Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm - Hà Nội): Mái trường chắp cánh tương lai cho những “mầm xanh” thiệt thòi
Trong 27 năm qua, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Bình Minh đã dùng chính trái tim mình để dạy và ở bên đồng hành cùng các “mầm xanh” thiệt thòi. Chính tình cảm yêu thương chân thành của các thầy cô, đã khiến con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn...
Với mong muốn xây dựng một mái nhà chung dành cho những "mầm xanh" thiệt thòi - những trẻ em không may mắn bị chậm phát triển trí tuệ; với khát vọng tiếp nối giấc mơ con chữ - giấc mơ tưởng chừng quá đỗi cao sang đối với những em học sinh này; vào năm học 1993-1994, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định thành lập một mái trường đặc biệt mang tên Trường Tiểu học Bình Minh.
Bình Minh - với ý nghĩa ghi nhận sự hiện diện của các tia sáng non nớt từ Mặt Trời. Cũng giống như mái trường này, ghi nhận sự hiện diện đặc biệt của những em nhỏ chậm phát triển trí tuệ. Hơn 27 năm trôi qua, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mái trường mang tên Bình Minh ấy vẫn tồn tại kiên cường, để dang rộng vòng tay yêu thương nhiều hơn nữa những "mầm xanh" thiệt thòi, để chắp cánh tương lai cho các con, mở ra cho các con một chân trời mới.
Theo chia sẻ của nhà giáo Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường: Khi thành lập Trường Tiểu học Bình Minh, ngoài việc hình thành và phát triển các khối lớp tiểu học dành cho trẻ phát triển bình thường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn cho phép nhà trường thành lập thêm một khối lớp đặc biệt, đó là khối lớp dành cho trẻ em chậm phát triển trí tuệ.
Đối với khối lớp đặc biệt dành cho trẻ em chậm phát triển trí tuệ, trách nhiệm mà thành phố và ngành Giáo dục giao cho trường là chăm sóc và dạy dỗ các em theo mô hình hòa nhập và hội nhập. Có điều thực tế khi ấy, trên địa bàn thành phố chưa có trường nào dạy cho nhóm trẻ này. Chương trình dạy học đặc thù cho nhóm học sinh chậm phát triển trí tuệ cũng bị bỏ ngỏ.
Trước "bài toán" khó và trách nhiệm nặng nề nêu trên, để Trường Tiểu học Bình Minh có thể phát triển, không còn đơn thuần là nơi trông trẻ, mà hướng đến một mô hình chuyên biệt hơn, lãnh đạo nhà trường đã dồn không ít tâm huyết của mình vào công tác nghiên cứu, tìm tòi những phương cách phù hợp nhất để chăm sóc những "mầm xanh" đặc biệt này.
Xác định chỉ có yêu thương mới giúp được những đứa trẻ đặc biệt hòa nhập với cuộc sống bình thường. Vì thế, ngay khi nhận học sinh vào học, nhà trường đã giúp đỡ các bậc cha mẹ biết chấp nhận thực tế của con mình; đồng thời hỗ trợ, trợ giúp con trong hành trình đầy gian lao này. Nhà trường giữ mối liên hệ gắn kết với cha mẹ học sinh, truyền cho họ nguồn năng lượng tích cực khi tin tưởng rằng "trẻ sẽ vượt qua được". Dù chậm phát triển, nhưng trẻ vẫn có khả năng đạt được những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.
Tiếp theo, nhà trường đã có những đánh giá đúng mức độ chậm phát triển trí tuệ của trẻ và có những hướng dẫn can thiệp đặc biệt. Nhà trường đã sử dụng các phương pháp như: phương pháp làm mẫu, phương pháp dùng lời đàm thoại, phương pháp nhắc đi nhắc lại nhiều lần, phương pháp động viên khuyến khích, cho trẻ thực hành trong thực tế, phương pháp chăm sóc cá biệt, phối hợp nhiều phương pháp tác động lên nhiều giác quan của trẻ…
Với mỗi học sinh đặc biệt trong khối học sinh chậm phát triển trí tuệ tại Trường Tiểu học Bình Minh, nhà trường xác định không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào, mà luôn phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của học sinh và theo từng năm học…
Nhà trường đã dựa vào chỉ số IQ, chia ra thành 6 nhóm lớp để chăm sóc và dạy học. Điều này tạo cơ hội cho những học sinh đặc biệt có cơ hội được trải nghiệm trong môi trường hòa nhập với nhiều hoạt động, giúp các con học hỏi cách giao tiếp, cách tương tác, các kỹ năng xã hội cùng các bạn đồng trang lứa.
Ở Trường Tiểu học Bình Minh, các thầy cô luôn theo sát từng bước phát triển của trẻ, những biến đổi cho dù là nhỏ nhất ở các em cũng nhanh chóng được phát hiện, để từ đó có hướng đào tạo tốt hơn. Nhà trường cũng xác định mỗi em học sinh của trường đều "đặc biệt", mọi sinh hoạt cá nhân cũng như sự nhận biết về cuộc sống của các em còn vô cùng khó khăn. Giáo viên phải dạy các em từ việc xúc cơm, rửa tay đến cách cầm bút, sau đó mới đến việc dạy văn hóa.
Do cách làm đúng và định hướng phát triển phù hợp, mang lại hiệu quả cao, nên đến nay, nhà trường đã chắp cánh ước mơ cho rất nhiều thế hệ học trò, giúp các em có đủ vốn sống, kỹ năng và cả sự tự tin, để từng bước hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, Trường Tiểu học Bình Minh là một trong số ít trường tiểu học ở Hà Nội có những lớp học dành riêng cho học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Trường có 10 lớp dành cho học sinh chậm phát triển trí tuệ với gần 250 học sinh.
Trong 27 năm qua, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Bình Minh đã dùng chính trái tim mình để dạy và ở bên đồng hành cùng các "mầm xanh" thiệt thòi. Chính tình cảm yêu thương chân thành của các thầy cô, đã khiến con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn. Xin được gửi lời tri ân tới các thầy cô. Chúc các thầy cô luôn vui khỏe, hạnh phúc, đủ tâm - trí - lực trên hành trình "trồng người" đầy vất vả của mình!
Một số hình ảnh của nhà trường:
Từ 1/1/2025, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường sẽ có màu tem kiểm định riêng.