Từ ATK – Định Hoá đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Địa phương
10:24 AM 18/04/2024

Những ngày này toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước đang hướng về căn cứ địa Điện Biên Phủ, nơi cách đây tròn 70 năm vào ngày 07/5/1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã chấm dứt sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nhà thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De

Tại Chiến khu ATK Định Hoá, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã có những quyết sách mang tầm vóc thời đại, quyết định đến vận mệnh của dân tộc. Chính vì vậy là ATK Định Hoá được xem như là nơi khởi nguồn cho những thắng lợi trên các mặt trận kết thúc là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Hà Nội và cả nước đã đứng lên chiến đấu với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của dân tộc, đầu năm 1947 theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ… đã nhanh chóng chuyển từ Thủ đô Hà Nội về chiến khu Việt Bắc ATK. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại chống thực dân Pháp (1946-1954) các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai của Thái Nguyên đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính Phủ chọn làm An Toàn Khu (ATK), đại bản doanh đóng tại huyện Định Hoá, bởi nơi đây đáp ứng được đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" tức "Tiến có thể đánh, lui có thể giữ". Ngày 20/05/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tám chiến sỹ bảo vệ, giúp việc đến đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá đặt "Phủ Chủ tịch" đầu tiên giữa núi rừng Việt Bắc, khởi đầu cho một chặng đường Trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Như vậy từ mùa xuân năm 1947, huyện Định Hóa đã trở thành An toàn khu (ATK) tuyệt mật của Trung ương Đảng.

Định Hóa là một huyện miền núi, cách thành phố Thái Nguyên 50km về phía Bắc. Thời kỳ vận động cách mạng tháng 8 (1939-1945) Định Hóa là một trong 3 căn cứ cách mạng nổi tiếng của cả nước (sau Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai), là một trong hai huyện giành chính quyền sớm nhất của tỉnh Thái Nguyên (26/03/1945). Sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa một lòng theo Đảng, gắn bó với cách mạng, đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi". Việc chọn ATK Định Hóa và các vùng tiếp giáp trở thành "Thủ đô kháng chiến" đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ. Ngay từ cuối năm 1940, khi còn hoạt động ở Tĩnh Tây (Trung Quốc) Bác nói:"Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn lao cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi", nhưng đồng thời Người nhấn mạnh "từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ".

Tại ATK Định Hóa đã diễn ra nhiều quyết sách quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc. Cũng chính từ nơi đây nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước được ra đời: Đó là ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp" nêu lên phương hướng và những hành động cụ thể cho quân và dân Việt Bắc. Vào tháng 10/1947, tại xã Điềm Mặc thuộc ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z đã viết và sửa chữa tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", những nội dung của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Từ ATK – Định Hoá đến chiến thắng Điện Biên Phủ.- Ảnh 1.

Đoàn công tác tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị cùng nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên chụp ảnh lưu niệm tại ATK - Định Hoá

Từ ATK Định Hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã họp bàn quyết định mở các chiến dịch: Trung Du (1950-1951), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) quyết sách quan trọng, tại nơi đây đã ra đời nhiều cơ quan Trung ương, Quân đội, Bộ, Ngành và các đoàn thể như: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Làng Luông, Bộ Tổng Tham mưu. Tổng Cục Chính Trị, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Bộ Việt Minh… là nơi diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao của Đảng và và Nhà nước ta thời kỳ đó: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhiều đoàn khách cấp cao của nước ngoài như: Hoàng Thân Xuphanuvông (Lào), đồng chí Lê ô Phige - thành viên Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, Nghị sĩ quốc hội Pháp; các chuyên gia quân sự Trung Quốc; các nhà Báo, nhà làm phim, đạo diễn Liên Xô Roman Cacmen… Đặc biệt ngày 06/12/1953, tại đồi Tỉn Keo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Bộ Chính trị hạ quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lòng chảo Điện Biên Phủ được xem như là điểm hẹn lịch sử của cuộc đấu trí giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Nava. Thực dân Pháp đã xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm, nếu giữ được Điện Biên Phủ coi như thực dân Pháp đã định đoạt được thế trận, có thể nói tướng Nava đã chơi nước cờ cuối cùng trên bàn cờ quân sự của cuộc chiến. Tuy nhiên pháo đài bất khả xâm phạm của tướng Nava đã sụp đổ hoàn toàn sau 56 ngày đêm chiến đấu " khoét núi đào hầm, mưa dầm cơm vắt" của bộ đội cụ Hồ, cả thế giới đã biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một bậc thầy về chiến tranh du kích. Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ là một mốc son chói lọi, khát vọng hoà bình, độc lập, tự chủ của dân tộc ta đã chở thành hiện thực đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:  "Chín năm làm một Điện Biên

 Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng ..."

Quang Hưng
Ý kiến của bạn
Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách

Trong ngày hôm nay (1/5), ngày cuối của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, theo thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hai sân bay lớn nhất cả nước dự kiến đón khoảng hơn 200.000 lượt hành khách thông qua cảng.