Tự hào thành tựu sân khấu Thủ đô 50 năm đồng hành cùng đất nước

Địa phương
08:24 AM 26/04/2025

Sáng 25/4, tại Trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (19C Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức Hội thảo "Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô" với sự góp mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu, lý luận, tác giả kịch bản sân khấu, các đạo diễn, nhà phê bình…

Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội - khẳng định: Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho sân khấu Cách mạng Việt Nam một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng.

Lịch sử sang trang, sân khấu cả nước vào cuộc nhanh, trong đó có sân khấu Hà Nội. Kịch của Nguyễn Đình Thi như sự khơi mào cho quá trình này đã diễn ra từ hàng chục năm trước nhưng do nhiều điều kiện lịch sử, xã hội đến lúc này mới được khơi thông, ào ạt nhập thế với những Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Thanh Hương, Nguyễn Khắc Phục, Doãn Hoàng Giang, Xuân Đức, Chu Thơm, Võ Khắc Nghiêm…

Tự hào thành tựu sân khấu Thủ đô 50 năm đồng hành cùng đất nước- Ảnh 1.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Họ không chỉ làm nhiệm vụ đổi mới sân khấu, đổi mới góc nhìn về cuộc sống, phương thức thể hiện mà còn góp phần thức tỉnh ý thức xã hội, tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc đổi mới tư duy, chấm dứt quán tính nhận thức cuộc sống đơn giản, xuôi chiều của một thời. Vấn đề hiện thực, con người được soi chiếu từ nhiều góc nhìn hơn, đa diện nên cũng sinh động hơn. Vấn đề thế sự, số phận cá nhân hòa nhập với vấn đề lịch sử, cảm hứng phân tích, suy ngẫm, phê phán về những vấn đề của đời sống cả lịch sử và đương đại đậm nét và gần với cuộc đời hơn.

Bước chuyển quan trọng này của sân khấu vừa như nhân tố tác động quá trình đổi mới diễn ra như nó phải có quyết liệt hơn, đồng thời sự vận động của quá trình đổi mới cũng lại đem lại cho đời sống sân khấu nhiều chất liệu mới, thúc đẩy sân khấu phát triển. Sự cộng hưởng của quá trình này diễn ra thật hiệu quả và chúng ta lại phải công nhận một thực tế khác: sân khấu không bao giờ có thể thoát ly khỏi những vấn đề của đời sống dân tộc nhưng cũng không bao giờ cho phép mình đi sau, ăn theo mà phải đồng hành với đời sống.

Hiện nay, với sự chỉ đạo và quan tâm sâu sát của Thành ủy và UBND Thành phố, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Sân khấu Hà Nội đã đạt được những thành tựu trong các hoạt động tổ chức và đầu tư sáng tác suốt nửa thế kỷ qua, tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình nghệ thuật, phục vụ độc giả và công chúng Thủ đô. 

Trong số hội viên của Hội, tới nay đã có 02 hội viên được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 24 hội viên được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, nhiều hội viên được Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương, giải thưởng VHNT Thủ đô và nhiều hội viên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú,…

"Có thể thấy rằng, những dấu mốc của hành trình 50 năm qua cho thấy sân khấu Hà Nội đã có một lịch sử không thiếu vinh quang, rất nhiều thành tựu nhưng cũng nhận thấy giới nghệ sĩ nói chung, sân khấu Hà Nội nói riêng vẫn còn cần phải giải quyết rất nhiều những vấn đề của chính mình trong quá trình phát triển", NSND Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ.

Tham luận tại Hội thảo, NSND Nguyễn Trung Hiếu cho hay: Sân khấu nói chung và kịch nói nói riêng suốt chiều dài phát triển, đã luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của công chúng. Không chỉ đơn thuần là một loại hình giải trí, kịch nói còn là nơi phản ánh sâu sắc tâm hồn của dân tộc, đạo lý sống, và những vấn đề nóng bỏng của xã hội qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Trải qua hơn 100 năm, sân khấu kịch nói Việt Nam đã có bao lớp thế hệ nghệ sĩ tài năng tận hiến tạo nên nền nghệ thuật sân khấu kịch nói tiên tiến và đậm bản sắc của dân tộc. Phải kể đến những nhà viết kịch tên tuổi như Lộng Chương, Tất Đạt, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Anh Biên, Xuân Đức.... hay những đạo diễn Dương Ngọc Đức, Trần Hoạt, Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang, Xuân Huyền, Doãn Hoàng Giang… Họ là những cây đại thụ của sân khấu Việt Nam trong suốt 50 năm qua.

NSND Nguyễn Trung Hiếu đánh giá: Sân khấu kịch nói hiện đang đứng trước những thách thức mới: một bên là những giá trị truyền thống đáng tự hào, bên kia là sự chuyển mình cần thiết để tồn tại và phát triển. Chúng ta không thể quay lưng với thời đại, nhưng cũng không thể từ bỏ những giá trị căn bản đã làm nên bản sắc của sân khấu. Vì vậy, sự đồng lòng của nghệ sĩ, nhà quản lý, các cơ sở đào tạo và cả công chúng chính là chìa khóa để khơi lại tình yêu với sân khấu, để kịch nói tiếp tục sống, tiếp tục truyền cảm hứng về cái đẹp, giáo dục định hướng cho con người đến với những giá trị cốt lõi của Chân - Thiện - Mỹ.

Tự hào thành tựu sân khấu Thủ đô 50 năm đồng hành cùng đất nước- Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Vân Kim chia sẻ: Năm 2025, khúc khải hoàn 50 năm giải phóng Sài Gòn, giang sơn thu về một mối, cũng là 50 năm sân khấu Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đóng góp đáng kể vào công cuộc đổi mới và dựng xây đất nước. 

Với phương châm "đến hiện đại từ truyền thống", phát huy những thành tựu đã đạt được, sân khấu Thủ đô vừa duy trì vừa hướng đến sự phát triển bền vững, giới thiệu với công chúng không chỉ trong nước mà còn bạn bè quốc tế qua những vở diễn thuộc các thể loại: Chèo, tuồng, múa rối, kịch. Sân khấu thủ đô luôn không ngừng đổi mới, giao thoa về thể tài, nội dung, hình thức, phong cách sáng tác, lớp diễn viên, sử dụng công nghệ hiện đại,… tiếp tục khơi nguồn và vun đắp những giá trị tư tưởng nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và những giá trị văn hóa lâu đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong việc thưởng thức nghệ thuật của công chúng Thủ đô hiện nay.

Tự hào với thành tựu của sân khấu Thủ đô 50 năm qua không chỉ là đông đảo, hùng hậu của lực lượng sáng tác, đồ sộ của số lượng tác phẩm, tên tuổi, của các nghệ sĩ, của số buổi công diễn mà còn ở tình yêu sân khấu của nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế. 

Sân khấu đã đem đến diện mạo mới cho đời sống văn hóa, khẳng định tinh thần dân chủ, nhân văn, góp phần quảng bá văn hóa, con người Việt Nam thời kì hội nhập, cũng là dịp để văn hóa nghệ thuật đến với khán giả yêu sân khấu, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước trong mỗi người dân thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.

Đến với sân khấu là để ôn cố tri tân, không chỉ "cho hôm nay" mà còn "cho ngày mai, cho muôn đời sau" và không ngừng thắp lên khát vọng vươn tới tương lai sáng tươi của một dân tộc bất khuất, anh hùng.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn