TTCK bước vào giai đoạn "nghỉ ngơi" sau chuỗi tăng mạnh

Chứng khoán
08:33 AM 21/05/2025

Sau chuỗi tăng kéo dài, TTCK đang ghi nhận hàng loạt tín hiệu cho thấy đà tăng ngắn hạn có thể suy yếu và bước vào giai đoạn "nghỉ ngơi".

Sau 4 phiên tăng liên tiếp và đạt vùng đỉnh ngắn hạn quanh 1.315 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhịp điều chỉnh rõ nét trong phiên cuối tuần ngày 16/5, với chỉ số VN-Index giảm gần 12 điểm và đóng cửa tại 1.301,39 điểm. Diễn biến này mở đầu cho kỳ vọng về một tuần giao dịch (19 - 23/5) với xu hướng điều chỉnh, tích lũy, và phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành.

TTCK bước vào giai đoạn "nghỉ ngơi" sau chuỗi tăng mạnh- Ảnh 1.

Theo đánh giá chung từ nhiều công ty chứng khoán, áp lực chốt lời sau nhịp tăng mạnh đang lan tỏa trên diện rộng, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ. Chỉ số VN-Index được dự báo có khả năng điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.250 - 1.280 điểm. Các tín hiệu kỹ thuật như sự xuất hiện của mô hình nến đảo chiều, Stochastic rơi khỏi vùng quá mua, và thanh khoản sụt giảm là những yếu tố củng cố xu hướng này.

Công ty Chứng khoán BSC nhận định, thị trường đang trong pha giảm theo quán tính khi đà tăng đã chững lại trước ngưỡng kháng cự cũ, đồng thời thanh khoản không có sự bứt phá. Trong khi đó, báo cáo từ Chứng khoán Vietcap cho rằng chỉ báo tâm lý đã đi vào vùng lạc quan quá mức, khiến dư địa tăng ngắn hạn bị thu hẹp và rủi ro điều chỉnh tăng cao.

Chứng khoán SSI cũng đồng quan điểm khi cho rằng VN-Index đang bị cản tại vùng 1.320 điểm, trong khi dòng tiền chưa đủ mạnh để bứt phá. Kịch bản thị trường cần thêm thời gian để tích lũy quanh vùng 1.280 - 1.300 điểm đang được đánh giá là khả thi.

Dù thị trường đang bước vào giai đoạn “nghỉ ngơi” sau chuỗi tăng mạnh, việc theo dõi chặt chẽ dòng tiền và biến động kỹ thuật sẽ giúp nhà đầu tư chủ động điều chỉnh chiến lược. Giai đoạn này không nên hành động vội vã, mà là thời điểm của sự bình tĩnh, linh hoạt và chọn lọc cơ hội đầu tư một cách thận trọng.

Ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Agribank (Agriseco) khuyến nghị, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng trong năm 2025. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, lựa chọn các mã có tín hiệu kỹ thuật tích cực và đang thu hút dòng tiền sẽ phù hợp, nhưng cần đặc biệt lưu ý các vùng kháng cự gần để tránh rủi ro đảo chiều.

Các nhóm ngành đáng chú ý trong tuần này bao gồm Ngân hàng, Tiện ích, Đầu tư công và Tiêu dùng, vốn đang được hưởng lợi từ chính sách tài khóa và đầu tư công. Tuy nhiên, các nhóm ngành này cũng đang có sự phân hóa rõ rệt, đòi hỏi nhà đầu tư phải chọn lọc kỹ.

Tương tự, các chuyên gia Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, ưu tiên hàng đầu là quản lý rủi ro, đặc biệt cần cân nhắc chốt lời từng phần ở những mã đã tăng nóng trong các nhịp hưng phấn. Đồng thời, nhà đầu tư nên chờ thị trường kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.270-1.280 điểm trước khi ra quyết định giải ngân mới.

Khuyến nghị đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, Chứng khoán An Bình (ABS) nhận xét, giai đoạn điều chỉnh (nếu xảy ra) chính là cơ hội phân bổ vốn chiến lược. Việc mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt ở vùng giá hấp dẫn không chỉ giúp tối ưu hóa lợi nhuận mà còn hạn chế rủi ro trong bối cảnh thị trường chưa ổn định hoàn toàn.

Dự báo các nhóm ngành tiềm năng, ABS tiếp tục duy trì quan điểm tích cực với một số ngành đang có nền tảng cơ bản tốt và hưởng lợi từ xu hướng hồi phục của nền kinh tế. Trong đó, ngành Xuất khẩu: Dệt may, Thủy sản… được kỳ vọng hưởng lợi từ sự hồi phục của các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và EU. Ngân hàng và Chứng khoán sẽ tích cực nhờ dòng tiền luân chuyển nội thị trường, thanh khoản cải thiện sẽ là điểm tựa cho nhóm này. Trong khi đó, diễn biến giá năng lượng toàn cầu và đầu tư công trong hạ tầng năng lượng tiếp tục hỗ trợ tích cực cho nhóm ngành Phân phối khí LNG và Dầu khí.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Đề xuất cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt Đề xuất cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hiện thẩm quyền cho vay đặc biệt 0% một năm, không có tài sản đảm bảo là của Thủ tướng. Nhưng ở lần sửa luật này cơ quan quản lý đề xuất phân quyền quyết việc này cho Ngân hàng Nhà nước.