Từ Đại hội VI, kỳ vọng sự đổi mới đột phá ở Đại hội XIII

Cộng tác viên
08:00 AM 28/07/2020

Đổi mới là một quá trình cách mạng. Quá trình đó đã diễn ra trên đất nước ta từ năm 1986 và vẫn đến bây giờ nó tiếp diễn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986.

Đại hội của đổi mới…

Công cuộc đổi mới được khởi động trong một tình thế đất nước gặp khó khăn gay gắt: Chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng, trì trệ, rồi sụp đổ có tính dây chuyền, tác động trực tiếp đến nguy cơ bất ổn chính trị nước ta; Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá cách mạng Việt Nam với mức độ bao vây, cô lập, cấm vận càng gia tăng hòng tạo thêm một tác nhân gây bất ổn chính trị; Khủng hoảng kinh tế-xã hội lên đến đỉnh điểm, tác động trực tiếp đến niềm tin của nhân dân về công cuộc đổi mới, về năng lực và hiệu quả lãnh đạo-quản lý của hệ thống chính trị.

Khách quan mà nói, chúng ta đã có nhiều sai lầm “trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế”. Đại hội VI đã thẳng thắn nhìn nhân: “Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”, đặc biệt là bệnh chủ quan duy ý chí, lạc hậu về nhận thức lý luận”.

Nhận thức được thực tiễn, Đại hội VI nêu lên những bài học quan trọng. Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật khách quan là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

34 năm trôi qua, nhưng đến nay nhiều người vẫn còn giữ những tờ tem phiếu, sổ gạo ngả màu ố vàng như để nhắc về quãng thời gian mà người ta quen gọi là “thời bao cấp”. Thời kỳ đó, người ta thèm cả bát cơm trắng và đủ thứ: chiếc bút trơn tru, tờ giấy trắng, chiếc lốp xe chưa vá, chiếc xích xe còn mới...

Nhắc lại như vậy là để khẳng định: Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng khách quan, Đảng ta đã có quyết định mang tính cách mạng, đột phá về thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện, sâu sắc, coi đó là “mệnh lệnh của cuộc sống”.

… mở ra giai đoạn mới của phát triển đất nước

Từ yêu cầu của thực tiễn, Đại hội VI đưa ra nhiều đường lối đổi mới, được xem như bước ngoặt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Vậy tính bước ngoạt, mở đường đó là gì?

Khi đề ra đường lối đổi mới, Đảng bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, mà “trước hết là tư duy kinh tế”. Kinh tế được điều tiết theo chuyển động thị trường - vấn đề tưởng như là nguyên lý nhưng đặt vào bối cảnh khởi động đổi mới năm 1986 khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, mới thấy hết giá trị mang tính mở đường, tính mới mẻ và hiện đại của những chủ trương chưa từng có trong tư duy của những người cộng sản.

Đại hội VI đã đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công - nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện). Tiếp theo là thực hiện ba chương trình kinh tế bao gồm chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu. Thứ ba là xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.

Đưa ra quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 nguyên tắc: Một là, nhất thiết phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp; Hai là, phải xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ; Ba là, trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.

Đáng chú ý, để đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng, Đảng cần đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác mang tính khoa học và cách mạng.

Đại hội chủ trương thực hiện đổi mới về công tác tổ chức và công tác cán bộ. Đại hội VI khẳng định: “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”.

Trên tinh thần đó, đã có một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước theo hướng bảo đảm gọn nhẹ, có chất lượng cao, với một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và có năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Bên cạnh đó, Đại hội xác định phải tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, dùng sức mạnh của pháp chế kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống những hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức và biện pháp để xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật trong cán bộ, nhân dân…v..v.

Đây chính là những bước ngoặt lớn trong tư duy lãnh đạo, quản lý. Nó mở đường cho sự nghiệp đổi mới đất nước tiến lên, đồng thời tạo lập cơ sở quan trọng để giữ vững ổn định chính trị ở nước ta về sau. Thế nên, sẽ không quá khi nói chính những đổi mới từ Đại hội VI đã góp phần khơi dậy sức mạnh toàn dân, giải phóng sức lao động và đưa đến những thành công như hôm nay.

Và trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 này, nhân dân cũng kỳ vọng Đại hội XIII sẽ có những đổi mới mang tính mới mẻ, bước ngoặt để đưa đất nước “cất cánh”.

Thanh Bình
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.