Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử (Phần 4)

Địa phương
10:09 AM 02/10/2023

Xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An là mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống cách mạng, là điểm khởi đầu của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Nơi đây đã gắn bó với nhiều chí sĩ yêu nước và quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi của các thế hệ cha ông, trong đó nổi bật là tinh thần yêu nước của dòng họ Võ.

Kỳ 4: Những thế hệ nối tiếp phát huy tinh thần cách mạng của dòng họ Võ

Tháng 4/1931, đồng chí Võ Trọng Cánh bị địch bắt và tử hình trong phong trào đấu tranh cứu đói. Đồng chí Võ Trọng Cánh hy sinh khi còn rất trẻ tuổi nhưng tấm gương của đồng chí mãi sáng ngời trong trang lịch sử quê hương Hưng Nguyên Xô Viết anh hùng. Để ghi nhớ công lao của đồng chí, hiện nay đảng bộ cơ quan Khối Dân chính huyện Hưng Nguyên mang tên Đảng bộ Võ Trọng Cánh. Tên của đồng chí được đặt thành tên đường tại phường Quán Bàu - TP Vinh.

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử. (Phần 4) - Ảnh 1.

Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Võ Trọng Cánh, đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc

Lớp trước ngã xuống, lại có lớp sau tiến lên. Tinh thần quật khởi, kiên cường của dòng họ Võ ở Hưng Nguyên luôn được noi theo, tiếp bước. Đồng chí Võ Trọng Ân, sau hai lần bị địch bắt và giam tù khổ sai, đến năm 1934 mới được trở về quê hương. Biết tin người anh họ là Võ Trọng Cánh đã hi sinh, ông càng thêm quyết tâm chiến đấu "báo thù nhà, trả nợ nước".

Năm 1937, Chi bộ Đảng Phù Xá được khôi phục do Võ Trọng Ân là Bí thư. Ông cùng đồng chí Chu Huy Mân đã đứng ra lãnh đạo phong trào ở Hưng Nguyên. Nhà thờ họ Võ trở thành địa điểm hoạt động của Tổng ủy, Phủ ủy và Tỉnh ủy Nghệ An.

Năm 1940, đồng chí Võ Trọng Ân và đồng chí Chu Huy Mân bị bắt, đi đày tại nhà lao Kon Tum. Tại đây, đồng chí Võ Trọng Ân tiếp tục hoạt động Chi bộ với các đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân.

Trở về quê hương sau gần 5 năm bị giam cầm, nén nỗi đau mất người thân, ông tiếp tục kiên cường đấu tranh, cùng với các đồng chí ở địa phương tổ chức quần chúng đứng lên giành chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, đồng chí được Đảng phân công làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Những năm sau đó, đồng chí lần lượt được bầu vào Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và trong thời kỳ khôi phục xây dựng đất nước sau chiến tranh, đồng chí Võ Trọng Ân đã trải qua nhiều vị trí và nhiệm vụ quan trọng. Ở thời điểm nào, bất kỳ nhiệm vụ nào, bằng tất cả tài - trí - dũng - đức, đồng chí đều hoàn thành tốt, đảm bảo mục tiêu bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử. (Phần 4) - Ảnh 2.

Đồng chí Võ Trọng Ân Đã có công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc

Với những đóng góp trong nhiều lĩnh vực, cả cuộc đời đồng chí đã hy sinh vì đất nước, vì nhân dân, một chiến sĩ cộng sản trung kiên, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đồng chí Võ Trọng Ân đã sống trọn vẹn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc bằng tất cả tinh thần và ý chí của người cộng sản yêu nước.

Cùng thời kỳ hoạt động với đồng chí Võ Trọng Ân, còn có đồng chí Võ Trọng Bành cũng là một chiến sĩ cách mạng kiên trung trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ của xứ Nghệ.

Được nuôi dưỡng trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong một dòng họ có võ công, văn nghiệp nên đồng chí sớm được tiếp thu tư tưởng tiến bộ, tinh thần ham học và yêu nước của các bậc cha chú, anh em. Võ Trọng Bành đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để tiếp bước vào con đường học hành, tích cực tham gia các phong trào yêu nước.

Tháng 10/1930, với tinh thần hăng hái tham gia cùng những thành tích nổi bật trong các hoạt động yêu nước, đồng chí Võ Trọng Bành đã được đồng chí Lê Xuân Đào - Bí thư Phủ ủy lâm thời huyện Hưng Nguyên trực tiếp kết nạp vào chi bộ Phù Xá. Ông là một chiến sĩ cốt cán trong phong trào Xô viết ở Hưng Nguyên. Đầu năm 1931, ông được được Tỉnh ủy Nghệ An điều động, tăng cường về phụ trách, chỉ đạo phong trào cách mạng huyện Quỳnh Lưu.

Ngày 21/01/1932, đồng chí Võ Trọng Bành bị kẻ địch đày đi Đà Nẵng tù 10 năm khổ sai và 5 năm quản thúc, sau đó lại chuyển đến ngục Kom Tum. Tại đây, đồng chí đã học tập tinh thần chiến đấu kiên cường của các lớp đàn anh đi trước, bền gan dũng chí đấu tranh chống lại mọi chế độ hà khắc và tham gia nhiều cuộc đấu tranh trong tù do anh em tù tổ chức. Đồng chí Võ Trọng Bành còn là thành viên của "Ngọ Báo" và "Ngục Thất Tao Đàn" trong ngục Kon Tum. Thời đó ở đây có một hình thức đấu tranh rất đặc biệt là dùng thơ văn để tuyên truyền động viên nhau giữ vững chí khí niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của cách mạng.

Sau nhiều lần bị bắt giam, tù đày đến tháng 6/1945, đồng chí về lại quê nhà tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia phong trào Việt Minh bí mật và được bầu vào Ủy ban khởi nghĩa huyện. Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí làm Ủy viên tuyên truyền của Ủy ban lâm thời huyện Hưng Nguyên. Sau đó ông đảm nhiệm qua nhiều vị trí công tác, phục vụ cách mạng đến tuổi nghỉ hưu.

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử. (Phần 4) - Ảnh 3.

Đồng chí Võ Trọng Bành - người chiến sỹ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931

Đồng chí Võ Trọng Bành mất ngày 5/1/1975. Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều danh hiệu khác.

Từ tấm gương của những người anh hùng họ Võ, các thế hệ trẻ tiếp tục bồi đắp ngọn lửa yêu nước, chống giặc ngoại xâm, dũng cảm kiên trung sẵn sàng hi sinh tính mạng cho tổ quốc, dân tộc. Điển hình là đồng chí Võ Trọng Cư (1915-2002), con trai đầu của chí sĩ Võ Trọng Cánh, tiếp bước cha ông nối liền mạch nguồn tự hào của dòng họ Võ trên đất Nghệ. 

Từ những cống hiến và tích cực hoạt động tại địa phương, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ Phù Xá ngày 16/11/1940, đồng thời là Chủ tịch Hội Nông dân phản đế cứu quốc phủ Hưng Nguyên. Từ năm 1941 đến 1945, tổ chức Việt Minh ở Hưng Xá lấy nhà thờ họ Võ làm nơi hội họp, sinh hoạt, triển khai lực lượng chuẩn bị giành chính quyền. 

Ngày 5/4/1945, đồng chí Võ Trọng Cư mở cuộc họp tại nhà thờ thành lập Ban vận động Việt Minh Hưng Nguyên, do đồng chí làm Trưởng ban. Trên cơ sở đó, tổ chức Việt Minh Hưng Nguyên được kiện toàn và phát triển rộng khắp từ thôn xã đến phủ huyện. Đó là điều kiện tiên quyết để Hưng Nguyên giành chính quyền thắng lợi ngay trong ngày 19/8/1945. Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang trở thành cơ sở hoạt động của các cơ quan, tổ chức quần chúng thời kỳ 1945 đến 1975: Lớp bình dân học vụ (1946-1948), lớp tập huấn của phụ nữ huyện (1949-1952), cơ quan lương thực nông sản của huyện đóng khi sơ tán (1965-1969).

Từ năm 1960-1971, ông Võ Trọng Cư đảm nhiệm qua các vị trí như Trưởng phòng tổ chức của Bộ Thuỷ lợi Điện lực; Giám đốc nhà máy đường Sông Lam - tỉnh Nghệ An; Bí thư Đảng uỷ các cơ quan dân chính Đảng - tỉnh Nghệ An. Từ năm 1971, ông Võ Trọng Cư nghỉ hưu theo chế độ.

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử. (Phần 4) - Ảnh 4.

Đồng chí Võ Trọng Cư (1915- 2002) là con trai đầu của chí sĩ Võ Trọng Cánh (Ảnh TL: Nghệ An những tấm gương cộng sản - NXB NA)

Trong thời đại Hồ Chí Minh, các hậu duệ của cụ Tú Lang luôn phát huy được truyền thống của Chí họ, nhiều người là những cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước. Là sự tự hào của những thế hệ sau, là sức mạnh để con cháu họ Vũ - Võ tiếp tục kế thừa, phát huy và phát triển.

Tự hào hơn khi có bốn trong tám người con của đồng chí Võ Trọng Ân đều tham gia vào lực lượng vũ trang, trong đó có Thiếu tướng Võ Trọng Thanh - Nguyên UVBTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Không ngừng nối tiếp và phát huy truyền thống võ công, văn nghiệp, tinh thần cách mạng kiên trung, các thế hệ con cháu họ Vũ - Võ cùng viết tiếp những vinh quang rạng rỡ của dòng tộc, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, xây dựng Tổ quốc trong thời đại mới.

Noi gương ông cha, thế hệ trẻ chi cụ Tú Lang đã không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành những người có ích cho xã hội. Bước sang đời thứ mười, đã có những gương mặt trẻ tiêu biểu như: Vũ Trọng Cường - Thượng tá, Trưởng Phòng Xuất nhập cảnh CANA; Võ Văn Quang - Tiến sỹ Công nghệ thông tin; Võ Thị Hồng Vân - Tiến sỹ Toán học; Võ Hồng Sơn - Thạc sĩ QLKT Phó Giám đốc ngân hàng; Vũ Thái Quảng Thạc sĩ QLKT Nhà báo, NSNA. Thế hệ mười một có cháu Võ Hoàng Tùng - học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu 2 năm liền đạt giải  HSG Quốc gia (giải Ba và giải Nhì); cháu Vũ Trọng Quyền là đảng viên trẻ khi đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng...

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử. (Phần 4) - Ảnh 5.

Kỷ niệm 15 năm ngày nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang đón nhận Bằng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh

Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang đã trở thành nơi gắn bó với nhiều chí sỹ yêu nước và cách mạng, một địa điểm hoạt động bí mật của nghĩa quân Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào xô viết Nghệ Tĩnh và trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Mặc dù bị địch đốt nhiều lần nhưng đều được xây dựng lại. Nhà thờ họ Võ vẫn là nơi gặp gỡ hoạt động của cán bộ, tổ chức Đảng và mặt trận Việt Minh trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, được ví như là một nhân chứng lịch sử, gắn bó với nhiều chí sĩ yêu nước và quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi của các thế hệ cha ông. Là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử của nhân dân Long Xá nói chung và con cháu họ Vũ - Võ nói riêng trong các phong trào yêu nước. 

Với công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang được Nhà nước công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh vào năm 2008. Hiện nay, nhà thờ đang được con cháu họ Võ cùng các cấp, các ngành hoàn thiện hồ sơ nâng cấp xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.

Thái Quảng - Lê Dung
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.