TS Lê Xuân Nghĩa: Ngân hàng không thể tùy tiện vác tiền gửi của dân đi cho vay

Đầu tư và Tiếp thị
02:59 PM 11/11/2021

Vị chuyên gia cho rằng, đến giờ phút này, các chính sách hỗ trợ của phía ngân hàng đã là kịch trần. Các nhà băng không thể tùy tiện vác tiền gửi của dân cho đi vay mà không đủ khả năng trả lãi, không đủ khả năng thu hồi về được thì không yên với người dân.

Chia sẻ tại Tọa đàm: "Vốn vay lãi suất thấp, cứu tinh cho doanh nghiệp trong đại dịch" do Dân trí tổ chức mới đây, TS. Lê xuân Nghĩa nhận định, dòng tiền và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang xuống rất thấp. Các ngân hàng cũng đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì khả năng hỗ trợ có hạn. 

Ông cho biết, trong một năm gần đây, dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng khiến dòng lao động rời khỏi doanh nghiệp nhiều. Cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều rơi vào đình đốn khiến chuỗi cung ứng nhỏ hẹp của Việt Nam đứt gãy. 

"Từ năm 2019 - 2020 nhu cầu về vốn khá, tốc độ tăng trưởng 12%, còn năm nay, chúng tôi nghĩ tăng thêm 15 - 16%. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng đáng lo ngại, điều quan trọng hơn cả vốn là dòng tiền các doanh nghiệp bị âm. Nói cách khác, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, thành tích vẫn có, có doanh thu, có lợi nhuận nhưng dòng tiền âm", ông Nghĩa nói. 

Vị chuyên gia này cho rằng, nếu tình hình cứ kéo dài, dòng tiền mong manh trên thị trường chứng khoán cũng có thể giảm xuống, không thể bù đắp cho các dòng tiền đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp dòng tiền đã âm cách đây 2 năm và họ không biết làm thế nào. Nhu cầu vay vốn thì lúc nào họ cũng có nhưng họ không đủ điều kiện để vay nữa rồi. Thứ hai, họ vay trong tình trạng dòng luân chuyển hàng hóa đứt gãy nghiêm trọng thì không khéo nhập thiết bị, nguyên vật liệu về cũng để đấy. Trong khi lao động thì không có, khách hàng không, hợp đồng cũng không mà cước vận tải, vận chuyển tăng 9 - 10 lần. Hiện tại, giá gas, giá xăng còn tăng cao khiến họ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Cho nên, nhiều doanh nghiệp chỉ còn lại ít tiền để duy trì lực lượng lao động, hoạt động công ty.

"Có nhiều doanh nghiệp tâm sự với tôi, họ không cần tiền để trả lương mà họ chỉ mong có đủ tiền để lo bữa cơm của 2.800 nhân viên. So sánh bây giờ cách đây 2 năm trước, nhu cầu về vốn cũng như dòng tiền của doanh nghiệp thấp", TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ. 

Theo ông Nghĩa, đến giờ phút này, các chính sách hỗ trợ của phía Ngân hàng đã là kịch trần như giãn hoãn nợ, điều chỉnh nhóm nợ, giảm phí, là điều có thể nói không bình thường, nhất là trong tình hình hiện nay. 

Ông phân tích, ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp, doanh nghiệp đặc biệt, họ kinh doanh bằng tiền của người khác, đây là tiền của những người đầy quyền lực, quyền lực hơn cả Chính phủ. Tiền của Chính phủ chưa chắc đầy quyền lực bằng tiền gửi của người dân. Nếu có vấn đề gì, người dân sẽ xuống tình biểu tình, và nếu một ngân hàng sụp đổ, cả hệ thống ngân hàng sụp đổ theo. 

"Thế nên, các NHTM không thể tùy tiện vác tiền gửi tiết kiệm của dân cho đi vay mà không đủ khả năng trả lãi, không đủ khả năng thu hồi về được thì không yên với người dân", TS. Nghĩa nhấn mạnh. Chính vì thế, ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh rất cẩn trọng bởi mức rủi ro an toàn lớn.

"Đấy là câu chuyện doanh nghiệp ủng hộ doanh nghiệp mà việc ủng hộ chỉ được thế thôi, chứ không phải khó khăn hơn thì ủng hộ nhiều hơn", ông chia sẻ quan điểm. 

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất, người dân mong mỏi nhất là Chính phủ mạnh dạn có một gói hỗ trợ. Chính phủ phải nâng cao năng lực thể chế của mình để thực hiện gói hỗ trợ đó, thậm chí lên tới 10% GDP. 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cũng bày tỏ sự lo lắng với những nguy cơ mà hệ thống ngân hàng đối mặt và kiến nghị cần có chính sách tài khóa vào cuộc. 

"Tôi rất lo lắng dịch bệnh bùng phát lần thứ 5. Qua lần 4, doanh nghiệp và các TCTD đã quá mệt mỏi rồi. Nếu kiểm soát không tốt, không chỉ doanh nghiệp mà TCTD cũng ảnh hưởng nặng nề. Cần mau chóng có giải pháp, chẳng hạn như cần chính sách tài khóa vào cuộc", ông nói. Doanh nghiệp không có nguồn thu thì vòng quay tiền đâu ra mà trả ngân hàng. Nếu vậy thì ngân hàng lấy tiền đâu để quay vòng vốn? Nợ xấu tăng lên là hiện hữu. 

Ông Hùng cho rằng, NHNN đã có chính sách tiền tệ nhưng vẫn chưa ổn, cần có sự vào cuộc của chính sách tài khóa. "Kể cả NHNN có giảm lãi suất thì cũng có cho vay được đâu. Giảm lãi suất đầu vào thì có huy động được vốn của dân không? Họ rút ra đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng… Nếu cứ tiếp tục hạ lãi suất nữa thì sẽ rất áp lực", ông nói. 

Vị này khẳng định, nếu cứ sử dụng chính sách tiền tệ để giải quyết thì hệ lụy, rủi ro là hiện hữu. Nguồn lực DN, của TCTD có hạn. Bây giờ cần có chính sách tài khóa.

Thu Thủy
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.