T&T Group tiên phong mở “cánh cửa mới” cho phát triển năng lượng xanh
Gần một thập kỷ chuẩn bị để chinh phục sân chơi năng lượng tái tạo (NLTT), “chiếc lò xo” T&T Group đến nay đã bật tung, tiên phong mở “cánh cửa mới” để phát triển bền vững, góp sức cùng Chính phủ thực hiện thành công cam kết tại Hội nghị COP26.
Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Cam kết của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận và truyền thông quốc tế. Chủ tịch COP26 Alok Sharma bày tỏ ấn tượng đối với tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định đây là một cam kết giàu tham vọng và cho thấy Việt Nam thực sự đi đầu trong hành động chống biến đổi khí hậu.
Nhận định của Chủ tịch COP26 là hoàn toàn có cơ sở, bởi không phải đến tận Hội nghị COP26 mà trước đó Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm tiên phong của mình trong chống biến đổi khí hậu qua nhiều nội dung, văn kiện quan trọng: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Mới đây nhất, ngày 01/10, ngay trước thềm Hội nghị COP26, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó nhấn mạnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; tăng tỷ trọng các nguồn NLTT, năng lượng mới trong sản xuất…
Doanh nghiệp tham gia "xanh hóa" cùng Chính phủ
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh để phát triển bền vững, nhiều DN đã tích cực chuẩn bị nguồn lực để tham gia cuộc cách mạng tăng trưởng xanh, điển hình như Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển.
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26 và thăm chính thức một số quốc gia châu Âu, T&T Group và Total Eren (Pháp) đã trao đổi biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW các dự án điện mặt trời và điện gió trên đất liền với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ USD.
Với thị trường NLTT thế giới, cái tên Total Eren không hề xa lạ. Đây là công ty NLTT đa ngành, thuộc Tập đoàn dầu khí Total Energies – Top 3 Tập đoàn lớn nhất của Pháp và Top 5 các Tập đoàn lớn nhất thế giới. Hiện Total Eren tham gia đầu tư các dự án NLTT trên toàn thế giới từ giai đoạn phát triển đến xây dựng và vận hành với tư cách là nhà sản xuất điện độc lập với các dự án điện gió và mặt trời trên bờ có tổng công suất hơn 3,5 GW đang được xây dựng hoặc hoạt động trên 20 quốc gia. Total Eren đã chọn T&T Group là đối tác đầu tiên và chiến lược tại Việt Nam để cùng thực hiện mục tiêu chinh phục các dự án NLTT tại Việt Nam.
Còn ở Việt Nam, T&T Group cũng được biết đến là nhà phát triển NLTT hàng đầu. Chỉ trong thời gian ngắn, tập đoàn của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã ghi dấu ấn với hàng loạt dự án NLTT tầm cỡ và quy mô. Riêng năm 2020, T&T Group đã đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 245MWp. Trong năm 2021, T&T Group có kế hoạch đưa vào vận hành 5 nhà máy điện gió với tổng công suất 530 MW. Theo công bố, trong 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000-11.000MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam. Trong đó, điện gió và điện mặt trời đạt từ 7.000MW – 8.000MW.
Trước đó, T&T Group và Ørsted - tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới đã ký hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về NLTT thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).
"Sân chơi" NLTT không dành cho những "tay mơ", nhất là trong bối cảnh tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu và Chính phủ khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Để thành công trong lĩnh vực này, không chỉ đòi hỏi DN phải có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị, công nghệ tiên tiến mà còn cần tầm nhìn dài hạn cùng chiến lược đầu tư bài bản, linh hoạt - yếu tố quyết định chinh phục các nhà đầu tư, quỹ đầu tư ngoại rót vốn vào lĩnh vực NLTT của Việt Nam. Đây cũng là lí do vì sao mà Standard Chartered - định chế tài chính quốc tế hàng đầu của Vương quốc Anh sẵn sàng tài trợ cho các dự án xanh của T&T Group tới 6 tỷ USD (trong tổng số 8 tỷ USD Standard Chartered cam kết đầu tư phát triển bền vững tại Việt Nam).
Tiên phong mở "cánh cửa mới" để phát triển bền vững
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc T&T Group từng chia sẻ: "Từ 10 năm trước, T&T Group đã bắt tay vào nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện phát triển lĩnh vực NLTT để sẵn sàng đón đầu cơ hội. Đến nay, bên cạnh một số dự án điện mặt trời, điện gió lớn đã và sắp hoàn thành, T&T Group còn hoạch định chiến lược phát triển các dự án NLTT, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia".
Gần 1 thập kỷ đặt chân vào NLTT, T&T Group không chỉ đầu tư các dự án một cách bài bản, "nói thật, làm thật" đúng với tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, mà còn luôn trăn trở tìm hướng đi mới bắt kịp với tốc độ phát triển NLTT của thế giới. Điều đó đã được tập đoàn này cụ thể hóa với ý tưởng xây dựng khu công nghiệp phụ trợ NLTT để phục vụ công nghiệp xanh. Cụ thể, T&T Group đề xuất hợp tác cùng Tập đoàn Ørsted (Đan Mạch) xây dựng Khu công nghiệp phụ trợ NLTT, chuỗi cung ứng các trang thiết bị phục vụ công nghiệp xanh, năng lượng xanh tại khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận với công suất 13,5 triệu tấn/năm. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn sản phẩm, và giai đoạn 2 khoảng 12,0 triệu tấn sản phẩm.
Theo đại diện T&T Group, Khu công nghiệp phụ trợ NLTT sẽ giúp giảm chi phí cho các nhà đầu tư dựa trên nội địa hóa từng hạng mục, trang thiết bị của các dự án NLTT, hướng đến việc Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài; hoàn toàn tự chủ cho sản xuất trong nước. Mục tiêu lâu dài là có thể đáp ứng nhu cầu của khu vực và thế giới, tạo ra chuỗi cung ứng cạnh tranh quốc tế theo hướng phát triển bền vững. Đây cũng chính là mô hình mà các cường quốc NLTT trên thế giới như Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đang vận hành.
Đề xuất xây dựng Khu công nghiệp phụ trợ NLTT của T&T Group cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tỷ lệ giá trị thiết bị sản xuất trong nước trong lĩnh vực NLTT đạt khoảng 30% vào năm 2020; nâng lên đến 60% vào năm 2020; đến năm 2050, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần dành cho xuất khẩu đến các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên thế giới đã làm đứt gãy và tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến việc vận chuyển thiết bị, máy móc, vật tư trong lĩnh vực NLTT từ nước ngoài về Việt Nam gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng xây dựng, lắp đặt do thiếu trang thiết bị.
Bên cạnh đó, theo General Electric, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 20% chi phí của một chiếc tua bin, trong khi đó chi phí của tua bin thường chiếm 33% chi phí của một dự án điện gió. Vì vậy, các tua bin sản xuất nội địa sẽ giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả tài chính của các dự án điện gió. Tại Việt Nam, trong bối cảnh giá điện gió đang khó tăng, việc giảm được giá thành càng có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành điện gió.
Dự án Khu công nghiệp phụ trợ NLTT của T&T Group cho thấy tầm nhìn chiến lược của một DN tiên phong, luôn đi tắt, đón đầu để tạo ra xu hướng phát triển bền vững mới cho đất nước - hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh đi đầu trong chống biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26. Bằng sự chuẩn bị kỹ nguồn lực, chiến lược đầu tư kinh doanh hiệu quả, điều mà T&T Group đang hướng đến không chỉ là tạo ra nguồn điện sạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; mà vươn xa hơn, T&T Group – bằng việc mở ra những "cánh cửa mới", kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm NLTT, sánh vai với các quốc gia hùng cường về NLTT hiện nay.
Thu HằngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.