó, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác. Từ mái trường thân yêu này, hàng vạn học sinh đã học tập và trưởng thành. Nhiều người đã và đang là kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo, nhà khoa học, sỹ quan, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.

 Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc:  65 năm một chặng đường. - Ảnh 2.

Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc còn được biết đến là một môi trường giáo dục kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Truyền thống đoàn kết và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc như sợi dây kết nối bền chặt giữa lịch sử với hiện tại và tương lai đã tạo nên tình cảm đặc biệt qua các thế hệ giáo viên, học sinh dưới ngôi trường có tên gọi trìu mến "Mái ấm Vùng cao Việt Bắc". 

Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học là quan điểm nhất quán mà BGH Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã thực hiện từ nhiều năm qua. Bà Lục Thúy Hằng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi luôn quan tâm tuyển sinh con em của 16 dân tộc thiểu số rất ít người, các em đang sinh sống ở vùng miền núi, biên giới, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường hơn nữa việc đào tạo toàn diện đức, trí, thể, mỹ; nhà trường tạo điều kiện để các em vừa được học văn hóa, vừa được học kiến thức xã hội, các kỹ năng mềm…, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, công nghệ thông tin để các em có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm sau này. 

Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, giáo dục để các em giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, đa dạng trong sự thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong nhiều năm qua tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá luôn đạt  98%, phát huy truyền thống nhà trường, học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc luôn có ý thức vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện. Có thái độ và động cơ đúng đắn trong học tập, tu dưỡng đạo đức, tích cực rèn luyện kỹ năng sống, không có học sinh mắc tệ nạn xã hội".

Công tác giáo dục và đào tạo học sinh là con em các dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Clao, La chí, La hủ, Cống, Bố y luôn được nhà trường chú trọng. BGH Nhà trường cử các đồng chí giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết, hiểu biết sâu về tâm lý, đặc điểm của học sinh dân tộc thiểu số chủ nhiệm và giảng dạy các lớp đặc biệt này. 

Các giáo viên trực tiếp đứng lớp đã không quản ngại về thời gian, công sức xây dựng kế hoạch giảng dạy và giáo dục phù hợp như: tăng cường phụ đạo, dạy kèm từng học sinh, nhóm học sinh, tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng... từng bước rút kinh nghiệm đưa ra những phương pháp giảng dạy và giáo dục phù hợp. Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao trong những năm học vừa qua nhà trường luôn duy trì số lượng học sinh dân tộc rất ít người tham gia học tại trường, chú trọng tuyên truyền vận động học sinh rất ít người không bỏ học. Kết quả 100% các em học sinh dân tộc rất ít người đỗ đại học, cao đẳng và dự bị đại học.

Thành công này là một minh chứng cho nhận định: Học sinh học yếu là do điều kiện hoàn cảnh chứ không phải do các em là người dân tộc thiểu số. Để làm được điều đó, đối với cán bộ, giáo viên, Nhà trường luôn giáo dục quan điểm: Nếu có đội ngũ giáo viên giỏi và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt thì có thể phát triển trí lực học sinh dân tộc thiểu số ngang với dân tộc Kinh sống ở đô thị hay miền xuôi.

Quan điểm đúng đắn đó đã được chứng minh bằng những thành tích nổi bật trong những năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh của Nhà trường đứng trong tốp 5 trường dẫn đầu của tỉnh Thái Nguyên. Số lượng học sinh dân tộc thiểu số đạt giải Học sinh giỏi Quốc gia được duy trì và phát triển. Đặc biệt, năm học vừa qua, Nhà trường có ba em học sinh đạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, kết quả đã khẳng định trí tuệ học sinh dân tộc thiểu số nếu được bồi dưỡng và đào tạo trong môi trường giáo dục tốt sẽ không thua kém học sinh các trường chuyên trong cả nước. 

Trong năm học mới 2022- 2023 và những năm tiếp theo, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục đổi mới căn bản và toàn diện, hiện đại và từng bước hội nhập quốc tế. Đó chính là chuyển đổi từ môi trường giáo dục phổ thông thuần túy, để đến những năm gần đây đã định hình một trường học đa cấp, khang trang, hiện đại, xứng đáng với tên gọi là "Cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường dân tộc nội trú cả nước", như nhận xét của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đến thăm Trường.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.