Từ quốc gia phát triển có mức thuế “nhẹ nhàng” nhất, Mỹ quyết định tăng thuế lên người giàu và doanh nghiệp nhằm chống bất công và tăng thu ngân sách
Dự luật chi tiêu xã hội 3,5 nghìn tỉ USD, tương đương 1,2% GDP của thập kỷ tới, đang được cơ quan lập pháp Hoa Kỳ thông qua. Các điều khoản của nó sẽ liên quan đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. Trong các phương án thực hiện dự luật này, Quốc hội Hoa Kỳ tính đến phương án tăng thuế thay cho việc đi vay như lâu nay. Vậy ai sẽ là đối tượng?
Từ trào của tổng thống của Bill Clinton năm 1993, Quốc hội Hoa Kỳ tăng thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, đó cũng là lần tăng thuế đáng kể hiếm hoi cho đến nay. Kể từ đó, hầu hết mọi sắc thuế của Washington đều hạ thấp…
Hoa Kỳ hiện là một trong những quốc gia bị đánh thuế nhẹ nhất trong các nền kinh tế phát triển. Tỷ lệ thuế/GDP là 24,5% vào năm 2019, thấp hơn 9% so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD - The Organisation for Economic Co-operation and Development).
Thuế thu nhập liên bang của Hoa Kỳ đã tăng dần theo xu hướng những người thu nhập cao phải đóng thuế tỷ lệ nhiều hơn. Mức thuế thu nhập cá nhân đề xuất tăng cao nhất từ 37% lên 39,6%. Mức cao nhất đối với thuế doanh nghiệp sẽ tăng lên 26,5%.
Tuy nhiên, số tiền thực sự phải đóng không hoàn toàn giống như các tỉ lệ trên, mà còn một loạt các khoản khấu trừ từ lãi vay thế chấp đến thuế địa phương, cho phép những người giàu có thể cắt giảm tiền thuế của họ. Những người siêu giàu thậm chí còn có nhiều khoảng trống hơn để lách luật.
Các chuyên gia thuộc Đại học California chỉ ra, 400 người Mỹ giàu nhất chỉ phải chịu mức thuế thấp hơn cả tầng lớp trung lưu, bởi phần lớn thu nhập của họ núp bóng lợi nhuận công ty mà họ sở hữu. Báo cáo năm 2021 của ProPublica - một tổ chức tin tức điều tra phi lợi nhuận, cho thấy các ông trùm như Jeff Bezos và Elon Musk luôn chịu rất ít hoặc thậm chí không đóng thuế.
Dự luật mới nhằm vá lại lỗ hổng đó. Ủy ban liên hợp về thuế của Quốc hội đánh giá hầu hết các khoản tăng thuế trong dự luật nhắm vào các hộ gia đình có thu nhập từ 1 triệu USD/năm. Thuế của họ sẽ tăng 11% vào năm 2023. Trong khi đó, thuế sẽ giảm đối với tất cả những người có thu nhập dưới 200.000 USDD/năm. Như vậy, nguồn lợi xã hội sẽ dịch chuyển về phía những người có thu nhập thấp.
Một số nghị sĩ cho rằng dự luật vẫn chưa thể vá hết những kẽ hở hiện tại. Ví dụ một người giàu có nhờ tài sản thừa kế hoặc cổ phiếu có thể đưa những khoản lợi nhuận đó vượt quá tầm kiểm soát của Sở Thuế vụ.
Tuy nhiên, trang CNN một thời gian đã gọi thuế đánh trên tài sản của các tỷ phú khi vừa mất đi là "thuế tử thần". Nếu họ chẳng may qua đời, người thừa kế sẽ phải chi trả hàng tỷ USD tiền thuế.
Tổng thống Biden từng hứa trong chiến dịch tranh cử của mình sẽ chỉ tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 400.000 USD/năm. Như vậy, để bổ sung nguồn thu, chính phủ chỉ có thể tăng thuế doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng cách làm này không hiệu quả vì chỉ đánh thuế vòng vo đối với cổ đông và ngăn cản đầu tư của các công ty. Cộng thêm thuế tiểu bang, dự luật của Hạ viện sẽ đẩy thuế doanh nghiệp của Mỹ lên hơn 30%, thuộc hàng cao nhất trong các nền kinh tế phát triển.
Dĩ nhiên, các doanh nghiệp phản ứng, cho nó là mối đe dọa sự thịnh vượng của Hoa Kỳ. Tổ chức Thuế (một nhóm chính sách độc lập) kết luận dự luật sẽ hạ GDP khoảng 1% trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc chính quyền liên bang cho rằng việc phân phối thu nhập đồng đều hơn sẽ mang lại nhiều tiền hơn cho những người thu nhập thấp, những người này thường chi tiêu nhiều hơn thu nhập, dẫn đến thúc đẩy tăng trưởng.
Ngọc ĐứcGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.