Truyền thông quốc tế nói gì về cuộc bầu cử tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay?

Sự kiện
08:39 AM 24/05/2021

Truyền thông quốc tế từ nhiều quốc gia đã đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội của Việt Nam, đồng thời đánh giá cao công tác bầu cử được chuẩn bị tốt với nguồn nhân lực, nhất là trong thời điểm đặc biệt khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khi cả nước đang tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào ngày 23/5.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu đảm bảo một cuộc bầu cử an toàn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện đang được kiểm soát. Chuyên gia tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nhấn mạnh: "Việt Nam có thể dựa vào các biện pháp ngăn chặn chặt chẽ tại mọi địa điểm bỏ phiếu. Nhờ 76 năm kinh nghiệm trong việc tiến hành bầu cử, cuộc bầu cử lần này chắc chắn sẽ diễn ra suôn sẻ".

Truyền thông quốc tế nói gì về cuộc bầu cử tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay? - Ảnh 1.

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, gần 69,2 triệu cử tri Việt Nam đã đeo khẩu trang đi bỏ phiếu lựa chọn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân khoá mới, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tại một số vùng sâu vùng xa và một trung tâm cách ly tập trung tỉnh Bắc Ninh, cử tri đã bỏ phiếu sớm vào ngày 22/5. Reuters dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một cuộc bầu cử trong bối cảnh bùng phát Covid-19 đã lây lan đến gần một nửa số tỉnh. Ban tổ chức đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo cuộc bầu cử sẽ diễn ra một cách an toàn".

Trang Eurasia Review (Hoa Kỳ) khẳng định, cuộc bầu cử tại Việt Nam được tổ chức hết sức chuyên nghiệp, nhờ người dân có ý thức tuân thủ pháp luật cao và ý thức về quyền và trách nhiệm của mỗi người.

"Để đảm bảo bầu cử thành công và giảm thiểu tác động từ đại dịch, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động bầu cử trong bối cảnh đại dịch, trong đó có hướng dẫn lập danh sách cử tri và bỏ phiếu cũng như phương thức bỏ phiếu đối với những cử tri trong khu cách ly tại các địa phương có dịch Covid-19", bài viết nêu rõ.

Kỳ vọng về Quốc hội khóa mới

Theo tờ Economic Times (Ấn Độ), dự kiến Quốc hội Việt Nam khóa mới sẽ đẩy mạnh các mục tiêu về chính sách đối ngoại, cũng như các mục tiêu kinh tế và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Việt Nam chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, Quốc hội khóa mới dự kiến sẽ thúc đẩy lộ trình phát triển đất nước do Đại hội Đảng XIII đề ra. Quốc hội khóa mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Việt Nam bao gồm đa phương hóa và đa dạng hóa, qua đó góp phần duy trì và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Liên quan đến vai trò của Quốc hội đối với quá trình hoạch định chính sách và đường lối phát triển của Việt Nam trong tương lai, ông Lye Liang Fook, chuyên gia Viện ISEAS-YusofIshak (Singapore) cho biết, Quốc hội khóa tới sẽ dẫn dắt Việt Nam trong giai đoạn phát triển quan trọng tiếp theo.

"Giai đoạn phát triển này sẽ chú trọng vào tăng trưởng và đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy nền kinh tế số, chế tạo sản xuất công nghệ cao và chú trọng hơn tới phát triển một nền giáo dục và y tế chất lượng. Đây là những lĩnh vực có thể mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế Việt Nam và tạo việc làm cho người dân", ông khẳng định.

Hay như trang Finanznachrichten (Đức) cũng trích lời chuyên gia Cơ quan Thương mại và đầu tư Đức (GTAI) tại Việt Nam, bà Frauke Schmitz-Bauerdick: "Giới quan sát tin tưởng rằng Việt Nam đang kiểm soát tốt làn sóng dịch bệnh lần này và có thể tiếp tục thực hiện các chiến lược của mình, đặc biệt về mặt kinh tế thông qua việc kiểm soát tốt đại dịch.

Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi sau những suy giảm trong năm ngoái. Theo số liệu của của Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 29,6%, cùng với đầu tư nước ngoài cũng đang gia tăng trở lại".

Anh Vũ
Ý kiến của bạn