Từ lá thư gửi ra tiền tuyến đến những chiếc xe đạp thồ huyền thoại

Địa phương
05:13 PM 06/05/2024

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu cần đã làm nên một kỳ tích vượt ngoài dự tính của quân đội viễn chinh Pháp đó là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho quân đội và lực lượng vũ trang kháng chiến toàn thắng. Một trong những phương tiện chủ lực góp phần vào thành tích đáng tự hào, đó là đội quân xe đạp thồ.

Trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, thực dân Pháp cho rằng Việt Minh sẽ không thể nào khắc phục được vấn đề tiếp tế hậu cần cho một chiến dịch lớn và xa hậu phương như thế. Theo tính toán của quân địch, lực lượng của Tướng Giáp sẽ không thể có được tiếp viện vũ khí, đạn dược và lương thực một cách an toàn, nhanh chóng. Phải mang hàng ngàn tấn hàng, xuyên hàng trăm km rừng rậm để tiếp viện cho môt lực lượng chiến đấu và khoảng 50.000 người là một thử thách không thể vượt qua…

Từ lá thư gửi ra tiền tuyến đến những chiếc xe đạp thồ huyền thoại- Ảnh 1.

Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc (dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa) đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Quách Du

Đó là một nhận định hoàn toàn có cơ sở bởi Điện Biên Phủ cách rất xa hậu phương của chúng ta. Cung đường trên 500km, địa hình rừng núi bao la hiểm trở, đường vận tải cơ giới hư hỏng và không có đường thủy, mưa nắng thất thường, phương thức vận chuyển thô sơ.

Song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương, Chính phủ, quân và dân ta đã có những cách làm sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ như: xe ngựa, xe đạp thồ… Và trong tất cả các phương tiện vận chuyển, xe đạp thồ đã chứng minh được tính ưu việt của mình. Những chiếc xe đạp thồ tưởng chừng thô sơ, vô hại lại trở thành "Vũ khí đặc biệt" góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Những chiếc xe đạp thồ tuy giản dị nhưng lại là minh chứng sống động cho tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng không có gì lay chuyển được của một dân tộc kiên cường, anh dũng, không bao giờ chịu khuất phục trước kể thù xâm lược.

Câu chuyện được kể sau đây qua lá thư từ hậu phương gửi ra tiền tuyến là một minh chứng sinh động, góp phần vào thắng lợi lịch sử đó.

"Anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội, ăn no đánh thắng, việc nhà đã có em lo". Đó là lá thư gửi chồng, dù nhà vừa bị cháy, vợ ông Khôi vẫn động viên chồng yên tâm công tác, cố gắng vận chuyển lương thực thật nhanh ra chiến trường Điện Biên Phủ để bộ đội ta ăn no chiến đấu.

Tối 5/5, tại TP Điện Biên Phủ, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng", kết nối trực tiếp với 4 điểm cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TPHCM .

Chương trình đặc biệt này đã đưa khán giả đến với những cung bậc cảm xức khó tả, các chiến sĩ Điện Biên như được quay trở lại năm tháng hào hùng với những kí ức không thể nào quên của một thời đạn bom, một thời khói lửa.

Trong chương trình, khán giả được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng " Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm.

Từ lá thư gửi ra tiền tuyến đến những chiếc xe đạp thồ huyền thoại- Ảnh 2.

Cụ Trần Đức Khôi - nguyên Chính trị viên Đại đội dân công xe đạp thồ Điện Biên thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Đáng chú ý, tại điểm cầu Thanh Hóa, nhiều người xem không khỏi xúc động và tự hào trước đoạn trò chuyện trên sóng truyền hình của ông Trần Đức Khôi (98 tuổi) - nguyên Chính trị viên Đại đội dân công xe đạp thồ Điện Biên thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Nhớ lại những năm tháng hào hùng của 70 năm về trước, ông Khôi cho biết, lúc bấy giờ, khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa tuy xa trận địa, nhưng được xác định là hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường.

Sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập một đại đội dân công phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đội này có nhiệm vụ vận tải lương thực thực phẩm để các chiến sĩ ở chiến trường được ăn no, quyết chiến đánh thắng quân địch.

"Lúc bấy giờ, đại đội dân công được thành lập, trong đó có đông đảo nhân dân trong tỉnh đóng góp to lớn để chung tay thành lập đội xe thồ, mọi người dân góp tiền của đi mua xe đạp, thuốc men ra chiến trường", ông Khôi bồi hồi nhớ lại.

Theo ông Khôi, để các thành viên trong đoàn dân công yên tâm làm nhiệm vụ, Đại đội dân công còn quan tâm giúp đỡ gia đình khó khăn, chăm lo cho người thân của những người dân công tham gia vào chiến dịch.

Ông Khôi kể, do ban ngày quân địch liên tục thả bom, bắn phá nên đoàn dân công chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Cứ 15 ngày một lần, tỉnh Thanh Hóa cử đoàn tiếp phẩm gồm các đoàn thể chính trị từ bộ đội đến công an cùng đi theo đoàn để tiếp phẩm cho tiền tuyến.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời, ông Khôi cho biết, thời gian tham gia vào đoàn dân công, ông vừa tròn 28 tuổi. Lúc bấy giờ vợ của ông sinh hạ đứa con thứ 2 được 2 tháng tuổi. Trong một lần cùng đoàn dân công đưa thực phẩm lên Điện Biên, ông vui mừng, phấn khởi khi nhận được lá thư của người vợ gửi lên. 

"Trong thư vợ tôi nhắn căn nhà của gia đình ở quê bị cháy. Một đứa con lớn khoảng 3-4 tuổi chạy thoát ra đường, cô con gái nhỏ (2 tháng tuổi) mới sinh được vợ tôi cuốn vội vào cái chiếu ném qua bờ ruộng để thoát hiểm. Khi chữa cháy xong mọi người đi tìm con, rất may kiến không đốt, vẫn an toàn.

Vợ tôi sợ tôi lo lắng, nên còn không quên căn dặn "Anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội ăn no, đánh nhanh thắng lớn, còn mọi việc ở nhà đã có em lo", ông Khôi hồi ức lại những lời căn dặn, động viên của vợ.

Ông còn cho biết, sau khi nhận được thư với những lời nhắn nhủ của vợ, ông cảm thấy rất yên tâm, phấn khởi, tiếp tục cùng anh em dân công nỗ lực vận chuyển lương thực kịp thời chi viện cho tiền tuyến.

Với tinh thần: Tất cả cho tiền tuyến nên ai cũng hăng say xẻ núi, xẻ rừng, lên dốc, xuống đèo. Dù cho mưa gió, bão bùng, nhưng vẫn không có gì ngăn cản được lực lượng dân công Thanh Hóa tiến về phía trước để đưa lương thực thực phẩm cho bộ đội ta chiến đấu. Trên đường đi, anh em vẫn giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng "Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo", ông Khôi xúc động nói.

(Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công.

Đặc biệt, Thanh Hóa còn huy động hơn 10.000 xe đạp thồ; 1.300 thuyền nan, thuyền ván; 47 xe thồ ngựa, 31 ô tô, 180 xe trâu vận chuyển lương thực tiếp tế cho tiền tuyến).

Trong mưa bom bão đạn của những ngày tháng không thể nào quên ấy, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện rất nhiều tấm gương anh hùng, đó là đồng chí Đới Sỹ Trầu, quên Quảng Xương, liên tục gánh đôi bồ nặng 60 kg , dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch; là những chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc, quê thị xã Thanh Hóa (nay là TP .Thanh Hóa)… với lòng yêu nước nồng nàn đã không chút đắn đo khi quyết định tháo dỡ bàn thờ gia tiên để làm bánh xe cút kít, phục vụ vận chuyển hàng hóa…

Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: "Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết, tham gia kháng chiến. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.