TS. Lê Xuân Nghĩa: Tín dụng đen rầm rộ do chưa khuyến khích phát triển tài chính tiêu dùng mạnh

Đầu tư và Tiếp thị
10:50 AM 26/01/2021

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, khi phát triển thị trường tài chính tiêu dùng mạnh, không những góp phần đẩy lùi tín dụng đen mà còn kích thích tiêu dùng nội địa, quyết định tăng trưởng kinh tế.

PV: Thưa chuyên gia, một số người còn đánh đồng tín dụng đen với tài chính tiêu dùng, vậy thị trường tài chính tiêu dùng khác với tín dụng đen ở điểm nào?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Hiện nay, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển khá mạnh. Trong giai đoạn tới, dư địa rất tốt.

Nhiều người nói cho vay tiêu dùng là tín dụng đen, nhưng thực tế không phải vậy. Có thể người ta đang nói tới các công ty cho vay không chính thức, còn những công ty cho vay chính thức thì vẫn hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật.

Nhiều người cho rằng lãi suất cho vay hơi cao nhưng các công ty tài chính ở nước ngoài vẫn hỗ trợ sinh viên vay với lãi suất 45%/năm. Ví dụ cần tiền đóng học mà bố mẹ chưa gửi kịp có thể vay, sau đó bố mẹ gửi tiền trả luôn sẽ mất phí không đáng kể. Còn kể cả sinh viên vay 10 triệu đồng, một năm trả lên đến 14-15 triệu đồng cũng phổ biến và không gặp phải khó khăn. Bởi sinh viên thì thích thủ tục đơn giản, còn đi vay ở ngân hàng quá phức tạp.

Tín dụng tiêu dùng có hai vấn đề lớn: Thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh nhưng rủi ro cao nên đương nhiên lãi suất cao.

Việc một số người kỳ thị tín dụng tiêu dùng chủ yếu là do nhìn nhận chưa thấu đáo ở khâu đòi nợ. Theo Bộ luật dân sự, nếu ai sai thì phải chịu phạt. Đây không phải là gốc của vấn đề.

Theo ông nguyên nhân nào khiến tín dụng đen nở rộ trong giai đoạn vừa qua?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tín dụng đen phát triển rầm rộ là do chưa khuyến khích phát triển được tài chính tiêu dùng mạnh.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là một xu thế tất yếu, phản ánh nhu cầu tiêu dùng rất lớn và ngày càng tăng của dân cư, bao gồm nhu cầu về sinh hoạt, mua sắm, thậm chí là hưởng thụ hoặc đầu tư.

Dân chúng ngày càng tìm đến ngân hàng và các công ty tài chính với mong muốn được hỗ trợ về hoạt động sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống hàng ngày. Ngày xưa, họ tìm đến tín dụng đen và ngày nay, họ tìm đến những nguồn cho vay chính thức. Điều đó cho thấy, không nên cản trở sự phát triển của tài chính tiêu dùng, mà vấn đề quan trọng là làm thế nào để lĩnh vực này phát triển lành mạnh hơn, toàn diện hơn, hữu ích hơn.

Một cách thức có hiệu quả nhất là kéo các ngân hàng vào cuộc. Ở các nước khác, ngân hàng tích cực tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng. Chẳng hẳn như ở Mỹ, có khoảng trên 3.000 ngân hàng thì có vài chục ngân hàng lớn là cho vay doanh nghiệp, còn lại là cho vay tiêu dùng.

Như ông nói Tín dụng tiêu dùng còn nhiều dư địa phát triển ở Việt Nam, vậy khi tín dụng tiêu dùng thực sự phát triển có thể góp phần hạn chế "tín dụng đen"?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Dù đã phát triển nhưng thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam hiện vẫn vô cùng nhỏ bé. Chính điều này đã khiến "tín dụng đen" có đất nở rộ. Quan sát để thấy, các nước Đông Nam Á hay Bắc Á đã từng có một thời chịu ảnh hưởng của "tín dụng đen" nhưng dần dần, các nước này đã khắc phục được bằng cách phát triển hệ thống cho vay tiêu dùng chính thống.

Phải khẳng định rằng, tín dụng tiêu dùng hay công ty tài chính không những không phải là "tín dụng đen", mà còn là một cứu cánh cho những "khách hàng" của loại hình này. Còn nếu muốn nói tới khía cạnh lãi suất cao thì nên hiểu rằng, rủi ro cao tất nhiên sẽ song hành với lãi suất cao. Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành.

Bên cạnh đó, nhu cầu trong nền kinh tế hiện tại rất lớn, đặc biệt với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình, học sinh, sinh viên, cá nhân có ý tưởng kinh doanh, làm dịch vụ, làm đẹp, học hành, đi du lịch, chữa bệnh… giải quyết các chi tiêu bất thường. Nếu không có tín dụng tiêu dùng, "tín dụng đen" sẽ phát triển nhanh khủng khiếp, trở thành vấn đề như của Hàn Quốc cách đây 20 năm. Khi đó, Chính phủ nước này đã đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để giảm tối đa "tín dụng đen", vốn tạo ra những bất ổn xã hội và cả về thị trường tiền tệ.

Nếu Việt Nam muốn giải quyết những bước cơ bản về "tín dụng đen", thì Chính phủ cần phải đẩy mạnh các tổ chức tài chính phi ngân hàng và ngành ngân hàng cũng phải dùng nguồn lực để cho vay tiêu dùng, hướng đến mục tiêu để lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức hợp lý và thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Ông đánh giá thị trường tài chính tiêu dùng có vai trò ra sao trong nền kinh tế?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây cho hay, tín dụng tiêu dùng của Mỹ đã tăng 4,4% trong tháng 11/2020, mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng qua, dẫn dắt bởi sự gia tăng mạnh mẽ các khoản vay mua ôtô và các khoản vay dành cho sinh viên, bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động vay mượn bằng thẻ tín dụng. Theo báo cáo của Fed, mức tăng của hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Mỹ nói trên tương đương 15,3 tỷ USD, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 6/2020, sau khi chứng kiến mức tăng tương ứng 4,5 tỷ USD trong tháng 10/2020. Giá trị các khoản vay mua ôtô và cho vay sinh viên tăng 16,1 tỷ USD. Các hộ gia đình sẵn sàng vay nợ thêm để bổ sung cho hoạt động chi tiêu của họ, vốn chiếm 70% hoạt động kinh tế của Mỹ.

Trước đó, theo khảo sát của chúng tôi tại 16 nước châu Âu năm 2016 cho thấy, có đến 47% tổng dư nợ tín dụng thuần túy là cho vay tiêu dùng, chưa tính vay để mua ô tô. Nói như vậy để thấy tín dụng tiêu dùng là một xu thế phản ánh nhu cầu lớn của thị trường, phản ánh trình độ phát triển nền kinh tế dựa vào nguồn lực chứ không phải nền kinh tế có trình độ phát triển thấp dựa vào sản xuất, dựa vào cung.

Nghĩa là phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Hiện tại, người tiêu dùng nội địa chưa phải là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Làm thế nào để tiêu dùng nội địa quyết định tăng trưởng kinh tế chứ không phải đầu tư. Việc cần làm là phải khuyến khích cho vay tiêu dùng, chứ không phải mang chính sách ra phân tích và dọa rủi ro.

Ở Việt Nam thường mắc bệnh trọng cung. Cần phải kích thích tiêu dùng để người tiêu dùng nói cho các nhà sản xuất cần làm ra hàng hoá gì, chứ không phải nhà sản xuất nghĩ ra sản phẩm gì để làm. Ở đây, người dân sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng để mua sắm và họ chỉ cho nhà sản xuất hướng để làm ra sản phẩm. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thị trường nội địa.

Có vấn đề lớn được đặt ra ở đây, đó là trọng cung khiến mọi thứ đều thừa. Vay ngân hàng về chăn nuôi, trồng trọt và khi làm ra nhiều không bán được khiến hàng hóa dư thừa, phải giải cứu. Nên để cho người tiêu dùng tự quyết định ăn gì, mua gì vào mùa nào và số lượng bao nhiêu thì sẽ cho ra một cấu trúc hàng hóa phù hợp với người tiêu dùng và đó là cấu trúc lý tưởng. Không ai và không một cơ quan nào làm được điều ấy ngoài thị trường.

Ở tầng thấp, tài chính tiêu dùng phát triển sẽ kích thích hệ thống bán lẻ, ở tầng cao sẽ kích thích các ngành công nghiệp chế biến chế tạo ô tô, xe máy… Câu chuyện tài chính tiêu dùng cho vay ở tầng cao phổ biến ở các nước phát triển. Ở tầm thấp, sinh viên vay tiêu dùng mà chịu được lãi suất 30-45% chứng tỏ tài chính tiêu dùng đã phát triển ghê gớm lắm. Đến sinh viên còn có khả năng trả được khoản vay với lãi suất như vậy.

Ở Việt Nam, tài chính tiêu dùng vẫn cho vay ở tầng thấp, mặc dù nhu cầu mấy năm gần đây đã tăng lên rất nhanh. Đây là điều đáng suy ngẫm và cần có những cơ chế để khuyến khích thị trường này phát triển tương xứng với tiềm năng.

Xin cảm ơn chuyên gia!

Mai Hương
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.