Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử (Phần 3)
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931, một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam; khẳng định mối liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam trong tiến trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kỳ 3: Chi bộ Phù Xá và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
Nhà thờ họ Võ ở Phù Xá đã trở thành địa điểm gặp gỡ, liên lạc, ăn nghỉ của những người cùng chí hướng đến từ các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu…Trong số những người ra nước ngoài xuất phát từ nhà thờ họ Võ, có nhiều đồng chí sau này là cán bộ ưu tú của cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Lê Xuân Đào…
Năm 1927, bọn mật thám phát hiện ra tài liệu trong nhà thờ cụ Tú Lang đã bắt Võ Trọng Cánh và xử 3 năm tù, Võ Trọng Ân cũng bị bắt giam tại Nhà lao Vinh với tội danh đưa nhiều thanh niên xuất dương mà không được phép của chính quyền và tham gia Hội Phục Việt (sau này đổi tên là Đảng Tân Việt). Trong chốn lao tù khắc nghiệt, đòn roi tra tấn và chế độ hà khắc vẫn không thể nào làm lay chuyển ý chí, tinh thần của những người thanh niên yêu nước.
Từ khi Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân bị Pháp bắt giữ, đường dây giao liên từ xứ Nghệ đến Trại Cày bị ngừng hoạt động. Có thể nói, với sự kiện hai anh em họ Võ bị bắt giam, đã khép lại quá trình gần mười năm giao liên dẫn đường cho các đoàn xuất dương từ xứ Nghệ sang Trại Cày (Thái Lan).
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Các tổ chức cơ sở Đảng cũng lần lượt được thành lập. Tháng 3/1930, khi đang ở tù, Võ Trọng Cánh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở trong tù, đồng chí đã vận động thuyết phục và giác ngộ những binh lính. Nhờ được cai tù cho làm công việc chăm sóc hai con ngựa của Tổng đốc An - Tĩnh mà Võ Trọng Cánh có điều kiện liên lạc với bên ngoài.
Tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Tinh về bắt liên lạc với đồng chí Lê Xuân Đào thành lập Chi bộ Trúc - Lam - Giang, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Nhượng bí danh Trúc, quê làng Trung Cần; Nguyễn Thị Quỳnh Nga, còn gọi Thông Phia bí danh là Lam, quê làng Trung Cần; Lê Xuân Đào, còn gọi Chắt Lũ bí danh là Giang, quê làng Phù Xá.
Đến tháng 3/1930, Võ Trọng Cánh được ra tù. Lê Xuân Đào lúc đó là Bí thư liên huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương đã giao cho Võ Trọng Cánhh tổ chức chi bộ làng Phù Long và Phù Xá, đồng thời cùng tham gia các hoạt động đấu tranh biểu tình do Đảng lãnh đạo.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, các tổ chức cơ sở Đảng cũng lần lượt được thành lập. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Trọng Cánh, tháng 5/1930, Chi bộ làng Phù Xá được thành lập tại nhà thờ cụ Tú Lang, do đồng chí Võ Trọng Cánh làm Bí thư. Từ đây, nhà thờ họ Võ trở thành nơi sinh hoạt, hội họp của Chi bộ.
Chi bộ Phù Xá gồm có 8 đồng chí trong đó có 4 đảng viên họ Võ: Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Nhỏ, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Nhạ là anh em, chú cháu cùng hoạt động trong và ngoài nước từ năm 1918. Đồng chí Võ Trọng Cánh được giao phụ trách công tác tài chính, cứu tế, quyên góp, vay lúa nhà giàu cứu đói cho dân nghèo. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân Hưng Nguyên tổ chức phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Phong trào cách mạng ngày một lên cao.
Mở đầu là cuộc bãi công, biểu tình lớn ngày 1/5/1930 của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy với nông dân Phù Xá và một số làng xã của huyện Hưng Nguyên. Tin tức đấu tranh của công nông các nơi dồn dập dội về đã thôi thúc đảng viên, quần chúng nhân dân Hưng Nguyên đứng lên hành động, truyền đơn, cờ đỏ búa liềm xuất hiện đầu tiên ở nhiều nơi để hưởng ứng chủ trương của Đảng về kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5.
Đây là những sự kiện mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh. Từ đây phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được hưởng ứng mạnh mẽ.
Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước
Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi
(Bài ca Cách mạng – Đặng Chánh Kỷ)
Dấu ấn lịch sử đặc biệt của phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên thời kỳ 1930-1931 với sự tham gia tích cực của chi bộ Phù Xá đó là cuộc biểu tình lớn, cuộc đấu tranh cách mạng quyết liệt của nông dân Hưng Nguyên ngày 12/9/1930.
Theo đúng kế hoạch, sáng sớm ngày 12/9/1930, các đồng chí Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Bành cùng đoàn người từ Đền Xuân Hòa kéo ra ga Yên Xuân rồi trở lại làng Phù Xá; dòng người biểu tình ngày một đông thêm kéo ra từ các làng xóm, các huyện phụ cận. Hàng ngàn nông dân nhiệt tình tham gia biểu tình, họ mang theo cở đỏ búa liềm, dáo mác, gậy gộc, ... hàng ngũ chỉnh tề, càng lúc càng đông, rầm rộ tiến về phủ lỵ. Khi đến địa phận xã Thái Lão, đoàn đã đông tới 8.000 người. Như kế hoạch đã định, đoàn người biểu tình đưa yêu sách cho tri phủ, nêu cao các khẩu hiệu:
"Đánh đổ đế quốc Pháp.
Đánh đổ Nam Triều phong kiến
Bỏ sưu thuế, chia ruộng đất cho dân cày…"
Trước khí thế xung thiên của cuộc biểu tình, chính quyền thực dân Pháp đã phản ứng đáp trả mạnh mẽ, họ chủ trương kiên quyết trấn áp. Lực lượng vũ trang đã vào cuộc, thậm chí thực dân Pháp đã huy động cả máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết và 125 người bị thương.
Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Sôi sục lòng căm thù, một làn sóng đấu tranh, biểu tình phản đối nổi lên dồn dập, những cuộc lạc quyên cứu giúp những gia đình bị nạn được tổ chức. Những người cộng sản ở Hưng Nguyên không hề nao núng, lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả, biến đau thương, căm thù giặc thành hành động cách mạng.
Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân là thành viên sáng lập chi bộ Phù Xá, thuộc thế hệ đảng viên đầu tiên, đây là những hạt giống đỏ của phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Chính quyền bảo hộ thực dân ra tay đàn áp, vây bắt cán bộ, trong đó hai anh em họ Võ được xác định là thành phần đặc biệt nguy hiểm, có vai trò quan trọng trong tổ chức đảng. Vì vậy, Tri phủ Hưng Nguyên đã treo thưởng cho ai khai báo hoặc bắt được Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân và các đồng chí của họ nộp cho chính quyền bảo hộ. Cuối năm 1930, Võ Trọng Ân bị bắt giam tại nhà lao Vinh, khép án tù bốn năm.
Tháng 10/1931, Đảng phân công Võ Trọng Cánh vận động nhân dân xóm Trại làng Trùng Mưu (xã Hưng Thắng nay) để biểu tình đòi giảm sưu thuế. Trong lúc cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt, lính ở đồn Yên Xuân kéo đến đàn áp, đạp làm gãy tay Võ Trọng Cánh. Chúng bắt ông cùng một số cán bộ giải về nhà lao Vinh tra tấn rất dã man, biết ông liên lạc với nhiều tổ chức Đảng cơ sở, các đồng chí quan trọng của Xứ ủy, Tỉnh ủy và Phù ủy nên chúng tập trung khai thác. Tuy nhiên mọi âm mưu thủ đoạn đều thất bại, Võ Trọng Cánh vẫn một lòng kiên trung với Đảng.
Cuối cùng chúng ghép ông vào tội đặc biệt nguy hiểm, lãnh mức án tử hình. Ngày 2/4/1931, chúng giải ông về đồn Phúc Mỹ xử bắn khi chỉ mới 43 tuổi, tấm gương của ông mãi sáng ngời trong trang lịch sử quê hương Hưng Nguyên Xô Viết anh hùng. Để ghi nhớ công lao của ông Võ Trọng Cánh, hiện nay đảng bộ cơ quan Khối Dân chính huyện Hưng Nguyên mang tên Đảng bộ Võ Trọng Cánh.
Sau khi Võ Trọng Cánh mất, các đồng chí khác, người bị bắt, người rút vào hoạt động bí mật. Chi bộ Phù Xá do bị mất cán bộ cốt cán tạm thời ngừng hoạt động.
Trong cao trào cách mạng 1930-1931, cùng với Hà Tĩnh, Nghệ An trở thành trận địa chính trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tại đây đã hình thành chính quyền Xô viết thôn xã đầu tiên ở Đông Nam Á. Đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều rắp tâm "làm cỏ" Nghệ - Tĩnh, hòng nhổ hết gốc rễ cộng sản trên địa bàn này. Nhưng, chúng đã bất lực. Chỉ vài năm sau, các cơ sở đảng lại hồi phục và lớn mạnh không ngừng.
Từ phong trào đấu tranh của giai cấp công nông Nghệ An - Hà Tĩnh, đã lập nên những làng Xô viết trong cao trào 1930-1931. Những "làng đỏ" thắp lên ngọn lửa yêu nước khắp mọi miền quê, tạo nên phong trào rộng lớn, trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên chống lại thực dân, phong kiến ngay sau khi Đảng ta mới ra đời. Những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cộng sản trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 trở thành biểu tượng bất tử của lòng dũng cảm và chí khí can trường.
Bài học mà phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh để lại cho muôn đời chính là sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là 2 lực lượng chính tiên phong trong mọi cuộc cách mạng. Truyền thống đoàn kết, công tác tuyên truyền, vận động luôn phải đi trước một bước để quy tụ, tập hợp sức mạnh toàn dân.
Dẫu nhiều cuộc biểu tình bị dìm trong biển máu nhưng Đảng ta đã có thêm những bài học quý giá để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Ngọn lửa Xô viết mãi soi sáng con đường giải phóng dân tộc, là điểm tựa tinh thần lớn lao để toàn Đảng, toàn dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả trong công cuộc đổi mới Đất nước hôm nay.
*Trong bài có sử dụng tư liệu, thông tin từ các công trình nghiên cứu và của các đồng nghiệp.
Thái Quảng - Lê DungTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.