TS Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP.Hà Nội: Thế mạnh sản phẩm OCOP Thủ đô đều có giá trị kinh tế rất cao
Trả lời phỏng vấn của PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, TS Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Tp.Hà Nội, cho rằng: Ngoài dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, Hà Nội còn có số lượng rất lớn làng nghề truyền thống, trong đó các sản phẩm OCOP thủ công mỹ nghệ có ưu thế độc đáo vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và có lợi thế cạnh tranh rất cao so với các địa phương cả nước.
-Thưa ông, Liên minh HTX thành phố là cơ quan có chức năng tư vấn, hỗ trợ kinh tế tập thể và HTX, trong đó có các chủ thể OCOP. Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật về phát triển sản phẩm OCOP ở Thủ đô đến nay?
-TS Nguyễn Tiến Phong: Thống kê hiện nay toàn thành phố có 2.620 HTX, trong đó có 1.385 HTX nông nghiệp, 795 HTX phi nông nghiệp và 95 quỹ tín dụng nhân dân. Từ đầu năm đến nay thành phố thành lập thêm 82 HTX mới, chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của mô hình HTX. Trong khu vực kinh tế tập thể và HTX này, rõ ràng sản phẩm OCOP tạo nên sức sống mới, mang tới nhiều giá trị về kinh tế và văn hóa. Là cơ quan tư vấn hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh HTX Thành phố luôn duy trì tập trung các khóa đào tạo, các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng đầu tư và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt là chương trình hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ hỗ trợ HTX của Trung ương và của Thành phố cho các HTX, các chủ thể OCOP, để đầu tư phát triển thành công sản phẩm OCOP. Cụ thế, trong 9 tháng đầu năm 2024, riêng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thành phố đã tiếp nhận 109 hồ sơ vay vốn, giải ngân 112 dự án với tổng số tiền 44,9 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ của Quỹ Hỗ trợ đạt 107,4 tỳ đồng với 349 dự án đang triền khai.
Đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội hiện có 166 HTX nông nghiệp áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ và HACCP, cùng với 68 HTX ứng dụng công nghệ cao, 80 HTX có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và 132 HTX với 452 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Theo số liệu của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Tính từ năm 2019 đến hết tháng 6/2024, thành phố đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các chủ thể OCOP sản xuất kinh doanh tạo ra các sản phẩm có chất lượng, Hà Nội đã quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng; đồng thời khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại. Ngoài ra, Hà Nội đã phát triển được 105 điểm giới thiệu và bán sản phẩm, tạo điều kiện để người tiêu dùng thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ví như tại huyện Thạch Thất, đến nay trên địa bàn có 162 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao. Trong đó, 116 sản phẩm đạt 4 sao và 46 sản phẩm đạt 3 sao. Các chủ thể đã quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm cho nên thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá trị hàng hóa tăng cao hơn so với trước khi chưa đạt chứng nhận OCOP.
Tuy nhiên, theo đánh giá số lượng sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận ở Hà Nội mới có 6 sản phẩm. Theo đó, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Do vậy trong hai năm 2024 và 2025, Hà Nội tập trung rà soát, hỗ trợ các sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao để trình Trung ương công nhận bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra.
-Được biết, Liên minh HTX Thành phố Hà Nội đang hỗ trợ rất hiệu quả các HTX và chủ thể OCOP về hoạt động kết nối tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Vậy ông có thể chia sẻ gì về hoạt động này?
-TS Nguyễn Tiến Phong: Liên minh HTX Thành phố thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển DN và HTX Hà Nội, bố trí mặt bằng xây dựng điểm trưng bày sản phẩm HTX tại địa chỉ 217, phố Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội). Phát huy lợi thế thị trường Thủ đô, Trung tâm này thường xuyên tham mưu và chủ trì phối hợp với các sở ngành thành phố và hệ thống Liên minh HTX các địa phương cả nước để tổ chức các hội chợ, các tuần hàng quảng bá sản phẩm, các sự kiện kết nối cung cầu sản phẩm HTX, trong đó chủ yếu các sản phẩm OCOP.
Ví như vào trung tuần tháng 4/2024, Liên minh HTX thành phố tổ chức Tuần hàng quảng bá sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống do các HTX sản xuất. Sự kiện có sự tham gia của trên 50 HTX với những sản phẩm tiêu biểu của Hà Nội và một số địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ninh Bình và Hà Nam. Cũng thời gian này, Liên minh HTX thành phổ tổ chức Tọa đàm quảng bá kết nối tiêu thụ nông sản cho các HTX trên địa bàn thành phố và sản phẩm OCOP 4 sao Khoai tây Hương Ngải, thu hút 20 chuỗi siêu thị, 50 HTX thành viên, cùng đại diện nhiều ban ngành, đoàn thể Thành phố và các tổ chức quốc tế như ILO, dự án ENHANCE…
Các hội chợ, tuần hàng đã giúp cho các HTX, chủ thể OCOP kết nối giữa sản xuất với hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tới tay người tiêu dùng, đồng thời góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa Hà Nội với cả nước.
-Ở thị trường Thủ đô chắc chắn có sự tương tác cạnh tranh rất khốc liệt các nguồn hàng hóa từ các địa phương, vậy sản phẩm OCOP Hà Nội có thế mạnh gì rất riêng mà các nơi khác không thể có được?
-TS Nguyễn Tiến Phong: Thống kê cho thấy Hà Nội có trên 1.700 cơ sở chế biến sâu nông sản thực phẩm, 1.350 làng nghề và làng có nghề với số lượng 2.711 sản phẩm OCOP. Sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội rất đa dạng, phong phú, có nhiều sản phẩm qua chế biến sâu, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế…
Nét đặc biệt nhất Hà Nội là vùng đất trăm nghề, với nhiều sản phẩm OCOP thủ công truyền thống có chất lượng kỹ mỹ thuật độc đáo, vừa có giá trị kinh tế rất cao. So với các địa phương cả nước, sản phẩm OCOP thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có tính cạnh tranh rất cao, mang lại sự khác biệt mang tính bản sắc rõ rệt của Thủ đô, trong khi thực tế ở các địa phương các sản phẩm thủ công truyền thống rất ít. Ngoài ra, đối với các sản phẩm OCOP thông thường, do đặc thù mật độ đô thị hóa nên Hà Nội chỉ chú trọng phát triển hàng hóa "tinh hoa", còn sản phẩm có quy mô và sản lượng lớn thì có nhiều hạn chế hơn các tỉnh thành khác, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu do vùng nguyên liệu và mặt bằng sản xuất khó khăn hơn các nơi.
Trong mỗi sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, ẩn chứa niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa - yếu tố quan trọng phân biệt giá trị sản phẩm OCOP của từng vùng miền. Có thể nói, chương trình OCOP đã trở thành một điểm sáng trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Qua nhiều năm thực hiện, chương trình đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Lưu Đoàn (thực hiện)VNDirect dự báo thị trường sẽ cải thiện về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân cả năm 2025 sẽ đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.