Từ thú chơi cây cảnh đến ngành kinh doanh nhiều tiềm năng

Kinh doanh
09:26 AM 27/02/2023

Nhất Chi Mai (cây mai trắng) là loài cây hoa quý hiếm từ cổ xưa, được xếp đầu bảng “Thập đại danh hoa” - các loài hoa giá trị nhất Việt Nam. Và đến nay, tại Làng nghề Nhất Chi Mai ở thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội), cây mai trắng không còn là cây “xóa đói giảm nghèo”, mà trở thành cây làm giàu cho hàng trăm hộ nghề. Trước xu thế phát triển tới đây, Làng nghề An Hòa đang trăn trở bài toán mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó “nóng” nhất là đề xuất mặt bằng xây dựng trung tâm quảng bá cây mai trắng ngay tại làng nghề…

Nhất Chi Mai - thú chơi xưa và nay

Theo giới sành chơi cây hoa cảnh, chỉ nghe đến cái tên Nhất Chi Mai (hay còn gọi Hàn mai, Lưỡng mai, Nhị độ mai…), người ta đã mê hoặc không chỉ bởi vẻ đẹp sắc hoa trắng tinh khôi, hương hoa thơm dịu nhẹ, mà Nhất Chi Mai còn biểu tượng giá trị cốt cách người quân tử, thân cây tuy mảnh gầy nhưng phong sương, cổ lão mà sức sống tràn đầy, kéo ta về nơi tĩnh tâm những triết lý nhân sinh.

Bài toán thị trường cho loài hoa quý hiếm - Ảnh 1.

Cổng chào vào Làng nghề trồng mai trắng thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội)

Vào những dịp Tết đến Xuân về, người yêu hoa Nhất Chi Mai bảo nhau tầm lục lại bài thơ của Thiền sư Mãn Giác thời nhà Lý, đại ý có 2 câu nhắc tới loài hoa mai trắng:

"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ Nhất Chi Mai"

Theo bản dịch của Nhà văn Ngô Tất Tố, 2 câu thơ này ý nói: 

"Đừng bảo xuân tàn hoa rụng

Đêm qua sân trước một nhành mai"

Và có thể hiểu nôm là: Đừng bảo xuân tàn hoa rụng cả. Vẫn còn một loài Nhất chi mai sân trước đêm qua.

Một thuở, vị Thánh thơ Cao Bá Quát cũng đam mê và thổ lộ tâm tình ngưỡng mộ loài hoa mai trắng như sau:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Dịch nôm là: Mười năm bạn hiếm như gươm báu / Một đời riêng phục có hoa mai

Ở Hà Nội còn truyền tai nhau chuyện Nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh cùng nhiều văn sỹ hàng năm kỳ công dõi theo tiết đại hàn trên lịch, cắt cử nhau đi tiền trạm, để ấn định một ngày Tết cùng đạp xe xuôi mãi đến Vườn mai Đông Mỹ, rồi ngủ lại trong lều cỏ cùng vịnh thơ thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ ảo của Nhất Chi Mai, loài cây thân cành gầy gộc, sương mai, nhưng phủ trắng những bông hoa xinh đẹp, e ấp chào mùa xuân…

Còn nhớ dịp Tết gần đây, Tập đoàn Phúc Thanh, một doanh nghiệp đa ngành nghề, đã kỳ công tổ chức cuộc tiệc "thưởng trà tửu bình hoa" ở Chung cư cao cấp Golden Westlake (162A, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội).

Hôm đó, bữa tiệc bình Nhất Chi Mai của các doanh nhân thi vị không ngòi bút nào tả xiết. Không gian Tết từ tiền sảnh, lối vào và phòng khách lớn tràn ngập những bình hoa, chậu hoa Nhất Chi Mai lớn nhỏ, đủ các dáng thế. Bên ngoài mưa xuân lành lạnh, nhưng bên trong bữa tiệc vẫn ấm cúng tình người. Trong tiếng đàn tranh réo rắt lanh lảnh và đàn bầu thong thả từng nhịp ngân nga, các doanh nhân như hòa vào nhau cùng xướng họa 36 bài thơ Nhất Chi Mai, gắn vẻ đẹp trượng phu kỳ ảo cây mai thế.

Trong men say hoa, say cảnh, say người… nhiều doanh nhân chia sẻ rằng: Người kinh doanh muốn sáng suốt phát huy hết khả năng phải biết "thanh tâm, tịnh thần". Chủ tịch Tập đoàn Phúc Thanh liên tục đứng ngồi cầm canh xướng họa 36 bài thơ Nhất Chi Mai, như một bài hay vịnh cây mai thế "Ngũ phúc Phụ tử".

Ngũ phúc bén duyên phụ tử đài

Lưỡng quý hợp thành Nhất Chi Mai

Xuân hồi hoa khai ân đức vượng

Đáo gia tài lộc phúc trùng lai

Theo diễn giải, Tết đến Xuân về ai may mắn sở hữu cây mai thế "Ngũ phúc - Phụ tử" ở phòng khách, thì trong nhà như luôn có niềm tin tài, phúc, lộc trùng trùng đến cả năm… Nhất Chi Mai như thế đã đi vào chiều sâu Hà Nội và nước Việt như một mỹ tục cao sang, như một thú chơi tao nhã ngày Xuân. Vẻ đẹp cây hoa mai đang lan tỏa trong cộng đồng, đang thăng hoa nét đẹp văn hóa cổ truyền đầu xuân chơi Nhất Chi Mai, tuy cây mảnh dẻ nhưng cứng cáp, hoa trắng nhỏ nhưng đẹp thuần khiết, mùi thơm nhẹ nhàng mà kín đáo.

Bài toán thị trường cho loài hoa quý hiếm - Ảnh 2.

Bình hoa Nhất Chi Mai - xu thế chơi hoa Tết phát triển mạnh thời gian gần đây

Chuyện ghi ở những hộ nghề

Cây Nhất Chi Mai hiện đang trồng rải rác ở nhiều nơi phía Bắc. Song, nhiều người chơi mai đều cho rằng: Ngoài một số nhà vườn tập trung ở tỉnh Nam Định, ở Nghi Tàm, Quảng Bá, Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), ở SaPa (tỉnh Lào Cai), thì trung tâm trồng đại trà, buôn bán cây mai trắng quy mô lớn nhất cả nước hiện nay nằm ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Về thôn An Hòa mới đây, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị tìm gặp một chủ nhà vườn Nhất Chi Mai có uy tín trong làng nghề. Đó là ông Đỗ Văn Thơ (sinh năm 1959), riêng đất nhà ở của hộ nghề này đã rộng gần 3.000m2, hiện đang phủ kín cây mai thành phẩm đã tạo tác dáng thế lâu năm và hàng phôi mai chuẩn bị xuất bán. Nếu kể cả diện tích đất mua thêm ở gần Ao Vua và xã Yên Bài (Ba Vì)…, thì hộ nghề ông Thơ có tổng cộng gần 4ha với hàng vạn cây mai. 

Ông Thơ cho biết: "Tôi làm cây mai trắng từ năm 1998, muộn hơn vài năm so với mấy anh em ruột nhà tôi (ông Đỗ Tuấn Hải, bà Đỗ Thị Hằng…), đó là những hộ dân đi tiên phong mang nghề trồng và kinh doanh Nhất Chi Mai về làng. So với trong nước, chỉ có làng An Hòa này làm nghề mai trắng quy mô lớn, thậm chí SaPa cũng phải xuống đây lấy cây phôi…"

Thời kỳ đầu, ông Thơ chở mấy chậu mai bằng xe đạp xuống Hà Nội. Do ngồi bán ở gốc cây vỉa hè, thu nhập không đáng kể nên không dám thuê cửa hàng. Thế rồi, qua cái thời xe đạp, xe máy đi bán mai, đến giờ làng nghề phát triển mạnh hơn, nhà ông Thơ có thể thuê ô tô chuyên dụng chở mai, và vào vụ Tết có thể thuê đến vài ba cửa hàng bán mai. 

Ông Thơ kể: "Thông thường hàng bán rất chạy, có năm bán hết cả phôi cây, chỉ giữ lại vài ba trăm phôi cây để làm nghề. Như vụ Tết Quý Mão 2023 vừa rồi, nhà tôi thu từ tiền bán buôn, bán lẻ các loại bình, chậu hoa mai thành phẩm, tiền bán phôi mai.. được gần 2 tỷ đồng". 

 Theo ghi nhận, thôn An Hòa vốn là cái nôi phát triển kinh tế năng động so với xã và với huyện. Hàng năm hộ nghề nào thu ít cũng 200 – 300 triệu đồng. Thôn có khoảng gần 10 hộ thu nhập 3 – 4 tỷ đồng/năm, như các hộ ông Đỗ Tuấn Hải, ông Khuất Duy Thế, ông Đỗ Văn Thơ, ông Khuất Duy Mạnh, ông Đỗ Quang Thái, ông Bùi Việt Hà…Đó đều là các hộ nghề có kinh nghiệm và có nhiều cây mai thế lâu năm có giá trị cao. 

Như thế, cây mai tạo cho các hộ dân ở An Hòa có mức thu nhập cao nhất xã Tản Lĩnh, và cao nhất huyện Ba Vì. Ví như năm 2022, xã Tản Lĩnh mỗi hộ thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/năm, thì An Hòa đạt trên 100 triệu đồng... Kinh tế từ làng nghề chiếm tỷ trọng rất cao, đã lan tỏa và cuốn hút rất nhiều hộ dân làm theo. Ví như vợ chồng bà Bùi Thị Ánh Hoa vốn thoát ly làm công nhân. Khi nhận thấy cây mai là cơ hội làm giàu, bà Hoa cùng chồng nghỉ công nhân về quê làm cây mai từ năm 2017.

Được nhiều hộ nghề đi trước tận tình hướng dẫn, hộ bà Hoa nắm bắt nhanh kinh nghiệm làm cây mai phôi, và 6 năm nay chuyển sang làm mai thế. Hiện hộ nghề bà Hoa có trên 1ha trồng khoảng 2.000 cây mai. Mấy năm gần đây, hộ bà Hoa có nguồn thu từ cây mai 1 tỷ đồng/năm, như vụ Tết vừa rồi trừ chi phí cũng thu được 1,5 tỷ đồng, nằm trong top gần 40 hộ nghề ở Làng nghề An Hòa có thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Bài toán thị trường cho loài hoa quý hiếm - Ảnh 3.

Ông Đỗ Văn Thơ chăm sóc vườn Nhất Chi Mai

Tìm lời giải cho bài toán thị trường

Tản Lĩnh là một xã miền núi nằm ở phía Tây Nam và cách trung tâm huyện Ba Vì khoảng 14 km. Theo báo cáo năm 2022 của UBND xã Tản Lĩnh, đất tự nhiên toàn xã rộng 27,73 km2 với trên 4.300 hộ dân và dân số trên 16.000 người. Tổng giá trị sản xuất cả năm ước đạt gần 764 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/năm. 

Với vị trí nằm gần trung tâm các khu du lịch huyện Ba Vì, xã Tản Lĩnh và thôn An Hòa có ưu thế phát triển mạnh kinh tế, trong đó rõ nhất là sức phát triển nhanh của Làng nghề Nhất Chi Mai.

Theo bà Bùi Thị Ánh Hoa, Trưởng thôn An Hòa: Thôn có 175 ha đất tự nhiên với gần 300 hộ dân, trong đó có 200 hộ nghề với gần 60 ha đất trồng mai tại thôn. Ở các hộ nghề, diện tích đất vườn quanh nhà đã trồng kín cây mai, chưa kể bà con mở rộng diện tích trồng mai sang đất khai hoang, đất thuê, đất mua thêm ở các thôn, các xã khác của huyện Ba Vì.

Nói về quảng bá tuyên truyền thị trường cây mai, bà Hoa cho rằng "Nhờ ứng dụng công nghệ Internet, làng nghề đã tạo website, fanpage Nhất Chi Mai (Hội những người yêu thích mai trắng miền Bắc)... Đặc biệt, trong 10 năm qua và nhất là 5 năm gần đây, Làng nghề được nhiều báo đài quan tâm tuyên truyền, và có nhiều bài báo, phóng sự truyền hình đưa tin về làng nghề, cụ thể như Truyền hình Hà Nội, Today TV, VTC16... Đến nay, thị trường cả nước và thậm chí thị trường quốc tế biết đến cây mai phần lớn nhờ các chương trình truyền hình, các bài báo. Chúng tôi mong báo đài tăng cường tuyên truyền để thị trường biết đến cây mai An Hòa nhiều hơn nữa."

Vào các vụ bán hoa Tết, Làng nghề An Hòa đưa cây mai vào các chợ hoa ở Hà Nội và các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Phòng Quảng Ninh.. Từ đó hình thành mạng lưới bán buôn, bán lẻ và kết nối các hộ nghề thôn An Hòa với thị trường tiêu thụ. 

Người dân An Hòa tự phát gây dựng nghề trồng mai trắng từ năm 1994. Sau gần 30 năm đến ngày 6/12/2021, UBND Thành phố Hà Nội cấp "Bằng công nhận Làng nghề trồng hoa mai trắng" cho thôn và hiện đang làm đề án bảo vệ thương hiệu làng nghề. 

Theo Trưởng thôn An Hòa, bà Bùi Thị Ánh Hoa: Đến nay, thôn vẫn có nhiều trăn trở trước nhu cầu phát triển bền vững làng nghề, ví như cải tạo đồng đất, nghiên cứu chuyên đề kỹ thuật chăm sóc cây mai... Tuy nhiên, vấn đề "nóng nhất" là người dân mong mỏi các cấp thẩm quyền từ xã đến các sở ngành Thành phố quan tâm quy hoạch một địa điểm có mặt bằng 9 – 10 ha ngay tại địa bàn xã Tản Lĩnh. Từ đó, xây dựng dự án "Trung tâm hội chợ quảng bá giao dịch cây hoa Nhất Chi Mai". Và khi hình thành được trung tâm đó, Làng nghề mới tổ chức được những ngày hội hoa Nhất Chi Mai mỗi độ Tết đến Xuân về.

Lưu Đoàn
Ý kiến của bạn
Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4

Lễ hội Hoa hồng năm 2024 với quy mô lớn nhất Tây Bắc đã chính thức khai mạc tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) sáng 27/4, thu hút hàng ngàn lượt khách đến Sa Pa ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.