Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử

Địa phương
09:50 AM 04/09/2023

Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một khúc tráng ca bất diệt, được ví như là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và quần chúng nhân dân, đem lại những kinh nghiệm bổ ích cho tiến trình cách mạng tiếp sau, đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây, quốc gia Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ thế giới, khẳng định quyền tự do dân tộc.

Để làm nên ngày Quốc khánh lịch sử, cả dân tộc ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng cũng như đường lối cách mạng. Và trong đó, không thể không nói đến phát súng đầu tiên, sự vùng lên mạnh mẽ của các lực lượng cần lao tại Nghệ Tĩnh với phong trào Xô Viết, tạo tiền đề cho thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945.

Kỳ 1: Nhà thờ họ Võ - Nơi phát hiện những nhân tố Cách mạng.

Quê hương Phù Xá - Đất nghèo nuôi những anh hùng.

Ngày 01/9/1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Đến ngày 6/6/1884, Pháp hoàn thành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng Hiệp ước Pa-tơ-nốt. Ngày 20/7/1885, Tướng Sơmông đem 2 đại đội lính Pháp gồm 188 tên lính đổ bộ lên Cửa Hội đánh chiếm Nghệ An.

Sau khi hoàn thành việc xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã tiến hành các cuộc khai thác thuộc địa với quy mô ngày càng lớn. Tình hình xã hội Nghệ An có sự thay đổi căn bản: Từ xã hội phong kiến độc lập chuyển sang chế độ thuộc địa nửa phong kiến phụ thuộc vào thực dân Pháp; hai giai cấp mới ra đời là công nhân và tư sản; các mâu thuẫn cơ bản trong xã hội diễn ra gay gắt.

Lúc đó, ở làng Phù Xá, huyện Hưng Nguyên có ông Võ Trọng Cẩn - một người con trong dòng tộc có võ công, văn nghiệp. Vốn thông minh, cần cù, từ nhỏ Võ Trọng Cẩn đã quyết tâm học tập nhằm tiến thân bằng con đường khoa cử. Nhưng khi thi đậu Tú tài, ông nhận thấy rõ sự suy vong của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Đồng cảm với nỗi thống khổ của nhân dân, Tú tài Võ Trọng Cẩn từ bỏ con đường quan lộ, dùng hiểu biết của mình đi chữa bệnh cho người nghèo.

Bằng tất cả tài y và đức độ, ông đã chữa trị cho nhiều người được khỏi bệnh nên người dân địa phương gọi ông bằng cái tên thân thương cụ Tú Lang. Năm 1858, Võ Trọng Cẩn dựng ngôi nhà 3 gian 2 hồi lợp ngói âm dương là nơi hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người dân. Và từ ngôi nhà họ Võ, đã phát hiện và dung dưỡng nhiều nhân tài hào kiệt yêu nước thương dân, là những hạt nhân cốt cán cho cách mạng Việt Nam sau này.

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử. - Ảnh 1.

Nhà thờ chi cụ Tú Lang - nơi đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008

Con trai cụ Võ Trọng Cẩn là Võ Trọng Việng (sinh năm 1856). Ngay từ nhỏ, Võ Trọng Việng được nghe giới văn thân sỹ phu đàm đạo việc nước tại nhà. Lại được truyền thụ tinh thần yêu nước của cha mình, chàng trai Võ Trọng Việng từ lúc còn nhỏ đã giác ngộ được tinh thần đấu tranh và luôn nung nấu quyết tâm chống Pháp.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nghệ Tĩnh cũng như các địa phương khác trong cả nước, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ An và cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh. 

Ngay khi có cơ hội, chàng thanh niên Võ Trọng Việng đã tham gia tích cực trong cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Võ Trọng Việng được cụ Phan tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân tại địa phương, là một vị tướng quân kiên cường tài trí mưu lược được nghĩa quân nhất tề ủng hộ. Ngôi nhà họ Võ cũng là một trong những địa điểm hội họp bí mật của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương.

Năm 1895, cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) thất bại, Tác Việng (một tên gọi khác của tướng quân Võ Trọng Việng) bị thực dân Pháp đưa về quê Phù Xá, Hưng Nguyên và xử chém tại chợ Vực. Chúng bêu đầu ông lên ngọn tre đầu làng hòng uy hiếp tinh thần nhân dân Phù Xá, rồi phá nhà thờ và toàn bộ tài sản của gia đình ông. Hai năm sau, con cháu đã dựng lại nhà thờ trên nền cũ, như một sự khẳng định tinh thần quật cường của dòng họ Võ và tấm lòng kiên trung của nhân dân Phù Xá.

Sự tàn ác của kẻ thù lúc bấy giờ càng tăng thêm sự căm hờn và ý chí chiến đấu của các thệ hệ dòng họ Võ trên vùng đất Hưng Huyên. Không nao núng, không sợ hãi, con cháu họ Võ tiếp tục đứng lên, tiếp bước cha ông tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương.

Khi ngọn cờ Cần Vương bị thất bại hoàn toàn. Lịch sử đặt ra một yêu cầu mới là phải tìm ra một phương thức cứu nước mới, phù hợp để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phan Bội Châu xuất hiện trong thời khắc đó. Công cuộc Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng đã dấy lên một phong trào xuất dương yêu nước mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử lúc bấy giờ.

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử. - Ảnh 2.

Ông Võ Trọng Đài, sinh năm 1879 (Ảnh tư liệu tại gia đình ông ở tỉnh Nakhon Phanom - Thái Lan)

Con trai cả Võ Trọng Việng là Võ Trọng Đài, sinh năm 1879 và lớn lên trong cái nôi của phong trào yêu nước. Chứng kiến cái chết đầy bi hùng của cha, ông lại càng căm phẫn trước sự độc ác của kẻ thù, nên trong đầu ông luôn nung nấu ý chí trả thù nhà đền nợ nước. Sau khi con đường Đông Du sang Nhật bị thất bại, năm 1914, con trai của Tướng quân Võ Trọng Việng là Võ Trọng Đài lúc đó 35 tuổi, cũng chính là người đầu tiên của làng Phù Xá đã xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động. Tại Thái Lan, Võ Trọng Đài cùng với Đặng Thúc Hứa được Phan Bội Châu giao nhiệm vụ xây dựng Trại Cày, trở thành yếu nhân trong tổ chức Trại Cày Đặng Thúc Hứa.

Có hai việc chủ yếu ở Trại Cày: Một là thu nhận, nuôi dạy con em những gia đình có chí hướng giải phóng dân tộc từ trong nước gửi ra, con em gia đình Việt kiều yêu nước Lào, Xiêm gửi tới để các em biết tiếng Việt, biết lao động làm ăn và rèn giũa tinh thần yêu nước, từ đó sẽ tiến lên vận động kiều bào tham gia các công việc cứu nước. Hai là làm ruộng có thóc để nuôi anh em và góp vào quỹ để mua súng đạn. Trại Cày được thành lập, hoạt động, tập hợp và đào tạo lực lượng với ý nghĩa "Thập niên sinh tụ, thập niên giáo hối" nghĩa là: "Mười năm tập hợp lực lượng, mười năm giáo dục nhân dân".

Sau khi Võ Trọng Đài xuất dương sang Xiêm, nhà thờ họ Võ (Chi cụ Tú Lang) trở thành nơi hội họp của những người thanh niên yêu nước có tư tưởng xuất dương, tìm con đường đấu tranh cứu nước.

Năm 1918, Võ Trọng Đài trở về quê hương lựa chọn Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Tấn... là những anh em con chú bác thông minh, nhanh nhẹn trong dòng họ và Đinh Nho Bộc sang Xiêm với mục đích huấn luyện để làm giao thông liên lạc giữa Trại Cày với Phù Xá (Hưng Nguyên). Sau một thời gian sinh sống và học tập tại Xiêm, ba anh em họ Võ trở về quê hương với nhiệm vụ dẫn đường cho những thanh niên yêu nước qua Trại Cày huấn luyện.

Với vị trí thuận lợi, là địa điểm ở riêng biệt khỏi làng, xung quanh cây cối rậm rạp, lại có lối thông ra sông Lam, khi cần có thể thoát sang bờ bên kia an toàn, nhà thờ cụ Tú Lang lại tiếp tục trở thành nơi hội họp, tập trung những người thanh niên yêu nước. Ở đây có thể đi bè về hạ lưu hay ngược sông Ngàn Phố, sang Lào để qua Xiêm thuận lợi.

Từ đây, mạch nối giao liên dẫn đường cho các thanh niên yêu nước từ xứ Nghệ sang Trại Cày để huấn luyện được hình thành và xuyên suốt trong nhiều năm dài. Trên con đường vạn dặm với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, tấm lòng kiên trung của bao nhiêu thanh niên yêu nước xứ Nghệ, để tiến tới giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, được bắt đầu từ bước chân đầu tiên ở làng Phù Xá, Hưng Nguyên.

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử. - Ảnh 3.

Nhà báo Thái Quảng trò chuyện về ngôi nhà lịch sử cùng con trai cụ Võ Trọng Đài tại Trại Cày thuộc bản May, tỉnh Nakhon Phanom - Thái Lan

Kỳ 2: Mạch máu giao liên từ xứ Nghệ đến Trại Cày.

*Trong bài có sử dụng tư liệu, thông tin từ các công trình nghiên cứu và của các đồng nghiệp.

Thái Quảng - Lê Dung
Ý kiến của bạn
Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5 Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5

“Giảm giá bán - đổi sức mua” là chiến lược chung của siêu thị và TTTM trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ghi nhận tại các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị, số lượng chương trình, hạn mức khuyến mại trong thời gian này đã được tăng lên để phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân.