Trường THPT Lương Đắc Bằng - Thanh Hóa: Cái nôi nuôi dưỡng nhân tài

Địa phương
11:41 AM 30/03/2022

Trường THPT Lương Đắc Bằng thành lập vào năm 1961, tiền thân là Trường cấp 3 Hoằng Hóa, thời điểm này nhà trường là đơn vị giáo dục phổ thông đầu tiên của huyện Hoằng Hóa. Trải qua nhiều lần đổi tên, đến năm 1996 nhà trường mang tên Trường THPT Lương Đắc Bằng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, cho đến nay ngôi trường vẫn giữ vững được sự tôn nghiêm, nền nếp tác phong học đường cùng với khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, cùng hệ thống sân chơi, bãi tập được đầu tư quy mô, bề thế. Điều đó đã tạo được sự tin cậy đối với các bậc phụ huynh khi gửi gắm con em mình học tập tại trường.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian làm mọi thứ thay đổi nhưng chất lượng đào tạo nhà trường vẫn thế, luôn giữ vững phong độ nằm trong tốp đầu của ngành Giáo dục Thanh Hóa. Nhiều năm liên tục, thành tích thi Đại học của nhà trường nằm trong tốp 200 trường dẫn đầu toàn quốc với nhiều học sinh đạt điểm thi từ 27 điểm trở lên. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, trường có 13 học sinh đạt thủ khoa, bao gồm cả thủ khoa tuyệt đối 30/30 điểm và thủ khoa kép 2 trường đại học.

Trường THPT Lương Đắc Bằng - Thanh Hóa:  Cái nôi nuôi dưỡng nhân tài - Ảnh 1.

Tập thể cán bộ giáo viên Trường THPT Lương Đắc Bằng.

Trường THPT Lương Đắc Bằng chính là "cái nôi" nuôi dưỡng nhân tài quốc gia. Nhà trường đào tạo, giảng dạy cho hơn 30 nghìn học sinh, nhiều học sinh đã trở thành công dân ưu tú có  ích cho quê hương, đất nước. Trong đó có hàng chục nghìn người có Bằng cử nhân, Bằng thạc sĩ, tiến sĩ; nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh, huyện; nhà nghiên cứu khoa học, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang và những doanh nhân giỏi…

Xác định chất lượng đào tạo giáo dục là nền tảng tạo dựng uy tín, thương hiệu nhà trường, Ban Giám hiệu luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên, đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn lẫn đại trà. 100% giáo viên đều đạt chuẩn, trong đó 32 giáo viên có trình độ thạc sỹ, tất cả giáo viên đều thành thạo công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, nhà trường phát động phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với những hành động thiết thực cụ thể, phù hợp với thực tiễn đơn vị để giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường nhận thức sâu sắc được nội dung cơ bản và ý nghĩa về việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. 

Phong trào đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong công tác giáo dục, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục, đào tạo nên những thế hệ con người mới có đủ phẩm chất, trí tuệ, năng động, sáng tạo.

"Ngoài trau dồi về kiến thức văn hóa, nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục lòng nhân ái nhằm đáp ứng mục tiêu hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, giúp các em có những hành vi ứng xử có văn hóa, biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè và những người có hoàn cảnh khó khăn", nhà giáo tâm huyết, thầy Lê Xuân Ninh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không chỉ vậy, nhà trường còn tăng cường nâng cao chất lượng giờ dạy của giáo viên; tổ chức tốt công tác tư vấn chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế đối với học sinh. Trong năm học vừa qua, nhà trường có 12 sáng kiến kinh nghiệm của thầy cô xếp loại cấp tỉnh, năm học 2021-2022 có 24 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại cấp trường.

Năm học 2020-2021, nhà trường có 29 giải trong cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh (1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 13 giải Ba và 10 giải Khuyến khích). Đội tuyển Toán xếp thứ 6, tiếng Anh xếp thứ 9; cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 9 giải Giáo dục quốc phòng, Nhất vòng nhận diện, Nhì vòng so tài tại cuộc thi Âm vang xứ Thanh; cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa năm học 2020-2021 đạt 12 giải (2 giải Ba, 10 giải Khuyến khích).

Tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt gần 100%, có 60 học sinh đạt 27 điểm/tổng điểm ba môn thi đại học trở lên, xếp thứ 8 toàn tỉnh, trong đó có 14 học sinh đạt từ 28 điểm trở lên. Trên 75% học sinh đậu vào các trường đại học trên toàn quốc. Tiêu biểu là em Nguyễn Minh Tú đạt 29,15 điểm, thủ khoa khối A1 toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; em Cao Thị Minh Hằng đạt 28,7 điểm khối D84 được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tặng giấy khen...

Năm 2008, Trường THPT Lương Đắc Bằng được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và đánh giá ngoài đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 năm 2018. Trường nhiều lần được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT.

Những phấn đấu hết mình vì sự nghiệp "trồng người" của tập thể sư phạm Trường THPT Lương Đắc Bằng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Ba; được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Tự hào hơn khi trường có 5 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, hàng trăm giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi và chiến sỹ thi đua các cấp. Trường THPT Lương Đắc Bằng sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa truyền thống dạy và học, xứng đáng là địa chỉ giáo dục tin cậy của nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.