Từ Nghệ An đến Nakhon Phanom - Kế thừa và kết nối một dòng họ Cách mạng.
Bản Mạy ở vùng Đông bắc, Thái Lan được xem như là một biểu tưởng ý nghĩa của tình hữu nghị Thái Lan – Việt Nam. Điều đặc biệt, trong thời gian ở Thái Lan, Bác Hồ từng sinh sống và hoạt động trong gia đình ông Võ Trọng Đài. Là một chiến sĩ yêu nước dòng họ Vũ – Võ ở làng Phù Xá (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) sang Thái Lan để hoạt động Cách mạng từ những ngày đầu phong trào Đông Du được khởi xướng.
Bản Mạy (thôn Na Chook, xã Non Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom), ở vùng Đông bắc, Thái Lan hiện nay được ví như làng người Việt thu nhỏ. Ý nghĩa hơn khi đây đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Thái Lan. Những năm cuối 1920, Bác Hồ với bí danh Thầu Chín sang Thái Lan hoạt động. Người đã sinh sống và hoạt động trong gia đình ông Võ Trọng Đài – một người quê Hưng Nguyên, Nghệ An đã sang đây xây dựng cơ sở từ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Có dữ liệu ghi lại rằng, Bác Hồ và ông Võ Trọng Đài từng là bạn thuở nhỏ cùng nhau.
Quay về quá khứ lịch sử Đất nước Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Sau khi hoàn thành việc xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã tiến hành các cuộc khai thác thuộc địa với quy mô ngày càng lớn. Tình hình xã hội Nghệ An có sự thay đổi căn bản, từ xã hội phong kiến độc lập chuyển sang chế độ thuộc địa nửa phong kiến phụ thuộc vào thực dân Pháp. Hai giai cấp mới ra đời là công nhân và tư sản, các mâu thuẫn cơ bản trong xã hội diễn ra gay gắt.
Nhiều phong trào đấu tranh cứu nước đã được khởi xướng và phát huy được tinh thần dân tộc nhưng chưa mang lại được kết quả như mong muốn, sớm bị kẻ thù đàn áp dã man. Khi ngọn cờ Cần Vương bị thất bại hoàn toàn. Lịch sử đặt ra yêu cầu là cần phải có một phương thức cứu nước mới, phù hợp để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giải phóng Dân tộc. Phan Bội Châu xuất hiện trong thời khắc đó. Công cuộc Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng đã dấy lên một phong trào xuất dương yêu nước mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử lúc bấy giờ.
Năm 1914, con trai của Tướng quân Võ Trọng Việng là Võ Trọng Đài, cũng chính là người đầu tiên của làng Phù Xá, huyện Hưng Nguyên đã xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động. Tại Thái Lan, Võ Trọng Đài cùng với Đặng Thúc Hứa được Phan Bội Châu giao nhiệm vụ xây dựng Trại Cày, trở thành yếu nhân trong tổ chức Trại Cày Đặng Thúc Hứa.
Có hai việc chủ yếu ở Trại Cày, một là thu nhận, nuôi dạy con em những gia đình có chí hướng giải phóng dân tộc từ trong nước gửi ra, con em gia đình Việt kiều yêu nước Lào, Thái Lan gửi tới để các em biết tiếng Việt, biết lao động làm ăn và rèn giũa tinh thần yêu nước. Từ đó sẽ tiến lên vận động kiều bào tham gia các công việc cứu nước. Hai là làm ruộng có thóc để nuôi anh em và góp vào quỹ để mua súng đạn. Trại Cày được thành lập và hoạt động, tập hợp và đào tạo lực lượng với ý nghĩa "Thập niên sinh tụ, thập niên giáo hối" nghĩa là: "Mười năm tập hợp lực lượng, mười năm giáo dục nhân dân".
Sau khi Võ Trọng Đài xuất dương sang Thái Lan, nhà thờ họ Võ (Chi cụ Tú Lang) ở làng Phú Xá, xã Hưng Xá ( nay là xã Long Xá), huyện Hưng Nguyên trở thành nơi hội họp của những người thanh niên yêu nước có tư tưởng xuất dương, tìm con đường đấu tranh cứu nước. Nhà thờ cụ Tú Lang vị trí thuận lợi, là địa điểm ở riêng biệt khỏi làng, xung quanh cây cối rậm rạp, lại có lối thông ra sông Lam, khi cần có thể thoát sang bờ bên kia an toàn. Ở đây có thể đi bè về hạ lưu hay ngược sông Ngàn Phố, sang Lào để qua Thái Lan thuận lợi. Cụ Tú Lang ( tên thật là Võ Trọng Cẩn) là một người yêu nước và có tinh thần đấu tranh Cách mạng mạnh mẽ. Ông đậu Tú tài nhưng không theo con đường quan lộ, mà đã chọn trở về quê nhà Hưng Nguyên làm nghề lang y để chữa bệnh giúp dân. Bắt đầu từ ngôi nhà họ Võ – chi cụ Tú Lang, là cơ sở che giấu, nuôi dưỡng những người yêu nước có chí hướng giải phóng Dân tộc. Và được sử dụng như căn cứ bí mật để truyền tin, họp bàn kế hoạch và tập trung các thanh niên chuẩn bị xuất dương.
Năm 1918, từ Thái Lan, Võ Trọng Đài trở về quê hương lựa chọn những người cháu thông minh, nhanh nhẹn là Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Tấn, là những anh em con chú bác trong dòng họ sang Thái Lan với mục đích huấn luyện để làm giao thông liên lạc giữa Trại Cày (Nakhon Phanom) với làng Phù Xá (Hưng Nguyên). Sau một thời gian sinh sống và học tập tại Thái Lan, ba anh em họ Võ trở về quê hương với nhiệm vụ dẫn đường cho những thanh niên yêu nước qua Trại Cày huấn luyện. Từ đây, mạch nối giao liên dẫn đường cho các thanh niên yêu nước từ xứ Nghệ sang Trại Cày để huấn luyện được hình thành và xuyên suốt trong nhiều năm dài.
Từ nhà thờ họ Võ chi Cụ Tú Lang ở Phù Xá đến Trại Cày ở Thái Lan, đã phát hiện và dung dưỡng nhiều nhân tài hào kiệt yêu nước thương dân, là những hạt nhân cốt cán cho Cách mạng Việt Nam sau này. Trong đó có nhiều thanh niên ưu tú như Lê Huy Doãn (Lê Hồng Phong), Phạm Thành Khôi (Phạm Hồng Thái), Lê Văn Nghiệp (Lê Thiết Hùng), Lê Xuân Đào, Hồ Tùng Mậu…. sau này là những cán bộ ưu tú của Cách mạng Việt Nam.
Có thể nói rằng, để tiến tới giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, đã có những bước chân đầu tiên của những con người yêu nước ở làng Phù Xá, Hưng Nguyên. Trên con đường vạn dặm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần ý chí mạnh mẽ, tấm lòng kiên trung của bao nhiêu thanh niên yêu nước xứ Nghệ, đã cùng nhân dân cả nước giữ trọn lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Khi Đất nước đã hoà bình, thống nhất! Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang ở Hưng Nguyên, Nghệ An được Nhà nước công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Tỉnh. Và Trại Cày ở bản Mạy, Thái Lan trở thành biểu tượng tình hữu nghị của Việt Nam – Thái Lan. Đặc biệt, ngôi nhà ông Võ Trọng Đài ở bản Mạy – nơi Bác Hồ từng sinh sống và làm việc – vẫn được các thệ hệ con cháu họ Võ kế thừa, gìn giữ và bảo dưỡng. Nơi đây vẫn còn cây khế và hai cây dừa được Bác Hồ trồng và chăm sóc. Ngôi nhà và mỗi vật dụng Bác Hồ từng sử dụng vẫn được gìn giữ một cách ngăn nắp. Và đây cũng là địa chỉ tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách quốc tế, du khách Việt Nam khi đến Thái Lan.
Ở quê nhà Hưng Nguyên, Nghệ An những người con họ Võ vẫn luôn trăn trở về những người họ hàng đang sống ở Nakhon Phanom. Từ những dữ liệu lịch sử, từ những sự kiện được kể lại, thế hệ trẻ dòng họ Vũ Võ ở Hưng Nguyên đã quyết tâm tìm đến bản Mạy – nơi ngày xưa các bậc tiền bối xây dựng Trại Cày.
Đại diện dòng họ Vũ - Võ ở Nghệ An, Nhà báo Vũ Thái Quảng đã có những chuyến đi về giữa Nghệ An – Nakhon Phanom để tìm hiểu, kết nối và duy trì liên lạc. Sự hội ngộ trên đất Thái Lan của những người con họ Võ là một điều bất ngờ. Bởi trong một thời gian khá dài, do hoàn cảnh lịch sử và thời cuộc, mạch liên lạc giữa Trại Cày và Phù Xá ngưng kết nối. Những người con của họ Võ ở bản Mạy và dòng họ Võ chi cụ Tú Lang gần như mất liên lạc.
Sau nhiều năm dài, đến nay những thế hệ dòng họ Võ tiếp tục mạch giao liên giữa thời bình! Cùng chung tay bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử mà cha ông đã tạo lập, xây dựng. Gìn giữ những giá trị lịch sử và văn hoá của quê hương Việt Nam trên đất Thái Lan. Kết nối với những người con họ Võ đang sinh sống và làm việc tại bản Mạy, Nakhon Phanom cùng bảo vệ và phát huy tình hữu nghị hai nước Việt – Thái nói chung và tình đoàn kết của dòng họ Võ nói riêng.
Lê Dung - Hoàng TháiTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.