Từ 1/9, người mua nhà được vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác

Chính sách
10:00 AM 26/07/2023

Từ 1/9, việc cho vay để trả trước hạn khoản vay cũ tại ngân hàng khác không còn bị giới hạn trong phạm vi "phục vụ kinh doanh" mà cho phép cả với khách có dư nợ mua nhà, xe.

Đó là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 06 do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay, với nhiều điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Thông tư 06 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.

Điều 8 tại Thông tư 39/2016 quy định, việc vay vốn để trả khoản vay tại tổ chức tín dụng khác sẽ không được phép thực hiện, trừ trường hợp là vay trả nợ trước hạn khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh, có thời hạn vay ngắn hơn thời hạn vay còn lại của nợ cũ và chưa thực hiện cơ cấu; không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Từ 1/9, người mua nhà được vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác - Ảnh 1.

Khách hàng được vay mua nhà trả nợ trước hạn cho ngân hàng khác.

Tuy nhiên, từ 1/9/2023, theo nội dung Thông tư 06 mới ban hành, giới hạn "phục vụ hoạt động kinh doanh" đã không còn được đề cập tới, hai điều kiện còn lại về thời hạn và chưa thực hiện cơ cấu được giữ nguyên.

Theo đó, các nhà băng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh, như các khoản nợ vay mua nhà, mua ô tô.

Như vậy, với quy định mới, khách hàng có thể chuyển khoản vay mua nhà từ ngân hàng này sang ngân hàng khác (có lãi suất thấp, nhiều ưu đãi) một cách dễ dàng và có lợi hơn. Khách hàng cũng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.

Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng,...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.

Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để Tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Trước các ý kiến lo ngại về Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9 tới đây, sẽ có thể gây khó trong việc cho vay với một số đối tượng khách hàng, Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, Thông tư này không siết điều kiện cho vay đối với khách hàng, mà đã tháo gỡ rất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn