Từ ngày 2/4, Sở Tài chính TP.HCM điều chỉnh giá bán thịt, trứng gia cầm
Giá bán lẻ thịt gà, trứng gia cầm trong chương trình bình ổn tại TP.HCM được điều chỉnh tăng cao nhất 14% so với năm 2021, ngược lại giá thịt heo và một số mặt hàng thiết yếu khác như sữa, dầu ăn, đồ khô... vẫn giữ mức ổn định.
Ngày 1/4, Sở Tài chính TP.HCM cho biết, đơn vị báo cáo UBND TP.HCM kết quả xét duyệt giá đăng ký của doanh nghiệp (DN) tham gia các chương trình BOTT năm 2022 và Tết Quý Mão 2023. Trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm (LTTP) thiết yếu năm có 34 DN đăng ký tham gia.
Sau khi xem xét các đề xuất tăng giá của doanh nghiệp, Sở Tài chính TP công bố giá điều chỉnh giá trứng và thịt gia cầm. Cụ thể, đối với giá bán thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7 - 14% so với năm 2021. Cụ thể, sau khi tăng, thịt gà ta ở mức 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt 68.000 đồng/kg. Trứng gia cầm tăng 6 - 7% với trứng gà lên 29.500 đồng/chục (giá cũ 28.000 đồng); trứng vịt 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng).
Đối với rau củ quả và thủy hải sản, giá bán tùy vào thời điểm nhưng đảm bảo phải thấp hơn ít nhất từ 5 - 10% so với giá bán thị trường.
Ngược lại, mặt hàng thịt heo vẫn giữ giá bán lẻ như năm 2021 với thịt heo đùi 104.000 đồng/kg, thịt vai 130.000 đồng/kg, thịt cốt lết 125.000 đồng/kg...
Tương tự, nhóm hàng gạo giữ nguyên giá bán so với mức bình ổn năm 2021 với gạo trắng thường 5% tấm là 14.500 đồng/kg (không bao bì) và 15.500 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg), gạo Jasmine 15.500 đồng/kg (không bao bì) và 17.000 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg).
Nhóm đường ăn, muối ăn giữ nguyên giá bán so với mức giá bình ổn năm 2021 với đường RE là 24.500 đồng/kg, đường tinh luyện An Khê là 25.000 đồng/kg và muối ăn i ốt là 4.300 đồng/túi. Mặt hàng dầu ăn cũng giữ giá như trước đó với dầu ăn thực vật Nakydaco là 40.500 đồng/lít, 81.000 đồng/bình 2 lít và 202.500 đồng/can 5 lít, dầu ăn Cooking là 40.300 đồng/lít.
Tương tự, giá bán hầu hết các mặt hàng thiết yếu khác như sữa, đồ khô, văn phòng phẩm... vẫn giữ nguyên như năm 2021.
Theo Sở Tài chính, tiêu chí xét duyệt giá đối với Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM là giá bán các sản phẩm trong chương trình phải đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5-10%.
Trong năm 2022, có rất nhiều yếu tố đầu vào tác động giá cả hàng hóa trên thị trường. Do đó, một số các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường đủ điều kiện điều chỉnh giá. Tuy nhiên để ủng hộ, chia sẻ cùng thành phố, đa số doanh nghiệp tham gia mặt hàng cố gắng giữ giá.
Trong thời gian tới, nếu tình hình giá nguyên liệu đầu vào và giá thị trường tiếp tục tăng cao hơn nữa, sẽ có một hoặc hai mặt hàng đề nghị điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình biến động giá nguyên liệu và đảm bảo hoạt động sản xuất của DN.
“Riêng mặt hàng trứng gia cầm và thịt gia cầm bị ảnh hưởng nhiều bởi giá thức ăn chăn nuôi và các yếu tố đầu vào tăng cao liên tục đã ảnh hưởng đến tình hình DN. Do đó, trên cơ sở đề xuất của DN, Sở thống nhất điều chỉnh 2 mặt hàng này” – Sở Tài chính TPHCM cho hay.
HM (t/h)Năm 2024 ghi dấu ấn là năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.