TTCK Việt Nam có hơn 7,7 triệu tài khoản
TTCK Việt Nam đã có thêm 110.761 tài khoản mới trong tháng 4/2024, nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên hơn 7,7 triệu.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 110.761 tài khoản trong tháng 4/2024, ít hơn gần 53.000 tài khoản so với tháng 3 trước đó. Đây là số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm thấp nhất kể từ đầu năm 2024.
Trong số 110.761 tài khoản, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 4 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 110.622 tài khoản; còn nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 139 tài khoản.
Tính chung 4 tháng đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn nửa triệu tài khoản.
Với việc tăng thêm 110.761 tài khoản trong tháng 4, đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng khoảng 7,7 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,7% dân số cả nước.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Theo VSD, số lượng tài khoản chứng khoán tăng chậm lại trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động mạnh từ các thông tin tiêu cực từ bên ngoài như căng thẳng địa chính trị, tình hình kinh tế Mỹ, biến động tỷ giá hay sự "trễ hẹn" hệ thống KRX.
Sau đà hưng phấn của thị trường từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2024, VN-Index chịu áp lực bán mạnh trong tháng 4; chỉ số giảm gần 75 điểm, “bốc hơi” gần 20 tỷ USD. Hàng loạt cổ phiếu theo đó giảm từ 15-20% thị giá khiến không ít nhà đầu tư F0 lo lắng. Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều chứng sĩ cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng “margin call” (bán giải chấp) sau nhịp giảm mạnh của thị trường.
Mặc dù vậy, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030; Tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.
Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế. Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.