Tưng bừng “Ngày hội Văn hóa chào hỏi” tại Trường Mầm non Dịch Vọng
Ngày hội Văn hóa chào hỏi với chủ đề "Lời chào đi trước" là một trong những hoạt động chuyên môn và văn hóa rất thiết thực, bổ ích, góp phần mở rộng vốn hiểu biết và giáo dục hành vi chào hỏi, lễ phép cho trẻ mầm non, giúp trẻ hình thành những cơ sở đầu tiên về giáo dục nhân cách và phát triển toàn diện con người.
Thực hiện Kế hoạch số 216 /KH-UBND ngày 24/10/2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) về việc Triển khai mô hình "Xây dựng văn hoá chào hỏi cho học sinh" trong các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy năm học 2023-2024. Chiều 28/03, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Dịch Vọng phối kết hợp với Ban Phụ huynh và các thầy, cô giáo tưng bừng tổ chức "Ngày hội Văn hóa chào hỏi" với chủ đề "Lời chào đi trước" dành cho các bé Khối Mẫu giáo lớn năm học 2023-2024.
Đến dự với Ngày hội, cô và trò Trường Mầm non Dịch Vọng đón nhận được sự quan tâm của Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy - Tổ trưởng Tổ giáo vụ Mầm non; nhà giáo Nguyễn Thị Hường - Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy; nhà giáo Đỗ Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Hiệp; bà Bùi Thị Kim Liên - Phó ban Phụ huynh Trường Mầm non Dịch Vọng; cùng đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên và các bậc phụ huynh nhà trường.
Ngày hội Văn hóa chào hỏi với chủ đề "Lời chào đi trước" là một trong những hoạt động chuyên môn và văn hóa rất thiết thực, bổ ích, giúp tạo nên sự gắn kết giữa giáo dục và thực tiễn, giữa thầy cô giáo và trẻ, giữa trẻ với trẻ. Thông qua đó, góp phần mở rộng vốn hiểu biết và giáo dục hành vi chào hỏi, lễ phép cho trẻ mầm non, giúp trẻ hình thành những cơ sở đầu tiên về giáo dục nhân cách và phát triển toàn diện con người.
Khởi động chương trình "Ngày hội Văn hóa chào hỏi", các vị đại biểu và các bậc phụ huynh cùng gần 200 bạn nhỏ Khối Mẫu giáo lớn của nhà trường đã được đón xem những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc do các "diễn viên nhí" biểu diễn. Trong đó, phải kể đến phần khởi động tập thể với tiết mục "Bài học lễ phép"vô cùng sôi động. Ngoài ra, màn chào hỏi rất ấn tượng của các bé lớp Mẫu giáo lớn A1 với bài hát "Doremon" của nước Nhật Bản cũng đã cho thấy sự hồn nhiên, dễ thương của các bé trên sân khấu, khiến sân khấu trở nên rộn rã, tưng bừng và náo nhiệt.
Sau tiết mục của các bé lớp Mẫu giáo lớn A1 là màn trình diễn chào hỏi đầy xúc động của các bé lớp A2 với nội dung hát và diễn hoạt cảnh "Nghĩa Sư Đồ". Tiếp đó là tiết mục hát và vận động chủ đề "Ba con gấu" của các bé lớp A3, bài nhảy ấn tượng "Toca Toca" của các bé lớp A4. Mỗi tiết mục đều đi kèm các giai điệu vui nhộn, ý nghĩa, mang lại một cách chào hỏi khác nhau tạo ra bầu không khí vui tươi, ngập tràn những tiếng cười và hạnh phúc. Từng bước nhảy, từng lời ca của các bé đều khiến các vị đại biểu và các bậc phụ huynh trải qua các cung bậc cảm xúc từ hồi hộp, bất ngờ đến thích thú, phấn khởi. Những khoảnh khắc được nhìn các con vui cười ca hát, các thầy cô, các vị đại biểu và các bác phụ huynh đều thấy đáng yêu vô cùng.
Hội thi "Rung chuông vàng" Trường Mầm non Dịch Vọng diễn ra ngay sau đó với sự tham gia của 36 bé được chọn từ Vòng Sơ khảo thuộc các lớp Mẫu giáo lớn. Cuộc thi là sân chơi trí tuệ, bổ ích, với nội dung tổng hợp kiến thức trong chủ đề "Lời chào đi trước". Các cô giáo - thành viên Ban Giám khảo hội thi - đã đưa ra hàng loạt câu hỏi xoay quanh văn hóa chào hỏi, qua đó giúp các bé phát huy vốn hiểu biết của mình, xử lý tốt tình huống, tư duy, ghi nhớ, logic các kiến thức đã học, kiến thức thực tế của bản thân, để trả lời các câu hỏi của chương trình. Thông qua chương trình, các bé được giáo dục kĩ năng chào hỏi để có một thói quen văn minh tốt, góp phần lưu giữ nét đẹp trong truyền thống văn hóa chào hỏi của người Việt cũng như của các quốc gia văn minh trên thế giới.
Trong không khí tưng bừng của Ngày hội, cô giáo Nguyễn Thị Lê Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Dịch Vọng - chia sẻ: Chào là nghi thức xã giao đầu tiên, là phép lịch sự tối thiểu của mỗi cá nhân. Ở Việt Nam, nét đẹp của văn hóa chào được cha ông ta đúc kết thành những bài học quý báu trong kho tàng tục ngữ, ca dao: "Lời chào cao hơn mâm cỗ" hay "Dao năng liếc năng sắc, người năng chào, năng quen". Chào là một phương tiện nhằm thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội, là một hành vi đẹp mang đậm vẻ đẹp văn hóa của một dân tộc. Chính vì thế, việc gìn giữ văn hóa chào hỏi trước thách thức của quá trình giao lưu, giao thoa và ảnh hưởng văn hóa vô cùng mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ không của riêng ai.
Việc chào hỏi không chỉ đơn giản là chào theo nghĩa thông thường mà còn làm cho người khác vui và thể hiện sự tôn trọng. Chào là một nghi thức không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày. Chính vì vậy, thực hiện Kế hoạch số 216 /KH-UBND của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Trường Mầm non Dịch Vọng đã xây dựng Kế hoạch số 62/KH-MNDV ngày 08/11/2023 về Triển khai mô hình "Xây dựng văn hoá chào hỏi cho học sinh" trong Trường Mầm non Dịch Vọng năm học 2023-2024. Ngay sau đó, Trường Mầm non Dịch Vọng phát động phong trào "Văn hóa chào hỏi" với chủ đề "Lời chào đi trước" trong toàn trường.
Phong trào "Văn hóa chào hỏi" của Trường Mầm non Dịch Vọng hướng trẻ có kỹ năng chào hỏi các đối tượng theo các cách khác nhau của Việt Nam, như: Gặp người lớn tuổi, trẻ khoanh hai tay, cúi thấp đầu, vừa cúi vừa chào "Con/cháu chào ông/bà/bố/mẹ…ạ!". Gặp bạn bè, trẻ biết chào hỏi theo hình thức đã thống nhất cùng cô và bạn tại lớp như: Ôm, đập tay, bắt tay, vẫy tay, chạm khuỷu tay… Gặp các em bé ít tuổi hơn: Ngôn ngữ và hành động vui vẻ, nhẹ nhàng, thân thiện: Giơ cao tay, vẫy nhẹ bàn tay, vừa cười tươi vừa nói "Chào em"...
Thông qua phong trào "Văn hóa chào hỏi", nhà trường cũng hướng tới việc giúp trẻ có kỹ năng chào hỏi theo cách chào của một số đất nước, quốc gia khác nhau trên thế giới, như: Với người Ấn Độ: Áp hai lòng bàn tay vào nhau, người cúi nhẹ và nói "Namaste" hoặc "Namaskar". Với người Thái Lan: Úp hai lòng bàn tay vào nhau, đặt trước ngực rồi cúi đầu, đưa ngón tay chạm vào cằm và trán. Với người Mỹ: Nắm bàn tay lại và đấm vào nhau. Với người Nhật Bản: Cúi gập người về phía trước, đồng thời để hai tay thẳng hướng với nép quần khi chào để thể hiện sự cung kính, lịch sự. Với người Pháp: Bắt tay, hôn vào cổ hay má (hình thức này được thực hiện hai lần cho mỗi người),...
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Huyền tin tưởng rằng, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh, các bậc phụ huynh nhà trường sẽ cùng nhau chung tay thực hiện tốt Chủ đề "Lời chào đi trước", để văn hóa chào hỏi thực sự trở thành một quy tắc, một hành vi giao tiếp ứng xử, một "luật bất thành văn" và có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu trong và ngoài trường. Từ đó "gieo mầm" thành công thói quen chào hỏi cho lớp măng non của Trường Mầm non Dịch Vọng, góp phần tạo ra những trái ngọt và hơn cả góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Ngày hội, các em nhỏ và các bậc phụ huynh Trường Mầm non Dịch Vọng còn được tham gia trải nghiệm các trò chơi bổ ích, lý thú khác như: "Nhà thông thái", "Nhìn nhanh - Nhớ tài", "Du lịch qua các Quốc gia",... Mỗi trò chơi đều để lại ấn tượng đáng nhớ trong các bạn nhỏ với những giây phút vui vẻ, thoải mái bên thầy cô giáo và các bạn. Mỗi nụ cười xinh nở trên môi, mỗi mắt tràn đầy niềm vui niềm háo hức của các bạn nhỏ,... đều trở thành nguồn động lực để nhà trường có thêm nhiều chương trình, với nhiều hoạt động thú vị, bổ ích, tạo cho các bé những ký ức đẹp đẽ, dệt nên một tuổi thơ vô cùng ý nghĩa của các con tại mái trường Mầm non Dịch Vọng.
Một số hình ảnh trong Ngày hội:
Nguyễn HạnhTối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.