Tu Mơ Rông: Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để du lịch “cất cánh”
Với nhiều giải pháp được triển khai, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã và đang từng bước khai thác được các tiềm năng, lợi thế địa phương. Các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu... bước đầu đã tạo được ấn tượng, thu hút đông đảo khách du lịch thập phương đến tham quan, khám phá.
Nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, huyện miền núi Tu Mơ Rông đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch ở khu vực Tây Nguyên. Với diện tích tự nhiên trên 85.700 ha, trong đó có gần 56 nghìn ha đất lâm nghiệp, cùng dân số khoảng 28.000 người sinh sống tại 11 đơn vị hành chính cấp xã và 86 thôn làng, Tu Mơ Rông sở hữu tiềm năng phát triển du lịch đa dạng từ cảnh quan thiên nhiên đến bản sắc văn hóa độc đáo.

Thiên nhiên ưu đãi cho Tu Mơ Rông không chỉ những thác nước hùng vĩ như: thác Đa tầng (xã Tê Xăng), thác Siu Puông (xã Đăk Na), thác Y Hai (xã Măng Ri)… mà còn có hồ Ba Khen (xã Văn Xuôi), hồ thủy điện Đăk Psi cùng những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Bên cạnh đó, huyện Tu Mơ Rông còn có Làng du lịch cộng đồng Thôn Tu Thó, xã Tê Xăng; Di tích lịch sử cách mạng Khu căn cứ Tỉnh uỷ Kon Tum tại xã Măng Ri, các điểm đã và đang chỉ đạo xây dựng làng du lịch như Làng du lịch cộng đồng Lê Văng, xã Đăk Na, làng Pu Tá (Măng Ri), làng Ba khen - Long Tro (Văn Xuôi) và đặc biệt nhiều vườn sâm trên rừng nguyên sinh được đầu tư, thuận lợi cho du lịch trải nghiệm…

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng, những năm qua, huyện Tu Mơ Rông luôn cố gắng gìn giữ các lễ hội truyền thống, từ nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp cho đến những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Ngoài ra, huyện còn lưu giữ một kho tàng về tri thức văn học nghệ thuật dân gian như hát kể sử thi, điệu múa xoang, nhịp cồng chiêng uyển chuyển mê hoặc lòng người…

Xác định phát triển du lịch là hướng đi vừa bảo tồn, gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh cảnh quan đẹp vừa góp phần thay đổi diện mạo ở từng thôn làng, nâng cao đời sống người dân, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn.
Trong năm 2024, huyện đã bố trí kinh phí và kêu gọi đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để đầu tư cho du lịch cụ thể như: Kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp gần 20 tỷ đồng cho hạ tầng dịch vụ du lịch; hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách (CTMTQG; 4,9 tỷ đầu tư bảo tồn, xây dựng làng du lịch tại Pu tá; hơn 5 tỷ đầu tư đường lên Thác Siu Puông, ngoài ra đầu tư nhà rông, cây xanh tại Tu Thó; hỗ trợ xây nhà và hạ tầng tại Lê Văng, Ba Khen)…
Năm 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc quảng bá du lịch của huyện khi tổ chức thành công Hội thi ẩm thực Quốc tế với chủ đề "Ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh".
Sự kiện không chỉ thu hút hơn 2.200 lượt du khách tham quan, mà còn quy tụ 100 đầu bếp chuyên nghiệp đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Lào... Đặc biệt, 120 món ăn được chế biến từ đẳng sâm đã được xác lập kỷ lục Việt Nam, tạo tiếng vang lớn.

Trong năm huyện còn phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội thảo Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn; duy trì các hoạt động liên hoan Công chiêng xoang trong thanh thiếu nhi; liên hoan cồng chiêng toàn huyện; tổ chức Hội thảo về phát triển du lịch cộng đồng tại huyện trong đó mời các chuyên gia, các đơn vị lữ hành và tổ chức cá nhân có kinh nghiệm tổ chức du lịch để góp ý cho huyện trong xây dựng các hoạt động du lịch.

Một điểm nhấn đặc biệt trong phát triển du lịch của Tu Mơ Rông là Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum đã được quan tâm trùng tu, phục dựng và sửa chữa đảm bảo yếu tố lịch sử, mở ra không gian và đa dạng hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.
Để nâng cao và phát huy thế mạnh du lịch địa phương, Tu Mơ Rông còn tổ chức các đoàn gồm cán bộ, người dân tham quan, học tập một số mô hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tham mưu, tổ chức, phát triển hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn theo phương châm: quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng, gắn với du lịch.
Tuy nhiên, hiện du lịch trên địa bàn huyện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu tính liên kết... Để khắc phục những hạn chế này và hướng đến mục tiêu phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Tu Mơ Rông; thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ sung quy hoạch vùng dược liệu, các tour, điểm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trong hai lĩnh vực đột phá (du lịch và dược liệu).
Đặc biệt, trên con đường phát triển du lịch bền vững, huyện rất mong muốn được các cơ quan đoàn thể hỗ trợ trong đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng giao thông nhất là tuyến đường bộ kết nối liên huyện như Quốc lộ 40B; tỉnh lộ 672, 678, Ngọc Hoàng - Măng Bút. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng huyện để sớm tạo quỹ đất phát triển dịch vụ du lịch...
Phùng Sơn
Chiều ngày 20/2, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu trong nước.