Trường THCS Đô thị Việt Hưng: Toạ đàm “Thấu hiểu, thương sâu - Đồng hành cùng con”

Địa phương
05:39 PM 21/09/2022

Ngày 18/9, toàn thể PHHS của Trường THCS Đô Thị Việt Hưng đã cùng nhau có những khoảnh khắc lắng đọng khi được tham gia buổi tọa đàm phụ huynh với chủ đề “Thấu hiểu, thương sâu - Đồng hành cùng con”.

Lứa tuổi học sinh THCS với nhiều biến động về tâm, sinh lí đem lại những thách thức không nhỏ đối với các bậc cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo và những người làm giáo dục. Thấu hiểu điều này, Ban giám hiệu Trường THCS Đô Thị Việt Hưng đã tổ chức buổi tọa đàm "Thấu hiểu, thương sâu – Đồng hành cùng con" dành cho phụ huynh học sinh (PHHS) với sự đồng hành, dẫn dắt của Chuyên gia Tâm lý – Tiến sĩ Trần Văn Tính – Chủ nhiệm bộ môn giáo dục và phát triển con người – Trường ĐH giáo dục – Đại học Quốc gia HN. Trong buổi chia sẻ có mặt toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên Nhà trường để cùng lắng nghe và đồng hành với phụ huynh học sinh trong phương pháp giáo dục các con.

Tại buổi thảo luận, các vị PHHS đã có dịp chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những băn khoăn lo lắng khi con bước vào giai đoạn dậy thì với những khủng hoảng, những sự nổi loạn, những cái nóng nảy, bốc đồng… của con mình.

Trường THCS Đô thị Việt Hưng – Long Biên, Hà Nội: Gặp mặt phụ huynh với chuyên đề ấn tượng để thấu hiểu, thương sâu đồng hành cùng con - Ảnh 1.

Cô Hiệu Trưởng Nguyễn Thị Kim Thúy tại buổi tọa đàm

Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của các bậc cha mẹ đưa ra: Vì sao yêu thương con rất nhiều nhưng con lại có thái độ xa cách mình? Cảm thấy bất lực khi đưa cho con những lời khuyên tốt nhưng con lại nhanh chóng gạt đi? Khó hiểu khi con có những hành động khác với bạn bè xung quanh? Thường xuyên bị giáo viên mời gặp vì con không hợp tác với bạn bè, cô giáo?... Ai cũng có những khó khăn, thử thách trong việc kết nối, đồng hành cùng con trong giai đoạn này.

TS Trần Văn Tính chỉ ra, các PHHS đôi khi có thể mắc phải sai lầm khi tương tác với con, khiến con ngày càng xa cha mẹ hơn. Do đó, phụ huynh cần nhận diện được những vấn đề cơ bản, để tháo gỡ những vướng mắc đang mắc phải.

Để thấu hiểu con hơn, cha mẹ cần trả lời 4 câu hỏi: Nhu cầu nào là quan trọng với các con? Chúng gặp phải những khủng hoảng tâm lý gì? Cha mẹ cần thấu hiểu ở trẻ ra sao? Cuối cùng, cha mẹ nên làm gì để đồng hành cùng con?

Với câu hỏi đầu tiên, tuổi teen có rất nhiều nhu cầu, nhưng quan trọng nhất chính là nhu cầu về riêng tư. Cũng như người lớn, các con rất cần sự riêng tư trong các quan hệ giao tiếp, tình cảm, không chấp nhận sự áp đặt của cha mẹ và muốn tự chủ, quyết định vấn đề của bản thân. Cha mẹ hãy để các con có không gian của riêng mình.

Ngoài ra, các con cũng có nhu cầu được chấp nhận, tôn trọng "như người lớn". Cha mẹ nên sẵn sàng lắng nghe chia sẻ của các con, kể cả khi không đồng tình, không nên chỉ trích, phán xét, hãy khuyến khích, động viên và thúc đẩy lòng tự trọng của trẻ. Và còn rất nhiều nhu cầu khác như: Nhu cầu thử các giá trị và hình thành giá trị bản thân; Nhu cầu thể hiện bản thân; Nhu cầu "thần tượng"; Nhu cầu "chỉ dẫn và giới hạn"; Nhu cầu thể hiện tài năng - cái tôi sáng tạo... Cha mẹ hãy lắng nghe và hướng các con đến các con đường lành mạnh, hướng đi đúng.

Ở tuổi dậy thì, các con sẽ gặp những khủng hoảng gì? Đây là điều các PHHS thường thắc mắc nhất. Biểu hiện rõ nhất ở các con chính là khủng hoảng sinh học - dậy thì. Đó chính là chiều cao, cân nặng phát triển không cân đối; hệ tim mạch phát triển không cân đối; muốn khẳng định bản thân nhưng hành vi vẫn còn trẻ con. Rồi đến việc không thể giao tiếp, chia sẻ với cha mẹ, khủng hoảng trong việc định hướng nghề nghiệp như chọn nghề theo sở thích nhưng không thích hợp, chọn nghề theo bố mẹ, xu hướng xã hội nhưng bản thân không thích, không biết mình thích gì hay không thích gì hết...

Song song đó là khủng hoảng thiếu kỹ năng sống, các vấn đề sức khỏe tâm thần nảy sinh: Trầm cảm, nghiện Internet/game, nghiện chất kích thích, nghiện sex... điều này ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, cuộc sống của trẻ.

Vì thế, sự thấu hiểu của cha mẹ sẽ tác động trực tiếp đến con cái, đưa con mình đi đúng hướng, sống tích cực hơn. Nhưng cha mẹ cần hiểu những gì ở con mình? Theo chuyên gia Trần Văn Tính, các bậc PHSH cần hiểu nhu cầu của con mình là điều đầu tiên. Bởi nhu cầu là nguồn gốc, yếu tố bên trong dẫn đến những khủng hoảng ở trẻ. Nếu giải quyết được vấn đề này, cha mẹ đã đi được nửa chặng đường trong việc hiểu con mình hơn, thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Còn lại là việc nắm được sở thích, tính cách, khả năng, yêu thích nghề gì... của con mình, sẽ giúp cha mẹ định hướng tốt hơn cho con mình trong học tập, giao tiếp.

Cuối buổi tọa đàm, chuyên gia tâm lí đã đưa ra những lời khuyên chân thành, thực tế dựa trên đặc điểm tâm lí lứa tuổi của các con giúp các bậc cha mẹ có thể tìm ra các biện pháp phù hợp hơn trong giáo dục con trẻ. Trong giao tiếp, cha mẹ hãy động viên khích lệ con kịp thời, đúng lúc; tuyệt đối không dùng "Phương pháp giáo dục so sánh" mà dùng "Phương pháp giáo dục nêu gương"; hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng vô cùng có ý nghĩa với con.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, các phụ huynh hãy lắng nghe thấu hiểu con, kết nối và hướng dẫn cảm xúc cho con. Trên con đường phát triển bản thân, đứa trẻ cần sự yêu thương, đồng cảm, ủng hộ, đồng hành của cha mẹ. Cha mẹ sẽ là những người dẫn dắt, chỉ đường dẫn lối, bên con trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, chứng kiến từng bước trưởng thành của con.


Văn Thịnh
Ý kiến của bạn