Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử (Phần 2)
Để làm nên ngày Quốc khánh lịch sử, cả dân tộc ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng cũng như đường lối cách mạng. Và trong đó, không thể không nói đến phát súng đầu tiên, sự vùng lên mạnh mẽ của các lực lượng cần lao tại Nghệ Tĩnh với phong trào Xô Viết, tạo tiền đề cho thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945.
Kỳ 2: Mạch máu giao liên từ xứ Nghệ đến Trại Cày, Thái Lan
Khi phong trào Đông Du sang Nhật của cụ Phan Bội Châu thất bại, Võ Trọng Đài là người đầu tiên ở Hưng Nguyên sang Thái Lan hoạt động. Đồng chí Võ Trọng Đài được cụ Phan Bội Châu giao nhiệm vụ xây dựng Trại Cày ở bản May, tỉnh Na Khon. Đây là cơ sở học tập, lao động sản xuất cho những thanh niên yêu nước, để tuyển chọn học viên tích cực gửi sang Trung Quốc đào tạo lực lượng cho cách mạng Vệt Nam.
Năm 1928 và năm 1930, cả 2 lần Bác Hồ sang Thái Lan với tên gọi Thầu Chín đều được tổ chức tin tưởng bố trí ăn nghỉ trong nhà đồng chí Võ Trọng Đài. Đánh giá về ông Võ Trọng Đài, lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Nguyên viết: "Võ Trọng Đài là người đầu tiên của Hưng Nguyên được các sĩ phu đưa sang Thái Lan và trở thành yếu nhân trong tổ chức Trại Cày Đặng Thúc Hứa".
Tiếp nối con đường cứu nước của họ Võ thế hệ đi trước, năm 1918 ông Võ Trọng Cánh được Võ Trọng Đài về làng Phù Xá đưa sang Trại Cày học tập và rèn luyện. Được cụ Đài tin tưởng giao nhiệm vụ, được huấn luyện công tác giao liên, trở thành một mắt xích quan trọng trong phong trào Đông Du.
Sau đó Võ Trọng Cánh trở về quê thực hiện nhiệm vụ vận động và dẫn đường đưa các thanh niên yêu nước sang Xiêm học tập và huấn luyện. Trước hết ông vận động và giác ngộ những người anh em thân cận nội tộc của mình là Võ Trọng Tấn, Võ Trọng Ân cùng tích cực liên lạc, tổ chức tuyển chọn đưa người sang Trại Cày (tỉnh Na Khon - Thái Lan).
Lúc bấy giờ, làng Phù Xá là nơi tụ họp của những thanh niên muốn xuất dương tìm đường cứu nước. Nhà thờ cụ Tú Lang được Võ Trọng Cánh trực tiếp trông coi bảo quản vì vậy đã nhanh chóng trở thành địa điểm lý tưởng làm nơi gặp gỡ, liên lạc, nơi ăn nghỉ của các thành viên trước khi sang Thái. Nhờ vị trí thuận lợi và sự nỗ lực hoạt động của Võ Trọng Cánh chỉ trong một thời gian ngắn, 3 anh em họ Võ đã bắt mối liên lạc, tổ chức ăn nghỉ và đưa được một số người xuất dương sang Thái Lan an toàn, nối mạch nguồn cho trí thức yêu nước Việt Nam.
Chuyến đầu tiên, các ông được giao nhiệm vụ trở lại quê nhà đón Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Hoan, Đặng Quỳnh Anh… lánh sang Xiêm và tiếp tục đưa những lớp thanh niên khác xuất dương. Ở Thái Lan học 6 tháng, khi trở về quê nhà, ông Võ Trọng Cánh bị lính phủ của Pháp bắt về huyện giam giữ, tra hỏi gần một năm trời, do không đủ chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho ông. Về nhà ông đi dạy chữ Nho nhưng thực chất là hoạt động cách mạng. Thanh niên yêu nước được vận động đi du học đều tập trung tại nhà thờ cụ Tú Lang hành hương rồi mới đi. Bà Nguyễn Thị Kình, vợ ông Võ Trọng Cánh là người phục vụ cơm đùm đi rừng cho đoàn.
Từ năm 1922 trở đi, hai anh em Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân đã tổ chức được nhiều chuyến xuất dương, dẫn đường cho nhiều thanh niên yêu nước bí mật sang Trại Cày. Trong đó có nhiều thanh niên ưu tú như Lê Huy Doãn (Lê Hồng Phong), Phạm Thành Khôi (Phạm Hồng Thái), Lê Văn Nghiệp (Lê Thiết Hùng), Lê Xuân Đào, Hồ Tùng Mậu… sau này là những cán bộ ưu tú của cách mạng Việt Nam.
Bắt đầu từ Trại Cày, Thái Lan những thanh niên Việt Nam yêu nước được học tập, huấn luyện. Sau đó sẽ được lựa chọn để đến Quảng Châu, Trung Quốc tiếp tục đào tạo. Năm 1923, khi từ Trại Cày sang Quảng Châu, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, cùng 5 thanh niên khác đã lập ra một tổ chức yêu nước với tên gọi "Tâm Tâm xã" để đấu tranh đòi quyền lợi cho dân tộc.
Vào ngày 19 tháng 6 năm 1924, khi viên Toàn quyền Đông Dương Merlin trên đường sang Nhật ghé qua Quảng Châu dự tiệc ở Sa Diện, Phạm Hồng Thái được giao nhiệm vụ ám sát tên thực dân khét tiếng này. Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn được giao nhiệm vụ yểm trợ cho Phạm Hồng Thái. Sự việc không thành, Phạm Hồng Thái hy sinh. Sự kiện "Tiếng bom Sa Diện" đã gây được sự chú ý mạnh mẽ của quốc tế. Báo chí trong nước và nhiều tờ báo của nước ngoài ở Trung Quốc lúc bấy giờ đã ngay lập tức đăng tin về hành động quả cảm của một thanh niên cách mạng Việt Nam và liên tục có nhiều bài bình luận về tiếng bom "kinh thiên động địa" này.
Thời điểm tổ chức Tâm Tâm xã do Phan Bội Châu lập ra đang khủng hoảng, thì cũng là lúc đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với tư cách đại biểu của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú ý nhóm các nhà cách mạng trẻ tuổi, trong đó có Lê Hồng Phong. Chính những người này là những nhân vật nòng cốt cho khóa huấn luyện cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc. Tham gia lớp huấn luyện chính trị đầu tiên này có 9 người, nổi bật là Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Hồ Tùng Mậu. Học xong khóa huấn luyện đầu tiên, các đồng chí Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu và một vài người khác được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn vào nhóm bí mật, kết nạp thành những người Cộng sản dự bị. Các đồng chí được giao nhiệm vụ tham gia vào bộ phận tổ chức, hướng dẫn các khóa huấn luyện tiếp theo.
Dựa trên cơ sở nhóm bí mật này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội này trở thành tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng ta sau này. Về tổ chức, dù chưa phải là Đảng Cộng sản nhưng Hội có hạt nhân là Cộng sản đoàn và đặc biệt hơn, từng bước Bác Hồ lựa chọn những đồng chí xuất sắc nhất để giới thiệu họ vào Đảng Cộng sản Trung Quốc… Cùng với Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong là một trong số những người đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo theo chiến lược cán bộ ấy.
Thông qua những hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu - Trung Quốc (1924-1927), lớp thanh niên Nghệ Tĩnh xuất dương trong thời kỳ này đã được giáo dục, dìu dắt, thử thách và trở thành những người tuyên truyền, những người tổ chức cho cách mạng Việt Nam. Họ là những người đầu tiên gieo hạt giống cách mạng trên quê hương Nghệ Tĩnh và cả nước bằng việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào quần chúng đang sục sôi cách mạng. Lực lượng trẻ tuổi ấy là những cán bộ chủ chốt, là bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong bộ khung quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930.
Từ thế hệ cụ Tú Lang (Võ Trọng Cẩn) đã trải qua mọi hoạt động chống giặc ngoại xâm thời Cần Vương, Văn Thân cho đến cách mạng giải phóng dân tộc như Võ Trọng Việng tiếp thế thứ thân như Võ Trọng Đài, Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Linh, Võ Trọng Nhỏ, Võ Trọng Bành, Võ Trọng Tấn, Võ Trọng Cư, Võ Trọng Tiêu và Võ Thị Em… không chỉ là những người dẫn đường mà còn là người vận động, tổ chức cho những thanh niên đủ điều kiện xuất dương. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để những thanh niên yêu nước được học tập và đào tạo, được tiếp cận và lĩnh hội con đường cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1927, bọn mật thám phát hiện ra tài liệu trong nhà thờ cụ Tú Lang đã bắt Võ Trọng Cánh và xử 3 năm tù, Võ Trọng Ân cũng bị bắt giam tại Nhà lao Vinh với tội danh đưa nhiều thanh niên xuất dương mà không được phép của chính quyền.
Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân bị Pháp bắt giữ, đường dây giao liên từ xứ Nghệ đến Trại Cày bị ngừng hoạt động. Có thể nói, với sự kiện hai anh em họ Võ bị bắt giam, đã khép lại quá trình gần mười năm giao liên dẫn đường cho các đoàn xuất dương từ xứ Nghệ sang Trại Cày (Thái Lan).
Thời gian này xứ ủy Trung Kỳ xây dựng cơ sở Đảng ở Hưng Nguyên trên cơ sở tổ chức Tân Việt lập chi bộ Cộng Sản. Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước kéo dài. Các tổ chức cơ sở Đảng cũng lần lượt được thành lập. Tháng 3/1930, khi đang ở tù, Võ Trọng Cánh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cũng bắt đầu từ đây mở ra một chặng đường mới hoạt động sôi nổi, lớn mạnh của phong trào cách mạng Việt Nam.
Kỳ 3: Chi bộ Phù Xá và Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
*Trong bài có sử dụng tư liệu, thông tin từ các công trình nghiên cứu và của các đồng nghiệp.
Thái Quảng - Lê DungTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.