TS Lê Đức Thịnh: Tăng cường marketing hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm

Đầu tư và Tiếp thị
05:53 PM 19/02/2021

Để khắc họa bức tranh phát triển đến nay của mô hình HTX, mới đây, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về thành quả thực hiện những chính sách phát triển HTX, trong đó có chương trình xúc tiến thương mại tăng cường marketing hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm.

TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT): Tăng cường marketing hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm  - Ảnh 1.

TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT)

*Thưa ông, với tư cách lãnh đạo Cục Kinh tế Hợp tác, cơ quan đầu ngành tham mưu phát triển HTX nông nghiệp, ông cho biết vài nét về những thành quả nổi bật gần đây trong quá trình thực hiện các cơ chế chính sách phát triển HTX ngành nông nghiệp?

TS Lê Đức Thịnh: Năm 2020 đặt dấu ấn tổng kết 3 năm cả nước thực hiện Quyết định 461/2018/QĐ-TTg (QĐ461) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Có thể nói, QĐ461 tạo hành lang pháp lý quan trọng đối với các bộ ngành và địa phương, từ đó trở thành nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị cả nước chăm lo phát triển HTX nông nghiệp.

Cùng với QĐ461, việc triển khai một số cơ chế chính sách lớn, ví dụ như Nghị định 98/2018/NĐ-CP, hay Kế hoạch 6390/KH-BNN-KTHT ngày 17/8/2018… đã bước đầu hướng HTX vào xu thế phát triển gắn với công nghệ cao và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với các chuỗi giá trị nông sản phẩm, gắn với liên kết doanh nghiệp trong sản xuất, tăng cường các giải pháp marketing nhằm khơi thông đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thống kê đến hết năm 2020, ngành nông nghiệp cả nước có 17.4620 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 5.312 HTX và 38 liên hiệp HTX, đồng thời trong đó có khoảng 14.479 HTX, LHHTX hoạt động hiệu quả, cơ bản đạt mục tiêu 15.000 HTX của QĐ461.

Nhìn lại bước tiến HTX gần đây, vấn đề tôi tâm đắc nhất là HTX nông nghiệp đã phát triển đa dạng các loại hình, đã và đang đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và cộng đồng nông thôn. Phải nói mô hình HTX là loại hình kinh tế - xã hội rất đặc biệt, không phải như doanh nghiệp chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực, hơn nữa Việt Nam là đất nước nông nghiệp, cho nên loại hình HTX nông nghiệp ở nước ta rất cần được tạo điều kiện để tổ chức các loại hình dịch vụ một cách đa dạng và phong phú.

Cụ thể như, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển toàn diện HTX nói chung trên tất cả các lĩnh vực – ngành nghề trong đời sống xã hội. Song, với riêng HTX ở ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn cần phải tập trung ưu tiên hơn nữa, nhất là ở giai đoạn chuyển đổi phát triển cao hơn, nên hiện các yêu cầu về quản trị nông nghiệp hay tổ chức đời sống ở nông thôn đều gắn bó hữu cơ với HTX nông nghiệp. Cần có những quyết sách mạnh mẽ phát triển khu vực kinh tế hợp tác, bởi sẽ không thể xây dựng thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khi mà không chú trọng phát triển HTX ở nông thôn.

*Theo ông, đến nay cần tháo gỡ cơ chế chính sách ra sao để thúc đẩy mạnh mẽ hơn bước phát triển HTX nông nghiệp trong thời gian tới?

TS Lê Đức Thịnh: Để thúc đẩy phát triển các HTX nông nghiệp, đồng thời thể hiện tốt hơn vai trò "đòn bảy" tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tôi cho rằng cần cải thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình HTX hoạt động đa dạng và hiệu quả hơn.

Trong các đề xuất hiện nay, đáng kể là các Bộ, ngành cần tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho việc thực hiện liên kết theo Nghị định số 98, tập trung vào các chính sách như: Đất đai cho HTX xây dựng hạ tầng: Trụ sở, nhà xưởng, kho tàng, sân phơi, bến bãi….; hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho HTX trong phục vụ thực hiện chế biến, thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ và đào tạo nghề cho lao động HTX, tiếp tục đưa lao động trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX; chính sách tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp cho HTX.

Đặc biệt, các cấp ngành cần coi trọng trước tiên vấn đề tháo gỡ khó khăn về đất đai cho HTX. Phải có những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn, như cho HTX thuê đất, mượn đất, ủy thác đất đai…Có những HTX trên thực tế tích tụ hàng trăm hecta đất ruộng là diện tích nông dân chưa sử dụng, người dân đi làm ăn, buôn bán xa ủy thác cho HTX sử dụng. Hay cải thiện thủ tục chính sách đất đai cho sự phát triển cơ sở hạ tầng cho HTX, như nhà kho, cơ sở chế biến… Bởi đa số các HTX bây giờ có nhu cầu chuyển đổi chỉ vài trăm, vài nghìn mét vuông đất nông nghiệp (của họ) làm cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chung của các cộng đồng, HTX nhưng thủ tục đều rất phức tạp.

Hay bên cạnh việc quan tâm hơn vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, các HTX nông nghiệp rất cần hỗ trợ ứng dụng tiến bộ công nghệ mới, vật tư mới. Đặc biệt là hạ tầng của HTX nông nghiệp về bảo quản, sơ chế, thương mại, ứng dụng các giải pháp marketing, chuyển đổi số và thương mại điện tử, nhằm khơi thông đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.

TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT): Tăng cường marketing hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm  - Ảnh 2.

Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị phỏng vấn TS Lê Đức Thịnh

 *Ông đánh giá thế nào về thực tế liên kết doanh nghiệp – HTX phát triển chuỗi giá trị nông sản phẩm, từng bước khắc phục thực trạng nhức nhối "được mùa mất giá"?

TS Lê Đức Thịnh: Ở Việt Nam qua 3 lần ban hành và sửa luật, HTX bây giờ phát triển rất đa dạng, đặc biệt mấy năm gần đây là xu thế hoạt động HTX gắn liền với liên kết doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Trong liên kết chuỗi, thì các "mắt xích" tuân thủ sự phân công rõ ràng, "anh nào làm vai trò của anh đấy", chứ không phải là HTX làm tất cả các khâu.

Cụ thể như doanh nghiệp là "đầu tàu" vốn có nhiều thế mạnh phải đảm nhiệm lo thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới, phát huy tiềm năng về vốn ở phân khúc chế biến sâu và mạnh… Còn HTX là đầu mối tập hợp các hộ nông dân để hợp tác làm đối trọng của doanh nghiệp, lấy "đầu ra" của HTX  trở thành "đầu vào" của doanh nghiệp. Tuy thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng bảo đảm vai trò "đầu tàu", song nếu mối liên kết tốt trong chuỗi giá trị thì sẽ có những HTX đi theo hướng tốt hơn.

Điển hình như ở tỉnh Sơn La, việc đầu tiên các cấp ngành phải định hướng rõ cơ cấu nông nghiệp hàng hóa, xác định rõ quy mô vùng quy hoạch sản phẩm phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu. Và từ đó bắt đầu phân vai, lựa chọn doanh nghiệp có thiện chí, có tiềm lực, sau đó tìm kiếm hỗ trợ HTX trong việc kết nối nông dân tạo ra những vùng, những chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa lớn mạnh theo đúng mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

*Xin cảm ơn ông

Lưu Đoàn – Phạm Thủy (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.