Từ việc Mỹ sắp xây toà sứ quán 1,2 tỷ USD tại Việt Nam đến hàng loạt các toà sứ quán mới xây ở nhiều nước: Lý do đằng sau là gì?
Từ năm 1999, Mỹ đã liên tục xây dựng các toà đại sứ quán mới với tốc độ chưa từng thấy - tổng cộng có 167 cơ sở ngoại giao mới trong giai đoạn này. Vậy vì sao Mỹ lại tập trung vào xây dựng các toà đại sứ quán tại nhiều nước, trong đó gần đây nhất là toà đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam với mức đầu tư 1,2 tỷ USD?
Từ năm 1999, Mỹ đã triển khai chương trình xây dựng đại sứ quán các nước (Capital Security Construction Program), ước tính trị giá 21 tỷ USD. Mục tiêu chính của chương trình này là cung cấp môi trường làm việc an toàn cho nhân viên, và hầu hết tập trung xây dựng các cơ sở đại sứ quán thay thế.
Chương trình được ra mắt sau sự kiện 2 vụ đánh bom xảy ra gần như cùng lúc tại Đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya ngày 7/8/1998. Năm 2001, Vụ Điều hành các Trụ sở ở Nước ngoài (OBO) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành cải cách cơ cấu nhằm đáp ứng hoạt động của chương trình xây dựng đại sứ quán này.
Thực tế, chương trình này đã thu hút sự đóng góp của các công ty kiến trúc nổi tiếng, bao gồm Studio Gang ( Brasília) và Morphosis (Beirut) đến KieranTimberlake (London) và Weiss/ Manfredi (New Delhi).
Năm 2010, John Kerry, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ký ban hành Đạo luật An ninh và Thiết kế Đại sứ quán, tập trung cho chương trình thiết kế đại sứ quán. Luật này cũng sẽ khuyến khích các hoạt động xây dựng thân thiện với môi trường, sử dụng nghiên cứu sáng tạo để áp dụng các ý tưởng mới, giải pháp hiệu quả về chi phí và công nghệ cho tất cả các cơ sở mới.
Năm 2016, OBO đã trao hợp đồng cho BL Harbert International nhằm cung cấp dịch vụ xây dựng - thiết kế với khuôn viên Đại sứ quán Mỹ mới tại Niamey, Niger. Dự án này hoàn thành vào năm 2020.
Năm 2017, Mỹ đã khởi công một đại sứ quán mới ở Beirut, được thiết kế bởi Culver City, California, công ty Morphosis Architects. Bộ Ngoại giao Mỹ đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2022. Tổng ngân sách dự án là 1,03 tỷ USD.
Đại sứ quán mới của Mỹ ở Beirut, Lebanon
Tháng 1/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố hợp đồng xây dựng Đại sứ quán mới của Mỹ tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây tiếp tục là một phần của chương trình xây dựng đại sứ quán các nước (Capital Security Construction Program) của OBO.
Đại sứ quán Mỹ mới tại Guatemala
Cũng trong năm 2017, OBO đã thông báo về hợp đồng xây dựng khuôn viên đại sứ quán mới của Guatemala, được khởi công vào tháng 4/2018. Dự án dự kiến hoàn thành vào mùa hè năm 2022. Dự án tạo ra việc làm cho hơn 900 công nhân trong quá trình xây dựng, ước tính đóng góp khoảng 25 triệu USD cho nền kinh tế Guatemala trong năm 2018.
Đến năm 2018, Mỹ đã khởi công xây dựng toà đại sứ quán mới tại Mexico, với mức đầu tư khoảng 943 triệu USD.
Toà Đại sứ quá Mỹ tại Mexico. Ảnh: Courtesy Tod Williams Billie Tsien Architects
Năm 2020, Mỹ cũng khởi công xây dựng toà đại sứ quán mới tại Casablanca, Morocco, với tổng đầu tư 300 triệu USD. Dự án sẽ được bàn giao vào năm 2024, dự kiến tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người trong quá trình xây dựng.
Mới đây nhất, Mỹ công bố sẽ xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, với quy mô 39.000 m2 trên khu đất rộng 3,2 ha. Công ty phụ trách mảng kiến trúc của tòa nhà tỷ USD này là EYP Architecture & Engineering, có trụ sở tại Washington D.C. Khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ này có vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD.
Về khuôn viên trụ sở, Đại sứ Phạm Quang Vinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, cho biết: "Có những cái tưởng nhỏ, nhưng lại không hề dễ. Như việc tìm được khuôn viên chỗ nào cho phù hợp, khi mà Hà Nội phát triển, chật chội hết cả. Mà để đặt Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, giờ lại nâng tầm, thì thường là phải địa điểm nào đó ưng ý, vừa đủ gần trung tâm, thuận tiện, lại đủ diện tích, không gian, môi trường và an ninh, là điều không phải dễ".
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý trong các dự án xây dựng đại sứ quán Mỹ mới chính là tính bền vững. Ngoại giao xanh từ lâu đã luôn nằm trong các tài liệu của OBO, cũng như xuất hiện trong hầu hết mô hình của các toà nhà đại sứ quán.
Đây cũng được ghi nhận là nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ, khi các thiết kế đều bao gồm hệ thống năng lượng mặt trời cùng với xử lý nước thải tại chỗ. Các thiết kế cho nhiều khu vực khác cũng tích hợp hệ thống thu nước mưa, với các hệ thống đều đạt tiêu chuẩn "net-zero water".
Anh VũTheo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.