TS Đinh Thế Hiển: Năm 2023 dòng tiền sẽ không đổ hết vào bất động sản

Tài chính - Đầu tư
07:03 PM 30/11/2022

"Đầu năm 2023, ngân hàng sẽ có kế hoạch nới room tín dụng, dòng tiền sẽ không đổ hết vào bất động sản như thời gian qua. Bắt đầu từ tháng 1, ngân hàng có 14% room tín dụng mới", TS Đinh Thế Hiển nhận định.

Ngày 30/11, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đã tổ chức Hội thảo "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp" với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, pháp luật và đại diện nhiều doanh nghiệp.

Trái phiếu là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời cũng là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân hàng "siết" chặt tín dụng bất động sản.

TS Đinh Thế Hiển: Năm 2023 dòng tiền sẽ không đổ hết vào bất động sản - Ảnh 1.

Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu từ các doanh nghiệp dự và đưa ra ý kiến tìm giải pháp.

Tuy vậy, thời gian gần đây nhiều vụ sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Mặc dù các sai phạm, bị xử lý chỉ xuất hiện ở một số trường hợp nhất định, song tính nhạy cảm của thông tin đã vô tình tạo tâm lý bất an, khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thậm chí đòi đáo hạn sớm để thu vốn.

Giai đoạn 2018 – 2021, thị trường trái phiếu phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường TPDN đạt 40%/năm. Đến năm 2020, giá trị phát hành mới đạt 429,5 nghìn tỷ VND, tăng 28,3% so với năm 2019. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 tương đương 15,1% GDP và 10,3% dư nợ tín dụng.

Năm 2021, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 623.616 tỷ đồng, tăng 34,9% so với năm 2020; trong đó là 583.371 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (+36,0% svck) và 40.246 tỷ đồng phát hành ra công chúng (+19,3% svck). Trong đó tài chính – ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về GTPH năm 2021, chiếm 42,0% tổng GTPH, tăng 83,8% svck. Nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8% tổng GTPH, tăng 36,2% sv năm 2020. Nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 4,9% và 18,4% tổng GTPH trong năm 2021, giảm 22,0% và 6,1% svck.

Kể từ tháng 3/2022, thị trường TPDN chậm lại nhằm chờ đợi Nghị định sửa đổi 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng của năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%.

Trong đó Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trong 9 tháng năm 2022, chiếm 57,7% tổng giá trị phát hành, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Nhóm ngành Bất động sản chiếm 21,5% tổng giá trị phát hành, giảm mạnh 67,0% so với cùng kỳ năm 2021. Nhóm Tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 6,3% và 14,5% tổng giá trị phát hành, tăng 94,9% và giảm 64,2% so với cùng kỳ.

TS Đinh Thế Hiển: Năm 2023 dòng tiền sẽ không đổ hết vào bất động sản - Ảnh 2.

TS Đinh Thế Hiển.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá: "Trên thế giới Quỹ mở chiếm 80% giá trị đầu tư chứng khoán với tổng giá trị năm 2020 là 44.000 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trái phiếu chiếm khoảng 45%. Tại Việt Nam quy mô Quỹ mở còn thấp, chỉ chiếm 0,5% GDP trong năm 2022".

Một trong những dấu hiệu để nhận định trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) an toàn là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng. Những công ty phát hành là công ty cổ phần đại chúng niêm yết hoặc được tổ chức xếp hạng uy tín đánh giá AAA.

Nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doạnh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành trái phiếu với lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4%, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống. Như vậy, mức lãi suất này cho thấy tính ổn định và tương đối an toan, giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư.

Trái phiếu giai đoạn trước 2020 có lãi suất và quy mô phù hợp. Giai đoạn 2020-2022 xuất hiện nhiều công ty phát hành TPDN phát hành riêng lẻ có lãi suất cao.

Thực tế, nhà đầu tư Việt Nam khi mua trái phiếu không phải vì lãi suất cao, họ muốn tìm một kênh đầu tư ổn định, như một định chế tài chính vững chắc nhưng lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) cho rằng, trong mọi hoàn cảnh, nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin từ những nguồn tin cậy, minh bạch. Trước khi tiến hành đầu tư, nên quan sát thực trạng doanh nghiệp và ghi nhân thông tin từ những nguồn tin chính thống, rõ ràng. Trên thực tế rất nhiều nhà đầu tư nghe tin đồn thổi, tin hành lang và tiến hành đầu tư dẫn đến rủi ro.

Chung quy lại, đối với nhà đầu tư, uy tín và tên tuổi của công ty là những vấn đề cần ưu tiên khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trước tình hình thị trường TPDN có nhiều biến động như hiện nay, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) nhận định, áp lực trái phiếu đáo hạn một phần có nguyên nhân từ các công ty chứng khoán và ngân hàng. Các tổ chức này để bán được trái phiếu, họ hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3-6 sau khi phát hành. Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại thì họ không mua hoặc không đủ năng lực mua. Nhưng nếu đẩy trách nhiệm này cho nhà phát hành thì không đúng quy định, bởi thời hạn phát hành thường ít nhất là 1 năm.

Các chuyên gia trong Hội thảo đều cho rằng, giải pháp cho thị trường TPDN cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có vấn đề nguồn vốn giải ngân từ ngân hàng. "Đầu năm 2023, ngân hàng sẽ có kế hoạch nới room tín dụng, dòng tiền sẽ không đổ hết vào bất động sản như thời gian qua. Bắt đầu từ tháng 1, ngân hàng có 14% room tín dụng mới. Trong đó, 6 nhóm doanh nghiệp ưu tiên cho vay vốn lưu động có nhóm ngành sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng cơ cấu vốn hợp lý, gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung hạn. Nếu muốn ngân hàng cung cấp vốn lưu động thì doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh hợp lý", TS Đinh Thế Hiển nói.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.