TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội: Luật ra đời đã hội tụ sự cần thiết bảo vệ người tiêu dùng

Thị trường tiêu dùng
11:00 PM 31/10/2023

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhân dịp này phóng viên (PV) Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn với TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội về ý nghĩa và tác động của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với thực tiễn đời sống xã hội.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội:  Luật ra đời đã hội tụ sự cần thiết bảo vệ người tiêu dùng - Ảnh 1.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội

 PV: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội khóa XV đã thông qua, ông đánh giá sự kiện này ra sao đối với quyền lợi người tiêu dùng và thị trường lưu thông phân phối hàng hóa nước ta hiện nay?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Trong tờ trình với Quốc hội, Chính phủ có nêu một số vấn đề về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, thứ nhất luật này thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ quyền công dân, quyền người tiêu dùng và quyền con người.

Thứ hai là việc ban hành luật đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền của các chủ thể SXKD và quyền của người tiêu dùng.

Thứ ba là luật căn cứ từ cơ sở thực tiễn của chúng ta đang triển khai, đang thi hành các quy định của pháp luật có liên quan đến SXKD và quyền lợi người tiêu dùng, thì rõ ràng người tiêu dùng hiện nay đang bị vi phạm rất nhiều các quyền và lợi ích chính đáng. Cần nói thêm đã nhiều năm qua, chúng ta đã thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, và kể cả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị cũng đã tham gia vào bảo vệ người dân, bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể như các chương trình Người Việt dùng hàng Việt và các chương trình bảo vệ người tiêu dùng khác…

Phải nói rằng, nhìn vào các căn cứ ban hành luật có thể thấy rõ Luật Bảo vệ người tiêu dùng ra đời đúng vào thời điểm cần thiết, đáp ứng được những yêu cầu quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Đáng kể nhất, từ các chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan, và thực tiễn sinh động của đời sống xã hội hôm nay, đã hội tụ lại một điểm là sự cần thiết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chính vì thế, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5 thông qua, và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Cũng chính vì tầm quan trọng đó, Bộ Công Thương với tư cách là Bộ chủ quản, là cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo và phối hợp với các bộ ngành để dự thảo luật trình lên Quốc hội. Và khi luật được thông qua, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ra Quyết  định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023, để ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà trực tiếp Quyết định này do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành.

Trong Quyết định 1012 mới này, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương làm đầu mối chủ trì việc triển khai thực hiện kế hoạch thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời giao trách nhiệm cho các bộ ngành, các cơ quan tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương trong phạm vi cơ quan bộ ngành mình để triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Quyết định số 1012 này cũng giao trách nhiệm cho UBND các cấp  căn cứ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tiến hành triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi của địa phương. Quyết định số 1012 yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, để từ đó ban hành các văn bản triển khai với yêu cầu bảo đảm quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đặc biệt, trong Quyết định số 1012, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, các cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và các tổ chức cá nhân khác có liên quan tham mưu Chính phủ xem xét ban hành 2 Nghị định rất quan trọng. Thứ nhất là Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là nghị định rất quan trọng. Thứ hai là Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội:  Luật ra đời đã hội tụ sự cần thiết bảo vệ người tiêu dùng - Ảnh 2.

Doanh nghiệp tham gia triển lãm công nghệ chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Các văn bản quy phạm pháp luật này nhằm thắt chặt kỷ cương, kỷ luật trong quá trình SXKD, để đảm bảo phải có các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp để tham mưu ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (căn cứ khoản 1 Điều 28 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Có thể nói Quyết định số 1012 bao hàm rất nhiều các nội dung. Đây là những chỉ đạo của Chính phủ mà tôi chỉ nêu một cách vắn tắt về một số vấn đề rất quan trọng. Bởi vì muốn triển khai đạo luật này thì phải có các nghị định, quyết định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Còn các kế hoạch, nghị quyết và các văn bản hướng dẫn của các địa phương là những văn bản để triển khai thi hành Luật.

Theo tôi, lẽ ra văn bản dự thảo các nghị định trên phải sớm được chuẩn bị cùng với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đúng nội dung Quyết định số 1012 thì đến tháng 5/2024 mới xây dựng văn bản các nghị định này. Nếu như việc rà soát các văn bản hoàn thành từ cuối năm 2023, thì lẽ ra nghị định đầu tiên quy định chi tiết thi hành Luật phải ban hành vào tháng 12/2023... Đấy là những đầu việc rất quan trọng để triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Và qua đó chúng ta thấy rõ hơn, bản thân Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm nhận thức và quan tâm về vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, coi đấy là những vấn đề mang tính cấp bách.

Tôi muốn lưu ý thêm, trước thời điểm Luật có hiệu lực thì phải triển khai để tinh thần của đạo Luật sớm bắt đầu đi vào đời sống xã hội. Cụ thể như, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 tới đây, cùng với Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, các cơ quan báo chí chắc chắn sẽ là những mũi nhọn đi đầu vào cuộc tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Và ngay dịp trước Tết này, ở mức độ nào đó, chúng ta đã phải triển khai đạo luật này, chứ không chờ đợi đến ngày 01/7/2024 khi Luật có hiệu lực thi hành.

Trong đạo luật này có một vấn đề mới nữa là giao trách nhiệm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một mặt với tư cách là cơ quan giám sát thực thi Luật, nhưng đồng thời cũng là cơ quan đại diện cho Nhân dân, đại diện cho các tổ chức chính trị xã hội tham gia vào quá trình tổ chức thực hiện Luật. Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam là tổ chức có tiếng nói vô cùng quan trọng. Và căn cứ vào quy định của Luật này, Hội cũng phải ban hành các quy định riêng để giải quyết các vấn đề trong phạm vi và hệ thống của mình.

“Phải nói rằng, nhìn vào các căn cứ ban hành luật có thể thấy rõ Luật Bảo vệ người tiêu dùng ra đời đúng vào thời điểm cần thiết, đáp ứng được những yêu cầu quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Đáng kể nhất, từ các chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan, và thực tiễn sinh động của đời sống xã hội hôm nay, đã hội tụ lại một điểm là sự cần thiết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…” TS Lưu Bình Nhưỡng

 PV: Thưa ông, thời gian qua do cháy nổ diễn ra phức tạp làm "nóng" thị trường trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình xịt cứu hỏa, thang dây thoát hiểm…, đáng báo động là xuất hiện tình trạng găm hàng, tăng giá, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây méo mó thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Vậy ông có ý kiến thế nào?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Để tối đa hóa lợi nhuận và lợi ích, trên thị trường hiện nay có rất nhiều hoạt động kinh doanh và mua bán các loại hàng hóa kém chất lượng, không đúng với mẫu mã phẩm chất, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí kể cả hàng cấm, hàng nguy hiểm, hàng lậu. Có thể nói, đây là một trong những vấn đề cực kỳ nhức nhối trong cử tri và Nhân dân. Và không có nhiệm kỳ Quốc hội nào mà cử tri và Nhân dân không gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội, cũng như không có nhiệm kỳ Quốc hội nào mà các đại biểu Quốc hội không nhắc tới, không đưa các vấn đề ra thảo luận, chất vấn.

Đó là nhận xét chung trong hoạt động Quốc hội khi ta đề cập đến quyền và lợi ích người tiêu dùng, vấn đề rất cần được bảo vệ ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Chính vì tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt và nhân văn của vấn đề đó, cho nên Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chúng ta biết mục tiêu cuối cùng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hướng tới con người, hướng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu chúng ta không bảo vệ người tiêu dùng, mà họ chính là người tiêu thụ cuối cùng những sản phẩm hàng hóa, thì họ trở thành những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Lấy ví dụ điển hình là vụ phân bón giả mà tôi là một trong những Đại biểu Quốc hội rất quyết liệt đưa ra trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Khi đó đã diễn ra cuộc tranh luận rất mạnh mẽ liên quan đến Công ty Phân bón Thuận Phong. Vụ sản xuất phân bón giả này được đưa diễn đàn Quốc hội xem xét đã gióng lên hồi chuông rất lớn. Và có thể nói, việc nêu ra thực hư nạn phân bón giả đã đáp ứng trúng sự băn khoăn của người dân. Đó là đối mặt với hàng nghìn loại phân bón mà người dân không biết đâu là thật, đâu là giả và đâu mới là những cái mình cần dùng…(?) Bởi những thứ đó rất dễ dối lừa thị trường bằng những nhãn mác, mẫu mã, hình thức khác nhau.

Khi ta bàn đến những hệ lụy sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, đáng nói nhất là thị trường gần đây "nóng" lên hàng loạt bất cập liên quan đến những sản phẩm, hàng hóa thiết bị PCCC. Qua tiếp xúc với khá nhiều doanh nghiệp, những người trong các chuỗi sản xuất kinh doanh khác nhau, kể cả trong khu công nghiệp cũng như các doanh nghiệp đơn lẻ, kể cả các hộ kinh doanh cá thể, tôi thấy họ có một số bức xúc giống nhau.

Thứ nhất, đó là người ta đề ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với PCCC vượt quá cao so với nền tảng của Việt Nam. Thứ hai, trong bối cảnh mà chúng ta thắt chặt quản lý PCCC, cho nên một số nhóm lợi ích đã sử dụng chính các quy định của pháp luật để mà "nhốt" người tiêu dùng, các hộ và các doanh nghiệp kinh doanh vào "cái rọ" pháp luật này.

Như vậy, bài toán về chất lượng hàng hóa thiết bị cũng phát sinh nhiều câu hỏi rất cần lời giải. Ví như bây giờ ai là người trọng tài bảo đảm chất lượng những thiết bị PCCC, khi mà doanh nghiệp kinh doanh Karaoke được chỉ định đến những địa chỉ đó. Như vậy có thể nói, câu chuyện quản lý PCCC và những thiết bị PCCC khá dài, rất cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác định và công bố minh bạch quy cách, phẩm chất, chất lượng của trang thiết bị PCCC, từ đó bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Tôi cho rằng, trong nhiều trường hợp thì ở đây không phải người tiêu dùng thông thường, mà họ là những nhà sản xuất, họ là những người đang trực tiếp làm ra của cải vật chất và tinh thần và giải quyết việc làm cho xã hội. Đấy chính là một trong những vấn đề trăn trở băn khoăn của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội:  Luật ra đời đã hội tụ sự cần thiết bảo vệ người tiêu dùng - Ảnh 5.

TS Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị

PV: Các chuyên gia lâu nay thường xuyên cảnh báo hàng giả, hàng nhái đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng. Từ góc nhìn Ban Dân nguyện Quốc hội, ông phân tích tác động của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra sao đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Hàng giả, hàng nhái đúng là vấn nạn nhức nhối lâu nay trong nền kinh tế xã hội. Và điều này còn liên quan đến một khái niệm rất bức xúc trong dân gian và trong Luật đã đề cập, đó chính là vấn nạn lừa đảo. Làm hàng giả về bản chất cũng là lừa đảo để người khác tin đó là hàng thật. Làm hàng nhái cũng là lừa đảo để người tiêu dùng tin là hàng hóa có quy cách phẩm chất và có chất lượng như hàng thật.

Nhưng rõ ràng điều đó sai cả trên 2 phương diện. Thứ nhất về mặt hình thức, nó sai vì ăn cắp bản quyền, sở hữu trí tuệ để đánh lừa con người. Vấn đề thứ hai, chúng ta chưa thể yên tâm chất lượng hàng hóa vì không hay biết. Bởi vì tất cả những hàng thật đã được đăng ký, thậm chí kể cả về mặt hình thức, nội dung đều đã qua kiểm nghiệm nghiêm ngặt về chất lượng. Như thế rõ ràng người tiêu dùng đã bị đưa vào "mê cung" của sự dối trá.

Và tôi trở lại vấn đề đã bàn ở trên đây như thiết bị PCCC, nếu là hàng giả, hàng nhái thì sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến công tác PCCC. Bởi nếu hàng hóa không đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn…đồng nghĩa với việc không đảm bảo mục tiêu PCCC. Hoặc như vấn đề phân bón giả, nếu bón cho cây trồng một loại phân mà chúng ta tin rằng đó là phân thật, nhưng thực ra đó là phân giả, không có chất lượng, không đảm bảo hàm lượng các chất thành phần trong đó…thì đương nhiên cây cối không thể phát triển, không thể bảo đảm mùa màng ra hoa kết trái.

Tôi chỉ lấy ra 2 ví dụ điển hình như thế để hiểu rằng: Trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và trong đời sống hàng ngày, chúng ta đều có thể bị hàng giả, hàng nhái đánh lừa. Như thế có nghĩa là người ta bỏ tiền thật ra, nhưng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa không đúng như nguyện vọng mong ước của họ. Điều đó trong thực tiễn xảy ra rất nhiều, muôn hình vạn trạng. Ví như gần đây nhất, chúng tôi nhận được đơn thư công dân phản ánh mánh khóe lừa đảo tham gia các cuộc đầu tư liên quan đến bất động sản, liên quan đến các kỳ nghỉ dưỡng, các hoạt động du lịch, mà thực tế sau đó không đúng nội dung đã quảng cáo.

Rõ ràng chúng ta thấy hàng giả, hàng nhái không chỉ là sản phẩm hàng hóa thông thường, mà có thể là những mặt hàng không hiện hữu, vừa là vật chất, vừa phi vật chất. Điều đó đặt ra vấn đề phải ưu tiên coi trọng các biện pháp giáo dục tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng tập huấn cho những cơ quan tổ chức phòng chống hàng giả, hàng nhái, cũng như các hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt là tuyên truyền làm sao để người tiêu dùng trở thành "Người tiêu dùng thông thái", góp phần đẩy lùi và phòng chống hiệu quả hàng giả, hàng nhái.

Tôi đã từng phát biểu tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, điều quan trọng nhất là phải làm thế nào để người tiêu dùng chúng ta trở thành "Người tiêu dùng thông thái". Họ có thể phân biệt được hàng thật - hàng giả, hàng thật - hàng nhái, hàng có chất lượng - hàng kém chất lượng…để trước hết là tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Để người dân có thể đưa ra những lựa chọn chính đáng, trước hết phải học hỏi, phải có kiến thức để tự bảo vệ mình, không nên trông mong quá nhiều vào Nhà nước, không nên trông mong nhất là phụ thuộc vào Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Về phía cơ quan dân nguyện chúng tôi, phải nói sẽ có rất nhiều kiến  nghị với các cấp thẩm quyền, nhất là vấn đề cần nâng cao ý thức xã hội nói chung, và ý thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi chính đáng trong vai trò người tiêu dùng, kể cả ở vai trò các doanh nghiệp, HTX và các cơ quan, tổ chức. Đáng lưu ý, một số tổ chức lấy danh nghĩa chống hàng giả, hàng nhái, nhưng biết đâu chính các tổ chức đó là "hàng giả, hàng nhái". Điều đó hết sức nguy hiểm, đòi hỏi người dân hết sức cảnh giác không những với các loại hàng giả, hàng nhái, mà còn với một số tổ chức giả danh đó. 

"Rõ ràng chúng ta thấy hàng giả, hàng nhái không chỉ là sản phẩm hàng hóa thông thường, mà có thể là những mặt hàng không hiện hữu, vừa là vật chất, vừa phi vật chất. Điều đó đặt ra vấn đề phải ưu tiên coi trọng các biện pháp giáo dục tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng tập huấn cho những cơ quan tổ chức phòng chống hàng giả, hàng nhái, cũng như các hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt là tuyên truyền làm sao để người tiêu dùng trở thành “Người tiêu dùng thông thái”, góp phần đẩy lùi và phòng chống hiệu quả hàng giả, hàng nhái…” TS Lưu Bình Nhưỡng

TS Lưu Bình Nhưỡng sinh ngày 4/2/1963, là Tiến sỹ Luật Kinh tế, Cao cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, Giảng viên đại học, chính trị gia người Việt Nam. Ông là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016 – 2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016 – 2021), Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam – Thụy Sỹ. Trên cương vị là Đại biểu Quốc hội, ông đã có những phát ngôn châm ngòi cho nhiều tranh luận trong dư luận và tại nghị trường…

(Theo Wikimedia)


Thực hiện: Nhà báo Lưu Đoàn
Ý kiến của bạn
150 gian hàng quy tụ tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2024 150 gian hàng quy tụ tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”.