Truy xuất nguồn gốc hàng hóa - Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng cũng bắt đầu muốn “biết” nhiều hơn về nơi sản xuất, quy trình và quy cách của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc...

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa - Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh 1.

Người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua ứng dụng quết mã trên smartphone.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thói quen của người tiêu dùng cũng đã có nhiều thay đổi. Việc mua sắm hàng hóa ở các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại đã trở thành thói quen của nhiều người. Người dân cũng có niềm tin vào việc những sản phẩm được dán nhãn, tem mác của cửa hàng. Song phần lớn vẫn chỉ là đặt niềm tin vào các cửa hàng được coi là có thương hiệu. Còn việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đó sản xuất ở đâu, tiêu chuẩn chất lượng được đánh giá bởi đơn vị nào hay kỹ hơn là thành phần nguyên vật liệu gì... thì phần lớn người tiêu dùng vẫn bỏ qua.

Rất nhiều sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp được đưa ra thị trường nhưng không hề có tem truy xuất nguồn gốc hay nhãn mác đầy đủ nhưng vẫn khiến người tiêu dùng “mù quáng” lựa chọn sản phẩm bởi tiêu chí bắt mắt về kiểu dáng, màu sắc hay giá thành. Vì vậy hiện nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì mục tiêu bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm xảy ra khá nhiều với mức độ ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng lớn tới thương mại giữa Việt Nam và các nước, cũng như người tiêu dùng. Trong thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc nhưng lại gán mác xuất xứ Việt Nam, mặc dù các sản phẩm đó được nhập khẩu từ nước khác.

Đứng từ góc độ người tiêu dùng, ủng hộ sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình. Bởi khi người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng chi nhiều hơn cho những sản phẩm an toàn, chất lượng thì doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất “sạch” để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thêm vào đó, tình trạng hàng giả, kém chất lượng sẽ từng bước được ngăn chặn.

Nắm bắt được xu thế này, đã có những doanh nghiệp bước đầu xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa nông sản theo một số các tiêu chuẩn có uy tín như Gap, GlobalGap, ASC, BAP... Các doanh nghiệp này hướng đến mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu từ trong nước, mà còn nỗ lực để có thể chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng. Tiếc rằng đội ngũ các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn này hiện nay ở ta vẫn còn quá nhỏ lẻ, manh mún để xây dựng được uy tín với thị trường.

Mặt khác, việc các sản phẩm sử dụng nhãn mác theo tiêu chuẩn như thế nào lại là một câu chuyện khác nữa mà các nhà hoạch định chính sách và quản lý thị trường cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn. Ở các quốc gia trên thế giới, hệ thống tiêu chuẩn Nhà nước sẽ độc lập với các hệ thống siêu thị, các nhà bán lẻ. Thí dụ doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch bán ở thị trường châu Âu được công nhận đạt chuẩn, nhưng muốn bán sản phẩm ở những siêu thị cụ thể thì hệ tiêu chuẩn độc lập cao hơn tiêu chuẩn nhà nước.

Hiện đã có những quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện và thời hạn thực hiện lại chưa được chú trọng. Chính vì vậy, cần coi việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là nhiệm vụ bắt buộc. Tuyên truyền và hướng dẫn cách thức truy xuất cho người tiêu dùng và xây dựng những chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp, trong đó quy định rõ về thời hạn thực hiện.


Trang Ng
Ý kiến của bạn