Từ nay đến cuối năm phải cổ phần hóa 30 doanh nghiệp nhà nước
Bộ Tài chính vừa có báo cáo cập nhật tình hình cổ phần hóa, thoái vốn; đồng thời, thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đến quý I/2025.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2023-2025, theo kế hoạch sẽ thực hiện cổ phần hóa 30 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), dự kiến thu về 36.823 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong các năm 2023, 2024 và quý I/2025 chưa thực hiện cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Như vậy, dự kiến theo kế hoạch 9 tháng còn lại năm 2025 phải triển khai cổ phần hóa 30 DNNN, tính ra mỗi tháng phải cổ phần hoá hơn 3 doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, 9 tháng cuối năm phải cổ phần hoá 30 doanh nghiệp. Ảnh: Internet
Thực tế cho thấy, thời gian qua, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN đã được ban hành đầy đủ và đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước. Qua đó, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, công tác này gần như vẫn giậm chân tại chỗ.
Tình trạng chậm cổ phần hóa DNNN đã diễn ra nhiều năm nay. Các chuyên gia cho rằng ngoài tâm lý sợ sai của cán bộ thực hiện, quy định liên quan cổ phần hóa chưa được “luật hóa” cũng khiến cán bộ khó thực hiện. Ngoài ra, cổ phần hoá DNNN vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Trước đó, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 18 Tập đoàn, Tổng công ty từ ngày 1/3/2025 để thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Bộ Tài chính, với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu đã có các văn bản đề nghị 23 Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng không thấp hơn năm 2024 và tăng từ 8% trở lên so với năm 2024, trong đó tối thiểu chỉ tiêu sản lượng doanh thu kế hoạch năm 2025 của Công ty mẹ và hợp nhất đạt mức tăng trưởng không thấp hơn 8%...
Huyền My (t/h)
Đổi mới sáng tạo có thể đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam tạo ra bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế, môi trường và chất lượng cuộc sống.