TSMC "ra tay", ngành công nghiệp ô tô sắp được giải cứu
TSMC cho biết sẽ gia tăng lượng sản xuất chất bán dẫn cho chip ô tô lên 60% trong năm nay để giải quyết tình trạng khó khăn của ngành công nghiệp này.
Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới sẽ tăng lượng sản xuất chip ô tô 60% trong năm nay. Hãng sản xuất Đài Loan cho biết đây là hành động "chưa từng có" để giảm bớt tình trạng thiếu chất bán dẫn trầm trọng đang đe doạ ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
"TSMC đã thực hiện các động thái chưa từng có trong tiền lệ, bao gồm phân bổ lại năng lực từ các khách hàng trong ngành công nghiệp khác", công ty này cho biết trong thông báo vào cuối tuần qua.
TSMC – nhà cung cấp chính cho gần như tất cả các hãng phát triển chip ô tô lớn như Infineon, NXP, Sony và Renesas Electronics – cho biết họ có kế hoạch tăng sản lượng các bộ vi điều khiển (MCU) lên 60% trong năm nay. So với thời điểm trước đại dịch vào năm 2019, mức tăng ghi nhận sẽ là 30%. MCU là thành phần thiết yếu cho hàng loạt các bộ phận của ô tô, từ túi khí, bộ điều khiển động cơ, máy đo áp suất lốp và hệ thống chiếu sáng.
Thông tin của TSMC được đưa ra sau cuộc họp thứ 2 của hãng với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 21/5 để thảo luận về cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đang diễn ra, ảnh hưởng đến hàng loạt các ngành công nghiệp chủ lực, từ điện thoại thông minh, PC, máy chủ và ô tô. Ford Motor của Mỹ mới đây cho biết sẽ tiếp tục tạm dừng hoặc cắt giảm sản lượng tại 8 nhà máy ở Bắc Mỹ trong các giai đoạn khác nhau cho đến hết tháng 6 do tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Các quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản đang gây sức ép buộc Đài Loan (Trung Quốc) tăng sản xuất chip ô tô. Hầu hết nhà sản xuất chip chủ chốt của Đài Loan đã đồng ý ưu tiên cho ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, thay đổi một chuỗi cung ứng là quá trình dài và phức tạp. Sẽ phải mất vài tháng cho quá trình sản xuất, vận chuyển và lắp ráp để khôi phục năng lực sản xuất của các hãng ô tô.
Trước đó, hầu hết các nhà phát triển chip liên quan đến ô tô đều cắt giảm đơn đặt hàng cho TSMC và các công ty gia công chip, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ tháng 9/2020, thị trường ô tô đột ngột phục hồi khiến họ phải gấp rút tăng đơn hàng. Việc này khiến chuỗi cung ứng chip, vốn đã bị tắc nghẽn, tăng thêm sự phức tạp.
TSMC cũng cho biết hôm 21/5 rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả khách hàng để nắm bắt nhu cầu tốt hơn trong chuỗi cung ứng phức tạp này, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt tương tự trong tương lai.
Thực tế từ tháng 1, TSMC đã áp dụng quy trình siêu tốc để cắt giảm chu kỳ sản xuất chip lên đến 50% kể từ tháng 1 để cố gắng cứu vãn tình trạng thiếu hụt chip trong ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, khi TSMC ưu tiên chip ô tô, một số đối tác khác của họ có thể sẽ bị ảnh hưởng.
TSMC và hàng loạt công ty cùng ngành đã hoạt động hết công suất kể từ đầu năm nhưng nguồn cung cấp điện và nước của Đài Loan đang bị căng thẳng. Nơi này đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 5 thập kỷ, cùng với đó là 2 đợt mất điện lớn xảy ra trong vòng 5 ngày, ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình.
Các hãng công nghệ như TSMC, UMC không bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện nhưng họ thừa nhận đã gặp phải tình trạng sụt giảm điện áp, ảnh hưởng đến việc sản xuất chip.
Đài Loan sẽ áp dụng một số hạn chế về nước từ tháng 6/2021 tại một số thành phố bao gồm Tân Trúc, trung tâm của chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Đài Loan.
Đài Loan cũng đang phải vật lộn với tình trạng số ca mắc Covid-19 gia tăng, và đã nâng mức cảnh báo vào tuần trước, cấm tụ tập trên 5 người trong nhà và hoạt động ngoài trời cho hơn 10 người. TSMC đã yêu cầu nhân viên của mình chia nhóm và làm việc luân phiên tại nhà, đồng thời cấm nhân viên đi lại nếu không cần thiết giữa các địa điểm để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhà sản xuất chip di động MediaTek cũng khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà.
Tham khảo nguồn: Nikkei
Đức NamTheo WB, lộ trình chuyển đổi sang xe điện ở Việt Nam cần tập trung ở 5 trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện, đào tạo nhân lực chất lượng cao.