Trường PTDTBT THCS Châu Thành: Nỗ lực vượt khó 'chắp cánh' những ước mơ nơi vùng núi cao xứ Nghệ
Thuộc xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), là xã đặc biệt khó khăn và cách xa trung tâm thị trấn, đời sống người dân nơi đây phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Để duy trì chất lượng việc dạy và học, phổ cập giáo dục hàng năm là một nỗ lực lớn của lãnh đạo địa phương cũng như tập thể giáo viên Trường PTDTBT THCS Châu Thành trong những năm học qua.
- Nghệ An: Cảnh sát đường thủy thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Nhâm Dần
- Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản
- Nghệ An: Phản hồi của Sở TNMT “Quản lý khoáng sản có thất thoát?”
- Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch
- Nghệ An: Quản lý khoáng sản có thất thoát?
Năm 2018, để đảm bảo công tác dạy và học cũng như phổ cập giáo dục cho con em dân tộc xã Châu Thành, Trường PTDTBT THCS Châu Thành chính thức được thành lập. Trong hơn 4 năm qua, tập thể ban giám hiệu, thầy cô giáo nhà trường cùng các em học sinh nơi đây đã cùng nhau vượt lên khó khăn, không ngừng nỗ lực phấn đấu dạy tốt và học tốt.
Thầy giáo Lưu Thanh Bình - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Là một ngôi trường thuộc xã nghèo của huyện nên cơ sở vật chất của trường cũng vì thế mà còn nhiều thiếu thốn. Trường được thành lập chưa lâu, nên cũng có những khó khăn nhất định trong thời gian đầu về công tác tổ chức cũng như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất. Nhưng những khó khăn đó cũng không thể làm nhụt ý chí hiếu học của các em học sinh. Chúng tôi vẫn luôn động viên nhau và động viên các em. Sự chăm chỉ, chịu khó của các em học sinh cũng là động lực để chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để làm sao các em có được môi trường học tập tốt nhất và thuận lợi nhất".
Năm học 2020-2021, Trường PTDTBT THCS Châu Thành có 280 học sinh, 23 cán bộ giáo viên, trong đó 16 giáo viên THCS có trình độ Đại học sư phạm. Tất cả cán bộ giáo viên đều tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp trường, trong đó có 3 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp huyện. Toàn trường có 14 giáo viên đạt dạy giỏi cấp trường; 4 giáo viên cấp huyện. Gần 71% học sinh có hạnh kiểm tốt và hơn 29% học sinh có hạnh kiểm khá. Chất lượng văn hóa học sinh giỏi đạt 5,4%, khá đạt hơn 38% và yếu chỉ có 1,7%. Cuộc thi khoa học kỹ thuật nhà trường có hai em đạt giải Nhất cấp huyện và 1 em đạt giải học sinh giỏi huyện môn Văn học. Vào tháng 9/2020, xã Châu Thành được công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập GDTHCS. Tỷ lệ học sinh thi đậu lên bậc học THPT hàng năm đạt tỷ lệ 85%. Đây là một nỗ lực rất lớn trên địa bàn thuộc miền núi vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số như ở xã Châu Thành.
Không ngừng trau dồi chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục toàn diện là nhiệm vụ của nhà trường đề ra, và cũng là mục tiêu mà các thầy cô luôn tự đặt ra cho bản thân phải thường xuyên phấn đấu thực hiện. Một điều đáng trân quý hơn, đó là sự tận tâm tận tụy của các thầy cô giáo đối với nghề dạy học, đối với các em học sinh nơi miền núi xa xôi này. Và kết quả, chất lượng học tập của các em học sinh tiến bộ qua từng ngày, là thành quả thực tế nhất, hạnh phúc nhất mà các thầy cô nhận được. Không chỉ là sự cải thiện về điểm số trong từng môn học, mà tinh thần học hỏi, ý thức tự giác của các em cũng được nâng lên rõ rệt.
"Để phục vụ việc chuyển đổi công nghệ số trong dạy và học, nhà trường đã lắp đặt internet tất cả các phòng học, có hệ thống máy tính đủ phục vụ cho việc dạy và học. 16/16 giáo viên đã soạn và sử dụng giáo án bằng máy vi tính. Tất cả giáo viên đều sử dụng thành thạo máy chiếu để phục vụ dạy học. Đặc biệt, tất cả các em học sinh đều được tiếp cận bộ môn ngoại ngữ. Với tất cả trách nhiệm và sự tận tụy với nghề, tập thể giáo viên nhà trường vẫn luôn khắc phục khó khăn thường ngày để đảm bảo các em được tiếp cận đầy đủ các chương trình dạy học "- thầy giáo Lưu Thanh Bình cho biết thêm.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường thực hiện đúng, đủ chương trình, kế hoạch dạy học; chú trọng tổ chức các hoạt động "Dạy theo chủ đề trải nghiệm sáng tạo", nghiên cứu bài học nghiêm túc, đúng quy định. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp các em có thêm kỹ năng mềm, cũng như phát huy và phát triển những sở trường sở đoản của bản thân. Đặc biệt, với các học sinh cuối cấp, hàng năm nhà trường đều tổ chức chương trình "Đối thoại giữa nhà trường với học sinh khối 9" nhằm lắng nghe những ý kiến, tâm tư, vướng mắc từ phía học sinh trong quá trình học tập, ôn thi vào lớp 10 và tạo điều kiện để các thầy giáo, cô giáo trao đổi những vướng mắc cùng học sinh.
Từ những hoạt động như vậy, không chỉ thể hiện sự quan tâm của các thầy cô giáo với tâm tư tình cảm của các em học sinh mà còn giúp các em tháo gỡ những khó khăn trong học tập, có thêm sự tự tin trên con đường đến với kiến thức. Ngược lại, những ý kiến đóng góp của các em cũng giúp nhà trường tìm ra những giải pháp phù hợp nhất để nâng cao chất lượng dạy và học.
Chất lượng giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm nhưng nâng cao, cải thiện cảnh quan, cơ sở vật chất cũng là điều trăn trở và là mục tiêu của nhà trường từ ngày thành lập đến nay. Với tỷ lệ học sinh nghèo hàng năm 29,3%, chủ yếu là học sinh đồng bào dân tộc, địa hình miền núi cao nên các em đi học rất khó khăn. Phần lớn nhà các em đều ở xa trường, xa nhất là 10 cây số, và phải đi qua đồi núi, sông suối rất nguy hiểm. Do còn thiếu cơ sở hạ tầng nên nhà trường hiện có 147 em học sinh bán trú và chỉ có 48 em học sinh nội trú, còn 99 học sinh ở trọ nhà dân vì nhà trường còn thiếu phòng cho các em ở. Điều này rất khó khăn cho nhà trường trong việc giám sát cũng như chăm nuôi các em trong thời gian học tập.
Chia sẻ về cơ sở hạ tầng của nhà trường, thầy giáo Lưu Thanh Bình tâm sự: "Về cơ sở vật chất, nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Nhìn đâu cũng thấy thiếu. Nhà trường hiện chưa có phòng ăn cho các em, chỉ có thể bố trí cho các em ngồi ăn tạm trước mái hiên nhà bếp. Các phòng học chức năng cũng chưa có, phòng nội trú thì chưa đủ. Chúng tôi cũng rất trăn trở, nhưng cũng không biết làm sao vì chưa có kinh phí xây dựng thêm".
Dù còn những khó khăn về kinh tế, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn luôn tận tụy, trách nhiệm, yêu nghề, thương học trò. Để đáp lại, các em học sinh dù đường xa cách trở nhưng vẫn chăm chỉ, ham học hỏi. Chính sự hồn nhiên, say mê học tập của học sinh là nguồn động lực để các thầy cô giáo cố gắng, phấn đấu vượt khó cùng các em. Đáng quý hơn, Trường PTDTBT THCS Châu Thành đã có những tấm gương nhặt được của rơi trả người đánh mất, lan tỏa nét đẹp trong phẩm chất đạo đức người học trò giàu lòng nhân ái.
Mới đây nhất, hai em Lý Gia Kiệt và Lương Hải Đăng đã nhặt được một chiếc ví màu đen ở giữa đường trong ví có nhiều giấy tờ tùy thân và số tiền 1.160.000 đồng mang tên anh Phạm Tiến Dũng thường trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau khi nhặt được hai em Kiệt và Đăng đã gặp các thầy cô giáo nhà trường để trình báo và giao lại vật rơi để tìm người trả lại. Dù cuộc sống có khó khăn, nhưng các em vẫn luôn thật thà, chăm ngoan, không tham của rơi. Hành động của hai em học sinh là tấm gương tốt xứng đáng được biểu dương, khen ngợi.
Để tiếp sức các em đến trường, hi vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều mạnh thường quân, nhà tài trợ đến với các em học sinh Trường PTDTBT THCS Châu Thành. Chung tay hỗ trợ, giúp các em có không gian học tập tốt hơn, đầy đủ hơn, giúp các thầy cô nơi đây bớt những trăn trở, lo lắng cùng Trường PTDTBT THCS Châu Thành là nơi "chắp thêm những đôi cánh" cho các thế hệ học sinh bay cao, bay xa, để vươn tới bầu trời trí thức mới, vươn tới những thành công mới trong tương lai.
Ngọc Tú - Văn QuyềnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.