Tuân theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp vào giá điện từ năm 2024?

Tiêu dùng và Tiếp thị
11:13 AM 09/09/2020

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đang hoàn thiện cơ chế bán lẻ điện cạnh tranh để năm 2024 tuân theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp vào giá. Giá điện chuyển từ "chỉ có tăng" sang có tăng và có giảm theo đúng tình hình thực tế.

Phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế nhằm giải đáp nỗi lo thiếu điện trong tương lai - Ảnh: CTV

Phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế nhằm giải đáp nỗi lo thiếu điện trong tương lai - Ảnh: CTV

Giá điện không còn "chỉ tăng"

Sáng 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Sau báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, từ vị trí chủ tọa, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là người đầu tiên đặt câu hỏi. Ông hỏi: “Chủ trương của Đảng là vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nhưng qua xem xét thấy rằng, cả giá điện đầu vào và bán ra chưa bám sát cơ chế thị trường, làm giảm động lực của sự phát triển điện năng, có đúng như vậy không?”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời, đến năm 2024, giá điện mới thực sự theo cơ chế thị trường, hoàn toàn minh bạch, có lên, có xuống, không còn câu chuyện Nhà nước can thiệp vào.

Trả lời các câu hỏi về giá điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để từng bước hoàn thiện môi trường điện cạnh tranh. Đến nay môi trường phát điện cạnh tranh đã hoàn chỉnh, 94 nhà máy điện đã tham gia thị trường này. Môi trường bán buôn điện cạnh tranh từng bước được hoàn thiện.

Khâu cuối cùng là bán lẻ điện cạnh tranh, hiện nay đang tiến hành thí điểm để đến năm 2024 thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn. "Theo đó, giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Vậy đến năm 2024, giá điện có giảm xuống không? Không thể khẳng định điều này, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh quả quyết, khi đó, doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi bởi cơ chế bán điện công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ và giá điện sẽ thật sự phản ánh đúng quy luật của thị trường, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tái đầu tư.

Mỗi năm cần 8-10 tỉ USD đầu tư vào điện

Đề cập đến việc cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây do tác động của dịch COVID-19.

"Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác" - ông nói.

Nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển điện lực giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định: "Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%".

"Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690MW đã phải hạn chế một phần công suất phát" - Bộ trưởng nêu.

Một điểm nữa là "việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030".

Trong bối cảnh đó, việc "huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỉ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn".

Đáng nói, cho đến nay vẫn "chưa có cơ chế đấu thầu để thu xếp vốn đầu tư cho ngành điện; Chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án điện".

Bộ trưởng cũng thừa nhận "công tác quản lý nhà nước trong quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư còn bất cập; quy định của pháp luật còn chồng chéo, không rõ ràng; thiếu cơ chế đặc thù cho phát triển ngành điện, nhất là các dự án cấp bách, quan trọng".

Th.Trang
Ý kiến của bạn