Ở ca phẫu thuật Việt - Đức 1988 và “kỳ tích” Song Nhi 2020, luôn có sự hiện diện Giáo sư Trần Đông A – vị bác sĩ tâm huyết với mục tiêu cứu lấy những đứa trẻ bất hạnh.
hông phải ai cũng có được hạnh phúc là cứu được những cháu bé thập tử nhất sinh" – đó có lẽ tâm niệm được đúc kết sau hàng chục năm làm nghề của Giáo sư Trần Đông A, một trong những phẫu thuật viên giỏi nhất ngành y tế Việt Nam. Câu nói ấy càng ý nghĩa đặc biệt hơn khi diễn ra ngay sau thời khắc cặp song sinh "Song Nhi" được tách dính thành công.
32 năm trước, ông là người ghi dấu lịch sử khi tách thành công cặp song sinh Việt - Đức bị dính liền vùng bụng chậu. 32 năm sau, sự hiện diện của ông đã tiếp thêm sức mạnh về chuyên môn cho ca phẫu thuật đầy tính nhân văn trong hành trình tìm lại hình hài bình thường cho hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi.
Phải mất chút thời gian sau ca mổ kỳ tích ấy, phóng viên VTV mới có thể thuyết phục được Giáo sư Trần Đông A ghi hình phỏng vấn tại phòng làm việc của mình. Dường như vị Giáo sư 79 tuổi này là người lúc nào cũng làm việc một cách âm thầm, lặng lẽ. Và khi những lúc cần, ông luôn sẵn sàng có mặt để mang đến những điều tốt nhất cho trẻ em...
ãy cùng ngược dòng lịch sử về những năm 80 - thời kỳ khó khăn của đất nước vì bị cấm vận, thiếu thốn đủ thứ cho một ca phẫu thuật phức tạp, từ chỉ khâu, thuốc kháng sinh đến thuốc sát trùng. Ấy vậy mà Giáo sư Trần Đông A và các đồng nghiệp vẫn quyết tâm thực hiện ca mổ chưa từng có của y học Việt Nam cũng như thế giới để tách dính cặp song sinh Việt – Đức.
Năm 1981, anh em Việt - Đức chào đời ở Kon Tum trong hoàn cảnh dính ở phần bụng, có cùng bộ phận sinh dục, hậu môn và cân nặng chỉ 2,2 kg. Cả hai chỉ có 3 chân và bị chéo. Họ là cặp song sinh dính liền đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam do bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam.
Năm 1986, Việt bị hội chứng não cấp. Những lần lên cơn co giật, Việt kéo lê người em 5 tuổi bị dính liền cơ thể với mình. Không lâu sau đó, Việt rơi vào hôn mê, có thể đột tử bất cứ lúc nào.
Giáo sư Trần Đông A kể về giai đoạn khó khăn: "Nhớ lại năm 1988, điện để sử dụng còn rất yếu và ta không có phương tiện gì để chẩn đoán như ca dính nhau Việt – Đức. Nhà nước đã kêu gọi thế giới giúp đỡ cứu cháu Việt vì nếu cháu Việt chết, cháu Đức sẽ chết theo… May mắn là Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã quyết định giúp chúng ta. Họ gửi chuyên cơ bay thẳng từ phi trường Narita, Tokyo đến TP.HCM. Chính phủ Việt Nam cũng làm điều chưa có tiền lệ là bỏ các ràng buộc về an ninh, quốc phòng để máy bay Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi đưa các bác sĩ, trang thiết bị của Nhật đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để cấp cứu cho Việt đang hấp hối".
Sau đó, Việt và Đức được sang Nhật điều trị. Tuy nhiên, bộ não của Việt dần không còn hoạt động và phải sống đời thực vật. Khi ấy, trong y học thế giới, chưa có ca phẫu thuật cho bệnh nhân bại não nào kéo dài suốt 18 tiếng. Các bác sĩ Nhật cũng không đảm bảo rằng, Việt sẽ không chết trên bàn mổ nên hai em lại được chuyển về Việt Nam.
Trước nguy cơ Đức sẽ chết nếu chẳng may Việt qua đời, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) lên kế hoạch, quyết định tách rời cặp song sinh dính liền nhau.
Giáo sư Trần Đông A được giao trọng trách trưởng kíp mổ và ông đã dành 1 tháng để tìm kiếm những cộng sự giỏi nhất.
Ngày 4/10/1988, ca phẫu thuật tách rời 2 bé trai diễn ra dưới sự tham gia của 70 y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của cả Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Thế nhưng ca mổ ấy không suôn sẻ từ bước ban đầu…
"Vừa mới tiền mê cho cháu Đức thì cháu Việt kinh giật, tim đập đến 200 lần/phút. Chưa ai dám mổ mười mấy tiếng cho người bị bại não khi đó. Nếu không kiểm soát được, tôi phải lập tức mở bụng, cặp tất cả các mạch máu thông nhau giữa hai cháu để cứu lấy cháu Đức" - Giáo sư Trần Đông A nhớ lại.
Rất may điều xấu nhất đã không xảy ra. Khó khăn tiếp tục đến ở phần tách xương. Lúc này, Việt – Đức đã 8 tuổi, xương đã cứng, sụn dính chặt vào xương chậu và xương cụt nên việc đục xương là một thách thức rất lớn với kíp mổ.
Bước tiếp theo, trưởng kíp mổ phải khâu 400 mũi chỉ và thực hiện tỉ mỉ việc kéo chân của Đức lẫn hậu môn, bộ phận sinh dục thẳng.
Sau 15 giờ căng thẳng, mũi chỉ khâu cuối cùng được thực hiện, hai cơ thể đã được tách rời thành công – đúng với thời gian dự kiến của Giáo sư Trần Đông A mà báo chí quốc tế sau đó gọi là "sự chính xác siêu đẳng". Đây vừa là ca mổ tách cặp song sinh bị dính liền đầu tiên tại Việt Nam, vừa là sự kiện quan trọng, ghi dấu ấn đậm nét dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, được báo chí quốc tế ca ngợi hết lời.
Ca phẫu thuật Việt Đức đã đi vào kỷ lục Guiness thế giới khi ca mổ đầu tiên trên thế giới mà bệnh nhân là cặp song sinh, trong đó có một bé bị bại não.
"Mục đích cao cả nhất, đạt tới đỉnh cao của ngành y là khi trả một con người bị những dị tật, bệnh tật nặng về với đời thường. Trong ca Việt - Đức, thế giới đánh giá cao và kính trọng khi chúng ta đã đưa họ trở về với cuộc sống bình thường… Đó là điều hạnh phúc mà tôi không bao giờ quên. Điều đó nhờ công không phải riêng tôi mà của cả một tập thể trong một điều kiện cực kỳ khó khăn" - Giáo sư Trần Đông A bồi hồi nhớ lại.
[VIDEO] Cuộc sống của anh Đức hiện tại được "vẽ lại" nhờ các bác sĩ sau ca mổ 32 năm trước
Giới chuyên môn có chung nhận định, ca mổ Việt - Đức đã tạo sức bật cho ngành ngoại nhi Việt Nam phát triển. Trong 40 năm qua, nhiều công trình nghiên cứu của Giáo sư Trần Đông A trong lĩnh vực này đã được quốc tế ghi nhận. Không ít ca ghép tạng thành công có bóng dáng tham gia của Giáo sư.
Và cho đến ngày hôm nay, ca mổ tách dính phức tạp cho cặp chị em Song Nhi đánh dấu bước phát triển mới của ngành ngoại nhi cả nước. Đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Sau hàng tá lần hội chẩn và lên kế hoạch kỹ lưỡng, các bác sĩ tính toán xác suất ca phẫu thuật thành công là 74% trong khi tỷ lệ Trúc Nhi - Diệu Nhi có thể tử vong là 15%.
Lúc này, chính các đàn em, học trò của Giáo sư Trần Đông A, như TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố là những người cầm dao mổ còn ông đóng vai trò cố vấn chuyên môn.
5h50 ngày 15/7, ê-kíp 100 nhân viên, toàn bộ là người Việt Nam bao gồm hơn 60 y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cùng gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước bắt đầu tiến hành những bước đầu tiên cho ca phẫu thuật.
Có mặt xuyên suốt từ khi hội chẩn và những khoảnh khắc căng thẳng nhất, giáo sư Trần Đông A lặng lẽ quan sát các thế hệ đàn em và học trò mình phẫu thuật ca song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi.
Có lẽ giai đoạn mà giáo sư hồi hộp nhất là thời điểm gây mê bởi đây là bước quan trọng phòng biến cố khi hai bé có sự thông mạch máu rất giống ca phẫu thuật 32 năm trước: gây mê bé này thì bé kia có phản ứng. May mắn là mọi chuyện diễn ra tốt đẹp thì Giáo sư Trần Đông A mới yên tâm phần nào.
Ông cũng nhấn mạnh, đây là một sự kiện với sự tiến bộ vượt bậc của ngành y tế Việt Nam về mọi mặt, đặc biệt là trang thiết bị y tế.
Giáo sư cũng chia sẻ những niềm vui khác trong ca phẫu thuật lần này: "Trước đây, đích thân tôi là trưởng kíp mổ kiêm phẫu thuật viên chính thì bây giờ các "đệ tử" của tôi rất vững vàng. Phần lớn thành viên kíp mổ đều là đàn em, học trò của tôi. Đó là một điều hạnh phúc không phải ai cũng cố được và tôi đủ sức khỏe để làm cố vấn từ sáng đến giờ cũng không thấy mỏi mệt. Một phần vì tôi rất hào hứng tham gia vào những ca mổ để cứu lấy các cháu bé. Không phải ai có được hạnh phúc là cứu được những cháu bé thập tử nhất sinh. Không phải phẫu thuật viên nào có được hạnh phúc như thế".
Giờ đây, khi nhìn lại hành trình 40 năm gắn bó với ngành ngoại nhi, Giáo sư Trần Đông A đúc kết rằng: Làm nghề cứu các em bé thì phải có sức khoẻ.
Chia sẻ về bí quyết giữ sức khỏe và sự minh mẫn ở tuổi gần 80, giáo sư cho biết, khi đi tu nghiệp ở Mỹ, một chuyên gia đầu ngành đã nói: Muốn tiến xa, bác sĩ phẫu thuật phải có ít nhất 2 trò giải trí. Vì vậy, ông lựa chọn âm nhạc và chơi quần vợt – môn thể phù hợp với những người làm việc bằng cả trí óc lẫn chân tay như ca phẫu thuật viên. Giống như khi mổ, khi tập luyện thể thao một cách tập trung sẽ quên đi mệt mỏi về tinh thần. Ngày nay, Giáo sư Trần Đông A cũng rèn luyện bằng cách tự lái xe đi làm.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, giáo sư vẫn còn nhiều điều trăn trở về lĩnh vực của mình.
"Thay đổi chính là định luật của cuộc sống. Y học Việt Nam nói chung và ngoại nhi Việt Nam nói riêng dù đã đạt được những bước tiến rất xa kể từ khi đất nước thống nhất nhưng sự đồng đều so với thế giới thì chúng ta còn kém xa lắm. Ước muốn của tôi là ngành phẫu thuật và ngành ngoại nhi Việt Nam phát triển đồng đều trên khắp cả nước, trẻ em ở đâu cũng được chăm sóc tốt nhất" - giáo sư Trần Đông A nhấn mạnh.
[VIDEO] Giáo sư Trần Đông A: Một đời vì trẻ em Việt Nam
Giáo sư cũng dành lời khuyên cho lớp hậu bối rằng: "Đừng "lợi dụng" trang thiết bị nhiều quá. Cỗ máy sinh học siêu đẳng nhất chính là người bác sĩ thực hành giỏi. bác sĩ giỏi là người luôn luôn theo dõi chính xác bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nhi. Như vậy mới phát hiện được những triệu chứng có thể trở nặng để ngăn ngừa và điều trị kịp thời. Điều này không phải bác sĩ nào cũng thực hiện được".
Kết thúc cuộc phỏng vấn, giáo sư Trần Đông A lập tức trở lại với công việc lặng lẽ của mình. Nhưng chất "lửa" nghề của vị trưởng kíp mổ ca phẫu thuật Việt – Đức lịch sử năm xưa vẫn được truyền lại qua những công trình nghiên cứu với mục tiêu cháy bỏng cứu giúp các em nhỏ "thập tử nhất sinh", sao cho nền y học Việt Nam nói chung và ngoại nhi Việt Nam nói riêng sẽ thực sự đạt đến trình độ của thế giới.